Nhân viên y tế bị bạo hành tại nơi làm việc nhiều gấp 16 lần so với nghề khác

28-09-2017 14:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - BSCKII. Trần Thị Bích Hằng - Chủ tịch Công đoàn Y tế Việt Nam nhấn mạnh: ‘Cán bộ y tế bị đánh đập, hành hung đã diễn ra từ nhiều năm nay, mặc dù đã có những quy định xử phạt song vẫn chưa hiệu quả. Đã đến lúc chúng ta cần phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa để chấm dứt thực trạng đau lòng này’.

Điều dưỡng bị bạo hành nhiều nhất

Tại buổi tọa đàm "Hãy vào cuộc mạnh hơn nữa vì sự an toàn của cán bộ y tế" do Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức, ThS. Vũ Thị Minh Hạnh - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách Y tế cho biết: Bạo hành NVYT là vấn đề toàn cầu. Kết quả nghiên cứu tại nhiều quốc gia cho thấy, NVYT bị bạo hành tại nơi làm việc nhiều hơn gấp 16 lần so với các ngành nghề khác. Điều dưỡng và nhân viên chăm sóc sức khỏe tại nhà bị tấn công gấp 10 lần so với các lĩnh vực lao động khác. Trên toàn cầu, tỷ lệ NVYT bị bạo hành là hơn 40%, Thái Lan 54%, Australia 61%… Như vậy, so với mặt bằng chung của thế giới và khu vực, tỷ lệ bạo hành với NVYT ở nước ta thấp hơn. Tuy nhiên, cần phải lưu ý rằng, chế tài xử phạt đối với hành vi gây bạo hành cho NVYT còn chưa được quy định rõ ràng và nghiêm minh, nhất là với bạo hành về tinh thần.

Vì vậy trong thời gian tới, nếu chúng ta không quan tâm đúng mức đối vấn đề này thì rất có thể tình trạng bạo hành NVYT sẽ ngày càng tăng, và hậu quả không chỉ gây ảnh hưởng đến quá trình hành nghề của nhân viên y tế mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả khám, chữa bệnh của cơ sở y tế, và đặc biệt việc chăm sóc người bệnh cũng sẽ bị ảnh hưởng, bất lợi.

Nhiều vụ bạo hành y tế xảy ra trong thời gian gần đây.

ThS. Phạm Đức Mục - Chủ tịch Hội điều dưỡng Việt Nam cũng cho biết: Theo nghiên cứu của các quốc gia, đối tượng bị bạo hành nhiều nhất trong ngành y tế là điều dưỡng do đây là lực lượng đông đảo và thời gian tiếp xúc với người bệnh nhiều nhất. Gần đây, Trung Quốc có thực hiện nghiên cứu phỏng vấn trên gần 1.000 cán bộ y tế. Kết quả cho thấy 12% bị bạo hành về thể chất; 46% trả lời bị bạo hành bằng chửi bới, lăng mạ làm tổn hại đến nhân phẩm; 85% họ nói rằng rất lo lắng về sự an toàn ở nơi làm việc. Thậm chí, nhiều gia đình ở Trung Quốc ân hận đã cho con chọn ngành y vì nạn bạo hành y tế. Trong số những cán bộ y tế bạo hành, điều dưỡng chiếm số lượng lớn bởi họ trực tiếp, thường xuyên liên hệ với bệnh nhân.

ThS. Mục cho biết, tại Việt Nam, hiện chưa có nghiên cứu để đưa ra bằng chứng mang tính đại diện. Nhưng ông cho rằng, con số 15% số vụ bạo hành là đối tượng điều dưỡng là thấp, trên thực tế còn cao hơn nữa. Người điều dưỡng nói riêng và thầy thuốc nói chung luôn luôn có nghĩa vụ kép khi làm nhiệm vụ thường trực tại bệnh viện. Đầu tiên là sự an toàn của người bệnh; sau đó là sự an toàn của chính bản thân họ. Với nạn bạo hành như hiện nay, Luật khám, chữa bệnh cho phép cán bộ y tế được tạm thời rời vị trí làm việc khi tính mạng của họ bị đe doạ. Tuy nhiên, họ cần báo cáo lãnh đạo bố trí người thay thế, nhưng không phải lúc nào cũng có người thay thế.

"Những người gây bạo hành với bác sĩ không phải chỉ là người liên quan đến các tệ nạn xã hội như đối tượng nghiện hút mà thậm chí có cả những người có học, có vị trí trong xã hội. Phạm vi của bạo hành y tế mang tính xã hội. Do đó cần sự vào cuộc của nhiều lực lượng như công an, chính quyền địa phương cấp xã phường... Trong thực tế, bản thân tôi khi còn làm chuyên môn đã từng gặp bệnh nhân tâm thần dùng súng bắn vào cán bộ y tế và bệnh nhân. Lúc đó, chúng tôi không dám bỏ nơi trực bởi còn nhiều bệnh nhân nặng không đi lại được, cần sự giúp đỡ của NVYT. Lúc đó, chúng tôi phải động viên nhau ở lại chấp nhận rủi ro để bảo vệ người bệnh. Nhưng đáng tiếc..., một bệnh nhân đã bị đối tượng tâm thần bắn chết. Thật đau lòng! Những tình huống như thế này không phải hiếm bởi số bệnh nhân nặng tại các BV có số lượng lớn cần sự chăm sóc của NVYT"- ông Mục nói.

BS. Lê Quang Dương - Phó khoa Hồi sức cấp cứu Bệnh viện đa khoa Thạch Thất, Hà Nội bị người nhà bệnh nhân hành hung mới đây.


Giải pháp nào chấm dứt bạo hành y tế?

Theo ông Mục, có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành y tế, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan đến từ cán bộ y tế. Nhưng quan trọng nhất vẫn là nguyên nhân quan trọng nhất vẫn là những vấn đề về luật pháp và những giải pháp phòng ngừa bạo hành cho cán bộ y tế.

"Nếu chỉ có ngành y tế vào cuộc, thay đổi một chiều hành vi của cán bộ y tế, chắc chắn việc ngăn chặn bạo hành y tế sẽ không thành công. Ngay cả những quốc gia có hệ thống pháp lý đầy đủ để phòng chống bạo hành y tế, điều này cũng vẫn xảy ra. Nên rất cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị"- ông Mục cho biết.

TS. Dương Đức Hùng - Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, BV Bạch Mai cho rằng, "nắm đấm" không giải quyết được vấn đề gì! "Tôi nghĩ rằng việc có bảo vệ, công an hay camera an ninh ở BV rất cần thiết, tuy nhiên điều này cần nhưng chưa đủ. Điều quan trọng nhất khi bệnh nhân, người nhà bệnh nhân vào BV khám chữa bệnh cần nhận thức đúng đắn hơn. Tôi không hiểu tại sao họ lại bạo lực với cán bộ, NVYT. Việc giải quyết bằng “nắm đấm” có giải quyết được những bức xúc của họ, có cải thiện được chất lượng y tế không? Nếu phát hiện những sai phạm hay bất cập của BV, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân hãy báo cho bộ phận chuyên trách của BV để kịp thời điều chỉnh"- TS. Hùng nói.

Người nhà bệnh nhân lao vào hành hung cán bộ y tế.


Là BV lớn của cả nước, số lượng bệnh nhân, người nhà bệnh nhân ra vào viện rất đông, BV Bạch Mai đã áp dụng nhiều biện pháp để bảo đảm an ninh BV. Cách đây 2 năm BV Bạch Mai đã đưa đối tượng hành hung cán bộ, NVYT ra pháp luật chịu trách nhiệm trước hành vi của mình. Do tính chất phức tạp của BV đa khoa khi số lượng cán bộ, NVYT, bệnh nhân cũng như người nhà bệnh nhân rất đông, cho nên BV Bạch Mai đã trang bị nhiều biện pháp an ninh nghiêm ngặt. Nhưng như đã nói, điều quan trọng nhất là phải giáo dục ý thức cho bệnh nhân và người nhà bệnh nhân khi vào viện khám chữa bệnh. Đó là điều kiện tiên quyết để giải quyết mọi vấn đề. Vấn đề bạo hành ở bệnh viện ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác chăm sóc bệnh nhân của các cán bộ, nhân viên y tế ở BV.

ối với việc bạo hành cán bộ, NVYT, pháp luật phải đủ mạnh, nghiêm minh, để không còn tình trạng bạo hành trong ngành y tế"- ông Hùng nhấn mạnh.

BSCKI Trần Ngọc Cường - Phó Giám đốc BVĐK Hà Đông thì cho rằng, người bác sĩ cần tinh tế, có kinh nghiệm trong ứng xử với bệnh nhân. Trong trường hợp, bệnh nhân, người nhà bệnh nhân nhất định đòi chuyển viện, nếu không cho chuyển viện họ rất bức xúc vì vậy bác sĩ cần giải thích, và đặc biệt phải tin vào kinh nghiệm của mình và thuyết phục, giải thích cho bệnh nhân, người nhà của họ rằng tuyến của mình có máy móc gì, sẽ chữa trị được cho họ để họ tin tưởng ở lại....

Về vấn đề bạo hành y tế, ThS. Cao Hưng Thái, Phó Cục trưởng Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Trước đây, tình trạng cán bộ y tế bị bạo hành rất hiếm, nhưng gần đây lại xảy ra rất nhiều. Người nhà người bệnh có những thái độ lăng mạ, hành hung cán bộ y tế gây thương tích, có những trường hợp tử vong. Hành vi ngoài đường phố đã xâm lấn vào các khu vực, cơ quan y tế. Chúng tôi rất lo lắng rằng nếu chúng ta không có giải pháp manh mẽ hơn thì câu chuyện này sẽ đi đến đâu. Ai sẽ bảo vệ đội ngũ cán bộ, y bác sĩ? Chúng tôi kiến nghị rằng, nếu cán bộ y tế vi phạm kỷ luật, có hành vi sai trái, người đứng đầu cơ cở y tế sẽ xử lý nghiêm, nhưng đồng thời nếu những đối tượng là người nhà bệnh nhân có những hành vi hành hung, lăng mạ cán bộ y tế, thì các cơ quan chức năng liên quan cũng phải vào cuộc mạnh mẽ hơn.

Theo ông Thái, từ năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 08/CT-BYT ngày 13.12.2011 về việc bảo đảm an ninh, trật tự trong các cơ sở khám chữa bệnh. Gần đây, Bộ Y tế có chỉ thị 03 về tăng cường đảm bảo an ninh trật tự BV. Và hiện nay, Bộ Y tế đang phối hợp với Cục Cảnh sát quản lý hành chính trật tự xã hội (C64) để xây dựng kế hoạch hợp tác với Bộ Công an; Có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh, các sở y tế… tăng cường các giải pháp đảm bảo an ninh trật tự trong BV.

"Với các cơ sở khám chữa bệnh cần phải tiếp tục quán triệt phổ biến những chỉ đạo của ngành. Và có những kế hoạch cụ thể, để chủ động phòng ngừa và ngăn chặn, xử lý trường hợp bạo hành NVYT. Chúng tôi hiện đang xây dựng hướng dẫn cho NVYT trong việc phòng và xử trí các nguy cơ bị bạo hành; xây dựng mô hình tự phòng, tự quản, tự bảo vệ an ninh trật tự trong BV. Ngoài ra, Bộ Y tế đề nghị các BV lắp đặt hệ thống camera an ninh báo động khẩn cấp. Đối với lực lượng bảo vệ BV, Bộ Y tế đề nghị Bộ Công an trang bị công cụ hỗ trợ…"- ông Thái nói.

Dương Hải
Ý kiến của bạn