Về câu chuyện này, Báo Sức khỏe & Đời sống chia sẻ góc nhìn của Tiến sĩ, Bác sĩ Quan Thế Dân một người có nhiều năm làm việc trong cả lĩnh vực y tế công - tư.
Những năm 1990 khi bắt đầu đổi mới, ngành y cũng có thay đổi, cho phép bác sĩ được làm thêm ngoài giờ, gọi là phòng khám tư.
Bác sĩ sau 8 giờ làm ở bệnh viện về lại lăn ra làm ở phòng khám tư đến khuya. Thu nhập kiếm thêm cũng cải thiện cuộc sống. Dần dần nhiều bác sĩ có tiếng, thu nhập từ phòng khám tư cao hơn lương nhà nước nhiều lần.
Xã hội bắt đầu xì xào, "chân ngoài dài hơn chân trong". Mà công nhận sức người có hạn, bao nhiêu sức lực đã vắt hết cho phòng khám tư rồi thì còn đâu mà phục vụ cho bệnh viện. Thế là phải thuê đồng nghiệp trực hộ, làm hộ.
Nhiều nơi giám đốc bệnh viện tả khuynh còn cấm nhân viên làm thêm…
Thế nhưng có sự lạ là dù thu nhập phòng khám tư có cao bao nhiêu chăng nữa thì người bác sĩ ấy cũng không dám bỏ việc về nhà làm tư.
Vì sao thế? Vì y tế tư nhân lúc đó còn bị xã hội nhìn bằng con mắt nghi kỵ. Uy tín y tế công lúc đó là tuyệt đối.
Bệnh nhân đến phòng mạch tư khám bao giờ cũng hỏi "bác sĩ làm ở bệnh viện nào". Tên tuổi của bệnh viện chính là bảo chứng cho trình độ của bác sĩ, nên dù làm trong bệnh viện công rất khổ, lương thấp, nhưng không ai dám bỏ việc. Vì đơn giản còn làm trong bệnh viện thì còn làm được phòng khám tư, còn có thu nhập.
Bỏ bệnh viện đồng nghĩa với đóng cửa phòng khám, là đói. Nên thời ấy còn có chuyện nhiều bác sĩ đi làm không công cho bệnh viện nhà nước, cốt để lấy tiếng về làm phòng mạch tư.
Chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm tư bắt đầu từ những năm 2000. Khi đó những bệnh viện tư nhân đầu tiên ra đời ở Tp HCM. Y tế tư nhân lần đầu tiên chững chạc bên cạnh y tế công. Người bác sĩ có thể dám xưng danh tôi làm cho bệnh viện tư, chứ không phải là cho một cái phòng khám tư nào đó.
Thế là có một làn sóng bác sĩ nghỉ việc nhà nước ra làm tư. Bệnh viện tôi khi đó là bệnh viện hạng một thuộc Bộ mà có tháng hơn ba mươi người nộp đơn xin nghỉ việc, cả năm đến hơn một trăm người xin nghỉ, làm ban giám đốc phải lo sợ, xin ý kiến Bộ tìm cách giữ chân bác sĩ.
Hai mươi năm đã trôi qua, y tế tư nhân đã phát triển, trở thành một lực lượng quan trọng của y tế Việt Nam. Bây giờ nhiều bệnh viện tư đã khẳng định được thương hiệu, đã có tập khách hàng riêng của mình. Nhiều bệnh viên tư nhỏ bé ban đầu nay đã phát triển thành doanh nghiệp lớn mạnh về chăm sóc sức khỏe.
Hàng triệu lượt người được chăm sóc sức khỏe trong hệ thống y tế tư nhân. Nhiều kỹ thuật y tế cao cấp được triển khai ở bệnh viện tư.
Trong đợt dịch Covid 19 bùng phát vừa rồi, nhiều nhân viên y tế của hệ thống y tế tư đã hăng hái tham gia chống dịch, bất kể các chính sách hỗ trợ còn chưa rõ ràng.
Tuy nhiên trong y tế Việt Nam y tế công vẫn chiếm tỷ trọng lớn, bệnh viện công vẫn chiếm ưu thế. Y tế công với các ưu đãi về đất đai, về nguồn vốn đầu tư, về hành lang pháp lý vẫn chiếm thế thượng phong so với y tế tư nhân. Chính vì được ưu đãi, được "nuông chiều" nên bệnh viện công ngoài những thành tích về phục vụ nhân dân thì cũng bộc lộ nhiều khuyết điểm về quản lý, về thái độ ứng xử, về hiệu quả sử dụng các nguồn lực đầu tư, rồi các vụ án tham nhũng lãng phí…
Y tế tư nhân không được ưu ái, tự bỏ tiền ra mua đất, tự bỏ tiền ra xây bệnh viện, tự mua sắm trang thiết bị, nhưng giá cả dịch vụ thì vẫn chung một giá với bảo hiểm y tế và mặt bằng giá chung của xã hội nhưng họ vẫn làm ăn có lãi, vẫn trả lương cao để thu hút người tài.
Vì thế câu chuyện bác sĩ bỏ bệnh viện công sang làm cho bệnh viện tư sẽ còn tiếp diễn. Đi đâu thì cũng là phục vụ người bệnh. Ở đâu mà năng lực người bác sĩ được phát huy cao nhất thì chúng ta nên khuyến khích.
Y tế tư nhân như là đối trọng, khiến cho y tế công phải tự nhìn lại mình, tự hoàn thiện mình.
Ở đâu có cạnh tranh thì ở đó có sự phát triển lành mạnh. Trên tinh thần đó, ý kiến cá nhân của tôi nên nhìn nhận hiện tượng bác sĩ bỏ bệnh viện công ra làm bệnh viện tư là điều tích cực thúc đẩy cho y tế Việt Nam.
Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả.