Nhân viên hàng không và những cạm bẫy

29-07-2016 14:35 | Pháp luật
google news

SKĐS - Vì lợi nhuận lớn, lại gặp thuận lợi vì được đi nhiều nước trên thế giới nên nhiều tiếp viên, nhân viên hàng không Việt Nam đã tiếp tay, thậm chí trực tiếp thực hiện hành vi buôn lậu.

Vì lợi nhuận lớn, lại gặp thuận lợi vì được đi nhiều nước trên thế giới nên nhiều tiếp viên, nhân viên hàng không Việt Nam đã tiếp tay, thậm chí trực tiếp thực hiện hành vi buôn lậu. Mới đây nhất, một nữ tiếp viên hàng không trên chuyến bay từ Việt Nam đi Hàn Quốc vừa bị lực lượng chức năng bắt giữ do vận chuyển trái phép 3kg vàng đã gióng thêm hồi chuông cảnh báo về thực trạng này.

Vận chuyển trái phép 3kg vàng nguyên liệu

Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài, Cục Hải quan TP. Hà Nội cho biết, đêm 26/7, đơn vị phối hợp với Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP. Hà Nội phát hiện vụ việc một tiếp viên hàng không và một đối tượng vận chuyển trái phép hơn 3kg vàng. Cụ thể, tiếp viên hàng không có tên Hoàng Thị Ngọc Anh (SN 1982) và Nguyễn Ngọc Sang (SN 1986) cùng trú tại tại T5, Chung cư Times City, đã hoàn thành thủ tục hải quan, thủ tục an ninh và lên máy bay ký hiệu VN 416 khởi hành lúc 23h40 phút ngày 26/7 chặng bay Việt Nam - Hàn Quốc (Nội Bài - Incheon). Nguyễn Ngọc Sang có ghế ngồi số 12D, còn Hoàng Thị Ngọc Anh có ghế ngồi số 12G. Sau khi lên máy bay, lực lượng chức năng đã phát hiện 2 người đã cất giấu gói ni lông bên ngoài quấn băng dính màu đen, bên trong có chứa 4 cục kim loại màu vàng, trọng lượng khoảng hơn 3kg bên dưới ghế ngồi số 12D. Hoàng Thị Ngọc Anh và Nguyễn Ngọc Sang khai nhận, gói hàng trên là vàng nguyên liệu với số lượng khoảng hơn 3kg, tương đương với 80 cây vàng. Sang và Ngọc Anh vận chuyển số vàng này xuất cảnh sang Hàn Quốc với mục đích bán kiếm lời và không khai báo với Cơ quan Hải quan. Toàn bộ số tang vật nói trên đã được niêm phong và bàn giao cho Phòng Cảnh sát Kinh tế - Công an TP. Hà Nội tiếp tục làm rõ.

Hai đối tượng (ngồi) khai nhận số vàng được vận chuyển sang Hàn Quốc với mục đích bán kiếm lời.

Liên quan đến vụ việc này, ngày 27/7, Công ty TNHH MTV Kỹ thuật máy bay (VAECO) xác nhận, một nhân viên kỹ thuật của công ty đã bị Cơ quan Công an tạm giữ vì nghi liên quan đến việc vận chuyển 3kg vàng nêu trên. Ngay sau khi xảy ra vụ việc, VAECO đã phối hợp kịp thời, tạo điều kiện để nhà chức trách điều tra làm rõ; đồng thời, triển khai rà soát các khâu kiểm tra giám sát, tiếp tục quán triệt việc tuân thủ đúng quy trình, quy định của công ty và pháp luật.

Không còn là chuyện lạ

Đây không phải là lần đầu tiên xảy ra vụ việc buôn lậu có liên quan đến các nhân viên, tiếp viên hàng không. Trước đó, Vietnam Airlines cũng đã có thông cáo về vụ việc phi công, tiếp viên của hãng hàng không Vietnam Airlines bị bắt giữ ở Hàn Quốc vì nghi buôn lậu vàng. Cụ thể, sau khi hoàn thành chuyến bay từ Hà Nội đến sân bay quốc tế Gimhae (Pusan, Hàn Quốc), 1 cơ trưởng và 1 tiếp viên đã bị phát hiện giấu 6kg vàng (6 thỏi, mỗi thỏi 1kg) dưới đế giày khi đi qua hệ thống máy dò kim loại của sân bay. Trong đó, tiếp viên hàng không giấu 2 thỏi và cơ trưởng giấu 4 thỏi vàng.

Thừa nhận hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển hàng hóa trái phép qua đường hàng không đã xảy ra tại một số cảng với các thủ đoạn tinh vi, có sự móc nối, tiếp tay của nhân viên nội bộ ngành hàng không, Phó Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam Đinh Việt Sơn cũng cho biết, cảng hàng không, sân bay là cửa ngõ giao thương, đi lại trong nước và quốc tế. Đây là địa bàn mà hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và vận chuyển hàng cấm diễn ra khá phức tạp. Thực tế, hoạt động khai thác trên sân bay trong nước và nước ngoài, nhiều chặng bay quốc tế đường dài và các chuyến bay nối chuyến qua nhiều sân bay tại các nước, những quy định pháp luật của các nước về quản lý xuất - nhập khẩu, quy định hải quan cũng có nhiều khác biệt. Vì thế, công tác phối hợp với nhà chức trách tại các sân bay nước ngoài và công tác quản lý, đấu tranh phòng, chống buôn lậu, vận chuyển hàng giả, hàng cấm còn gặp nhiều khó khăn. Theo ông Sơn, cần phải có sự phối hợp của nhiều ngành như: ngân hàng, công an, hải quan, quản lý thị trường... để xử lý tình trạng này.

Liên quan đến hành vi vi phạm pháp luật của các nhân viên hàng không, Tổng cục Hải quan cho biết đã có văn bản yêu cầu các đơn vị hải quan địa phương tăng cường phối hợp với các lực lượng tại cảng hàng không, sân bay quốc tế để kịp thời phát hiện hành vi vi phạm của nhân viên hàng không. Cụ thể, tăng cường thu thập thông tin, nắm vững diễn biến tình hình địa bàn, lập danh sách các đối tượng trọng điểm, xây dựng kế hoạch, lên chuyên án ngăn chặn hành vi buôn lậu và tiếp tay vận chuyển hàng hóa qua đường hàng không. Đặc biệt, Tổng cục Hải quan lưu ý các đơn vị kiểm tra, giám sát đối với nhân viên hàng không, hành lý của tổ lái, tiếp viên hàng không và quá trình xếp dỡ, vận chuyển hàng hóa, hành lý tại các khu vực cách ly, ống lồng, sân đỗ tàu bay, khu vực xếp dỡ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu. Tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, chủ động phát hiện sai phạm của nhân viên hàng không; trường hợp phát hiện vi phạm của nhân viên hàng không, lập biên bản và xử lý theo quy định.


P. Hà - Đ. Nhật
Ý kiến của bạn