Hà Nội

Nhân việc Nhật Bản bổ nhiệm Bộ trưởng Cô đơn: Nghĩ về hội chứng cô đơn và tự tử

24-03-2021 09:11 | Y học 360
google news

SKĐS - Từ trung tuần tháng 2/2021 ông Tetsushi Sakamoto được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Cô đơn (Minister of loneliness - mol). Đây là một động thái được cho là tình thế giúp Nhật Bản chống lại nạn tự tử thời COVID-19 đang ngày một gia tăng ở quốc gia này.

Bối cảnh ra đời MoL

Theo trang tin Asia.nikkei của Nhật Bản, đồng thời với việc khuyến khích làm việc từ xa và giãn cách xã hội, xã hội Nhật Bản lại phải đối mặt với những căn bệnh mới, hội chứng cô đơn và tự tử. Để cải thiện thực trạng này, Thủ tướng Yoshihide Suga đã bổ nhiệm một chức danh mới MoL. Ông Tetsushi Sakamoto, được bổ nhiệm chức vụ mới này và làm điều phối viên giữa nhiều bộ ngành để chặn đứng vấn nạn nói trên.

Sau khi được bổ nhiệm, chính trị gia 70 tuổi đã cho thành lập một văn phòng với khoảng 30 quan chức, bắt đầu làm việc từ 19/2/2021. Ngoài ra, bộ này cũng có trách nhiệm phục hồi, cũng như giải quyết tỷ lệ sinh đang giảm tại Nhật Bản. Theo nghiên cứu của chính phủ, cô đơn và stress có thể trở nên trầm trọng sau các đợt thiên tai và thảm họa thiên nhiên. Đặc biệt là sau trận động đất Hanshin năm 1995 và Fukushima năm 2011. Nhiều nạn nhân lớn tuổi người Nhật Bản không còn lựa chọn nào khác ngoài việc chuyển đến nhà tạm, nơi họ sau đó đã chết mà không có ai ở bên cạnh. Những cái chết đơn độc này được người Nhật gọi là kodokushi và đang trở thành mối quan tâm lớn của người dân trên đất nước Phù Tang.

Gần đây đại dịch COVID-19 bùng phát khiến cô đơn, trầm cảm gia tăng, đặc biệt là những người lớn tuổi không quen giao tiếp trực tuyến đã trở nên tách biệt hơn với thế giới bên ngoài. Ngay cả những thế hệ trẻ, hiểu biết về công nghệ cũng đã phải vật lộn với những nỗ lực kéo dài sự xa rời xã hội. Văn phòng và trường học đóng cửa, nên họ ít tiếp xúc với đồng nghiệp và bạn bè hơn. Nhiều người còn mất việc, khiến kinh tế-xã hội căng thẳng khiến nạn tử tử gia tăng chưa từng thấy.

Theo số liệu của Bộ Y tế Nhật Bản, tự tử liên tục xếp trong 10 nguyên nhân gây tử vong hàng đầu quốc gia này trong thập kỷ trở lại đây. Số vụ tự tử năm 2020 tăng 3,7% lên 20.919 người kể từ năm 2009. Xu hướng mới mẻ và rủi ro đã thúc đẩy Thủ tướng Suga Yoshihide thành lập phân ban mới để đối phó với các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần.

Trước Nhật Bản, năm 2018, Anh đã bổ nhiệm bộ trưởng MoL. Tại Anh, phần lớn những người trên 75 tuổi phải sống một mình, và khoảng 200.000 người trong số họ không hề trò chuyện với bạn bè hay người thân nào trong hơn một tháng. Theo tổ chức Campaign to end loneliness (Chiến dịch chấm dứt cô đơn) mỗi ngày có từ 1-5 người bệnh tới khám bệnh, chủ yếu chỉ vì họ cô đơn và muốn trò chuyện với ai đó. Jo Cox Commission on Loneliness được ra đời. Đây là ủy ban được đặt tên theo nữ nghị sĩ Công đảng 41 tuổi Jo Cox lập ra, trước thời điểm bà bị sát hại trong khi đang tham gia chiến dịch vận động chống Brexit. Ủy ban này kêu gọi chính phủ bổ nhiệm một bộ trưởng riêng để phụ trách vấn đề nói trên.

Nghĩ về hội chứng cô đơn và tự tử

Cô đơn, nhìn từ góc độ y học

Theo trang tin Tâm lý ngày nay của Mỹ và Bách khoa thư mở, cô đơn là trạng thái cảm xúc phức, gây khó chịu, đáp ứng với sự cách ly xã hội. Sự cô đơn thường được định nghĩa trong mối liên hệ của một người với người khác. Cụ thể hơn, đó là “một trải nghiệm khó chịu xảy đến khi mạng lưới quan hệ xã hội của một người bị khiếm khuyết trên một số phương diện quan trọng”. Đôi khi, người ta có thể cảm thấy cô đơn ngay cả khi có nhiều người xung quanh. Nguyên nhân của sự cô đơn rất đa dạng, gồm các vấn đề xã hội, tâm thần, tình cảm lẫn các yếu tố thể chất.

Các nghiên cứu cho thấy, cô đơn là một hiện tượng khá phổ biến trong xã hội loài người,  ở những người đã kết hôn, những người đang có các mối quan hệ, các gia đình, các cựu binh; ngay cả những người đã thành công trong sự nghiệp. Nó trở thành chủ đề bất tận cho văn chương, nghệ thuật... từ trước đến nay. Được miêu tả như một nỗi đau tâm lý và cũng là cơ chế thúc đẩy một cá nhân tìm kiếm sự kết nối xã hội.

Có nhiều lý do gây cô đơn, như thiếu các quan hệ bạn bè trong thời thơ ấu và tuổi thanh thiếu niên, hay sự vắng mặt của những người có ý nghĩa quan trọng. Cô đơn có thể là một triệu chứng của một vấn đề xã hội hay vấn đề tâm lý khác chẳng hạn như trầm cảm mãn tính. Nhiều đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi cảm nhận sự cô đơn từ rất sớm. Sự cô đơn xảy ra rất phổ biến, mặc dù đôi lúc chỉ là thoáng qua. Nó có thể là kết quả của một cuộc chia tay, ly hôn, hay sự mất mát của bất cứ một mối quan hệ thân thiết nào. Cảm giác cô đơn cũng có thể xuất hiện sau khi sinh con, sau hôn nhân, biểu hiện của chứng rối loạn chức năng giao tiếp...

Cảm giác cô đơn đôi khi còn có cả hiệu ứng tích cực. Giúp nâng cao khả năng nhận thức, chẳng hạn như cải thiện sự tập trung, hoặc trong trải nghiệm tôn giáo. Xây dựng bản sắc cá thể, đánh dấu việc một thanh thiếu niên trở thành một người lớn. Sự cô đơn cũng có thể làm tăng tính sáng tạo. Nếu cô đơn tạm thời kéo dài lại giúp một số người bộc lộ tư duy nổi bật trong các hoạt động nghệ thuật như các nghệ sĩ, nhà thơ, nhà văn chẳng hạn.

Theo nghiên cứu được công bố trên tạp chí Mỹ Psychological Medicine, những người cô đơn ở thế hệ Thiên niên kỷ (sinh từ năm 1980 đến năm 2000) có nhiều khả năng gặp các vấn đề về sức khỏe tâm thần, thất nghiệp và bi quan về năng lực thành công trong cuộc sống so với các đồng nghiệp của họ. Nỗi đau thể chất, trầm cảm và mệt mỏi chức năng như một “chùm triệu chứng” và do đó có thể chia sẻ từ một yếu tố nguy cơ chung.

Nếu cô đơn kéo dài có thể để lại hệ quả nghiêm trọng, đe dọa đến tính mạng. Gia tăng nguy cơ đột quỵ và bệnh tim mạch, tăng bệnh cao huyết áp, cholesterol và béo phì. Sự cô đơn cũng được chứng minh làm tăng nồng độ cortisol trong cơ thể và nếu kéo dài, phát sinh lo lắng, trầm cảm, các vấn đề về tiêu hóa, bệnh tim, rối loạn giấc ngủ và tăng cân. Đặc biệt, cô đơn còn gây suy giảm miễn dịch tế bào, khiến thuốc chữa bệnh như vắc xin, thuốc kháng sinh ... ở những người trẻ tuổi kém hiệu quả hơn.

Năm 2005, kết quả từ nghiên cứu Framingham Heart Study của Mỹ chứng minh, ở những người đàn ông cô đơn lại có nồng độ Interleukin 6 (IL-6) trong máu tăng, dễ mắc bệnh tim mạch. Một nghiên cứu năm 2006 do Đại học Chicago (Mỹ) thực hiện, phát hiện thấy cô đơn tăng thêm 30 điểm đọc huyết áp ở nhóm người trên 50 tuổi. Cô đơn còn làm suy yếu nhận thức và ý chí, thay đổi phiên mã DNA trong các tế bào miễn dịch, và theo thời gian dẫn đến huyết áp cao. Chưa hết, cô đơn còn là một yếu tố nguy cơ của bệnh tim, bệnh tiểu đường tuýp 2, viêm khớp, và nhiều bệnh mạn tính khác. Nghiên cứu cho thấy những người cô đơn cũng có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer cao gấp đôi.

Điều trị và phòng ngừa

Theo các chuyên gia y tế, có nhiều cách khác nhau để điều trị sự cô đơn. Trị liệu là một phương pháp phổ biến và đã được áp dụng thành công. Liệu pháp ngắn hạn, cần đặt trọng tâm vào sự thấu hiểu nguyên nhân gốc rễ của vấn đề, đảo ngược những suy nghĩ tiêu cực, những cảm xúc và thái độ phát sinh từ vấn đề, và khám phá những cách thức giúp bệnh nhân cảm thấy được kết nối với thế giới. Các bác sĩ kê toa thuốc chống trầm cảm cho bệnh nhân như là một điều trị độc lập, hoặc kết hợp với liệu pháp.

Ngoài ra còn có những phương pháp điều trị thay thế như thể dục, ăn kiêng, thôi miên, sốc điện, châm cứu và thảo dược.... Nhiều bệnh nhân cảm nhận việc tham gia vào các phương pháp này một cách đầy đủ hoặc một phần đã làm giảm bớt các triệu chứng. Tại Nhật Bản và Mỹ người ta còn dùng robot thú cưng để trị liệu cô đơn và trầm cảm. Các liệu pháp này làm tăng cơ hội giao tiếp giữa các chủ vật nuôi với nhau. Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), liệu pháp thú cưng hay nuôi thú cưng giúp hạ huyết áp, giảm cholesterol và chất béo trung tính triglyceride.


BS BÍCH KIM
Ý kiến của bạn