Nhân viên y tế cần sự bình đẳng trước pháp luật

17-04-2017 19:21 | Tin nóng y tế

SKĐS - Đã đến lúc chính những người làm ngành y chúng ta phải xích lại gần nhau để bảo vệ chính mình. Chúng ta cùng lên tiếng mạnh mẽ để xã hội nhìn nhận sự việc một cách công bằng, chí ít được bình đẳng tư cách như một con người trước pháp luật.

LTS: Vụ việc một bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa Thạch Thất bị người nhà bệnh nhân hành hung đang thu hút sự chú ý của dư luận. Mặc dù đã xảy ra rất nhiều vụ hành hung cán bộ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ nhưng đến nay vẫn chưa có một công cụ nào thực sự hiệu quả để bảo vệ người thầy thuốc. Nhân vụ việc này báo Sức khỏe & Đời sống xin giới thiệu bài viết của PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu – Đại biểu Quốc hội, Giám đốc Trung tâm tim mạch, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội về vấn đề này.

Chắc không ai không xúc động khi nhìn bức ảnh người đồng nghiệp trẻ của tôi nằm bất động trên cáng với cái đầu chảy máu đầm đìa. Theo thống kê chỉ tính từ đầu năm 2016 đến nay tại Bệnh viện Bạch Mai, đã có 23 vụ phạm pháp hình sự bị bắt quả tang tại bệnh viện, còn Bệnh viện Thanh Nhàn riêng trong năm 2016 có 8 trường hợp nhân viên y tế bị hăm doạ, hành hung (tất nhiên các con số này chỉ là rất nhỏ so với các trường hợp không báo cáo, thống kê).

Các bạn thử tưởng tượng chính mình là bác sĩ đang trực tiếp đón một "thượng đế" có khuôn mặt luôn hoài nghi, sẵn sàng sửng cồ gây gổ, liệu bạn có đủ dũng cảm để mỉm cười, ân cần hỏi han và kịp thời chữa trị? Vậy mà chúng tôi luôn phải cố như vậy, luôn nhẹ nhàng để giảm bớt những cái đầu bốc hoả, luôn tỉnh táo để không lao vào những cuộc tranh cãi bất tận vì mất niềm tin và cũng luôn thông cảm với những hoàn cảnh khó khăn về kinh tế, bệnh tật mà không ai tránh khỏi khi nhập viện. Vậy nhưng tai hoạ vẫn giáng bất ngờ xuống đầu chúng tôi với cả nghĩa đen và nghĩa bóng.

Điện thoại cho người bạn đồng khoá đang làm giám đốc Bệnh viện Thạch Thất, chính bản thân tôi còn không hết bàng hoàng khi nghe kể lại câu chuyện hôm qua. Cầu mong chấn thương không làm ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ của em, nhưng chắc chắn niềm yêu nghề, nhiệt huyết và sự tự tin sẽ mất đi rất nhiều trong người đồng nghiệp trẻ của tôi. Sẽ có nhiều câu bình luận cho rằng "lửa, khói", rằng đáng đời, rằng phong bì ... tôi sẽ không ngạc nhiên vì niềm tin với ngành y tế chúng tôi xuống thấp quá, cũng thấp như niềm tin đối với sự công bằng trong xã hội hiện nay. Chỉ mong các bạn nhẩm tính một bài toán với 560.000 nhân viên y tế trong cả nước (chưa tính quân y) số các "con sâu bỏ rầu nồi canh" mà báo chí "phanh phui" chắc không vượt quá con số 50 trong 1 năm. Vậy tỷ lệ sẽ là trên dưới 1 phần nghìn, thật bất công để số còn lại vào chung một chỗ để phỉ báng, hành hung.

Được biết trên thế giới không có luật riêng để bảo vệ nhân viên y tế vì con người được đối xử bình đẳng trước pháp luật và những trường hợp hành hung như trên chắc chắn phải bị truy tố theo luật hiện hành kèm theo yếu tố tăng nặng. Ở Việt Nam có luật chống đối người thi hành công vụ nhưng lại chỉ dành cho những nhà hành pháp với đầy đủ công cụ hỗ trợ trên tay còn những người làm nghề y tế - những đối tượng nguy cơ cao bị tấn công thì chưa có một phương án tự vệ nào được tính đến thực sự hiệu quả. Đã đến lúc chính những người làm ngành y chúng ta phải xích lại gần nhau để bảo vệ chính mình. Chúng ta cùng lên tiếng mạnh mẽ để xã hội nhìn nhận sự việc một cách công bằng, chí ít được bình đẳng tư cách như một con người trước pháp luật. Không thể mãi điệp khúc xin lỗi, thông cảm, hoà giải mà hậu quả là các vụ tấn công nhân viên y tế ngày càng gia tăng.


BS. Nguyễn Lân Hiếu
Ý kiến của bạn