Ở độ sâu của quan sát đời sống, khi năm cũ qua đi, năm mới chuyển sang là thời điểm dồn nén và bung toả của đối lập. Trừ người có con nhỏ, phải chi phối thời gian biểu và cuộc sống theo đứa trẻ, đa số người lớn dành nhiều thời gian vật chất lẫn ý nghĩ cho mục đích của mình. Chỉ đến khi năm hết Tết đến, vai trò của trẻ em mới được xác lập khi được cha mẹ, người thân quan tâm đến những nhu cầu của chúng. Việt Nam là quốc gia dân số trẻ, rất đông trẻ con. Thời nghèo khó, thiếu thốn, Tết là cái hẹn ăn ngon, mặc đẹp. Phải chờ đến Tết, chí ít cũng có nhiều món ăn hơn ngày thường, diện quần áo mới. Tết trở thành cuộc hẹn lớn của tất cả mọi người dù có thừa nhận hay không, nói ra hay ẩn kín, hoàn cảnh khổ sở khó khăn hay gặp buồn đau, mất mát thì mỗi dịp Tết đến, Xuân về ai cũng có mong mỏi, ước mơ nhen lên những hy vọng, lạc quan, ước mơ dù âm thầm nhỏ bé. Thế hệ tôi, quần áo mẹ dành dụm mua cho, đến Tết hay bị cộc, ngắn. Cái gì cũng để dành đến Tết, chờ Tết nên Tết thiêng lắm, quan trọng lắm, đáng mong chờ lắm!
Trẻ em bây giờ sung sướng hơn, đầy đủ hơn, được tiếp cận với các phương tiện, thiết bị, công nghệ hiện đại từ bé. Người ta ngày càng thờ ơ với nhau, với Tết. Những lo toan, tham vọng chiếm choán tâm tư, bao mưu cầu hoạch định quay cuồng, chỗ đâu để mơ mộng, lãng mạn. Cuối năm bận rộn nhưng là khoảng thời gian quý báu nhắc nhở chúng ta nhiều điều.
Tết đến là một cuộc trở về. Tết Nguyên đán là dịp quan trọng của đối thoại, tưởng nhớ, thăm gặp của người sống và người thân đã mất. Người khuất được tưởng nhớ vào ngày giỗ, tảo mộ, vào Tiết Thanh minh nhưng cuộc “trở về” lớn nhất của họ bên người thân chốn dương gian không chỉ qua chiêm bao, nỗi nhớ mà còn qua khói hương, lời khấn mời về ăn Tết. Cuộc sum họp lớn lao nhất của năm với bao thủ tục, để hoàn tất, tươm tất nề nếp, mỹ tục khiến cho những kẻ dù vô thần, bất cần và nông cạn nhất cũng phải thấy bơ vơ, lạc lõng và trống rỗng nếu không có gia đình. Ai dư dả tiền bạc, sắm Tết không phải là vấn đề. Cuối Chạp, áp Tết, bỏ một ngày đi mua sắm là đủ hết. Bánh chưng và các loại giò, tất nhiên cả hành muối nhưng cỗ cúng Tất niên đêm Giao thừa không ai làm hộ được, chẳng chuyên gia đầu bếp tiếng tăm nào phục vụ suốt Tết. Bữa cơm Tất niên là bữa quan trọng nhất của năm. Theo truyền thống, người Việt có hai tiêu chí chuẩn bị Tết: lo cho người đã khuất bằng việc cúng trong dịp Tết khói hương ấm cúng cho đến lúc tiễn họ đi bằng lễ cúng hoá vàng và lo cho những đứa trẻ được vui, hân hoan năm mới. Dù hoàn cảnh nào thì trẻ con đều được quan tâm sắm quần áo, giày dép mới vào trước Tết. Với trẻ em miền Bắc, trời lạnh được mua thêm áo khoác, mũ. Người Việt quan niệm đất lành chim đậu, trẻ con là lộc của cây đời xinh tươi và lộc của sự quý giá, tượng hình của máu thịt yêu thương kết tụ. Tết đến, nhà nào đông trẻ con thì năm ấy sẽ vui vẻ, may mắn cả năm vì nhiều lộc. Người lớn có thể giảm bớt hoặc thậm chí “cố tình” quên nhu cầu của mình; không cho phép và không thể quên con cháu, không thể để chúng thiếu thốn, buồn rầu dịp Tết. Nếu vì nghèo đói mà để con cháu bị thiếu, đói dịp Tết thì những người lớn biết nghĩ sẽ áy náy, ân hận, day dứt, đau lòng. Chính những đứa trẻ, bằng sự nôn nao, bồn chồn đón Tết đã nhắc người lớn chuẩn bị và đón Tết đúng nghĩa, tối đa nhất trong mỗi hoàn cảnh có được. Ý thích của cháu là sự lưu tâm của ông bà, cô dì, chú bác trong ngày thường, huống hồ dịp Tết.
Sống là sự cho đi. Người biết sống lâu, sống sâu là phải biết tin vào nhân quả. Khi trao tặng/dành cho người khác niềm vui - đấy là sống cho mình. Tết trở thành thời điểm để mọi người quan tâm đến nhau, đặc biệt là quan tâm đến trẻ em. Sự quan tâm, ưu tiên và chăm sóc trẻ em là tiêu chí của một xã hội văn hóa, nhân ái, văn minh. Các phong trào, chương trình từ thiện, thiện nguyện cấp tập dịp cuối năm từ những con người muốn trẻ em quê nghèo, miền núi, vùng sâu, vùng xa có Tết, ít nhất là chúng được mặc ấm, ăn no.
Trong cuộc đua quyền chức, danh lợi, người tham coi việc biếu quà/“đi Tết” với những túi quà, giỏ quà kèm phong bì là cớ hợp lý để hối lộ, đút lót, bao gồm cả việc mừng tuổi cho con, cháu sếp hay người cần nhờ vả. Hơn chục năm nay, từ “lì xì” của người Hoa được dùng phổ biến cả nước, tôi chỉ thích từ “mừng tuổi”. Mừng tuổi là mỹ tục đẹp nhất trong quan hệ ngày Tết. Khởi nguyên, mừng tuổi chỉ dành cho người già và trẻ nhỏ. Tiền mừng tuổi mang ý nghĩa tượng trưng đặt trong phong bì đỏ. Mừng tuổi cho người thân, họ hàng, những nhà mà ta đến nhà chúc Tết đưa phong bao phải kèm lời chúc. Với người già: chúc sức khoẻ, sống lâu, minh mẫn; với trẻ nhỏ: chúc hay ăn chóng lớn, ngoan, học giỏi.
Tết Việt Nam, người lớn đưa trẻ con đi xem pháo hoa, nhiều em bé được kiệu trên vai. Trước kia còn pháo, tiếng pháo rộ lên trước và trong Giao thừa cùng tiếng hò reo của lũ trẻ khiến tất cả thấy ước mơ, tin tưởng và hoan hỉ. Giờ chỉ có thể nghe tiếng pháo vọng từ ký ức. Cũng không mấy nhà có chỗ để đặt nồi bánh chưng nên trẻ con bây giờ ít được chứng kiến cảnh luộc, vớt bánh. Cha mẹ trân trọng truyền thống vẫn bằng mọi cách nhờ gói mấy chiếc bánh chưng bé buộc lạt đỏ cho con.
Tết đến, trẻ con xúng xính quần áo mới. Được nghỉ học, được đi chơi, được tiền mừng tuổi, đứa nào cũng thích. Tết - cái hẹn lớn cho ở mọi lứa tuổi được trở về tuổi thơ. Tết là một món quà vô giá của mỗi dân tộc, trong thế giới bạo động và âu lo này, ý nghĩa của đoàn tụ và sum họp là vô giá. Nhân vật chính của Tết là trẻ con. Trẻ con cũng là nhân vật chính của cuộc đời những người làm cha làm mẹ, dù thời gian sống chủ yếu của người lớn bị xẻ cho công việc, mối quan hệ giao đãi. Tôn trọng phụ nữ và ưu tiên trẻ em là chỉ tiêu phấn đấu và đánh giá của mọi nơi muốn xây dựng một xã hội tiến bộ. Nước ta có Ủy ban Bảo vệ, chăm sóc bà mẹ và trẻ em, song không phải mọi trẻ em đều có Tết.
Mùa xuân đầu tiên của em bé Mông dưới chân núi Sapa (ảnh minh họa) Ảnh: Thành Huy Lê
Những đứa trẻ trong truyện thần thoại, cổ tích, những anh hùng, kỳ nhân... đều được sinh ra khác thường như những đứa bé được sinh ra bên luống cày hay Chúa chào đời trong hang đá đều là thiên sứ. Trẻ con đời thường vốn dĩ bé bỏng cần được che chở, nâng niu, bao bọc, lại có sức mạnh nâng đỡ, thúc giục và cảm hoá người lớn, trừ bọn ác quỷ mang lốt người. Tất cả những gì khiến trẻ em bị tổn thương thể xác và tinh thần đều là tội ác.
Thật lý tưởng nếu 365 ngày của năm trẻ con đều được quan tâm, yêu chiều như ngày Tết. Những con người biết sống sẽ không chỉ cần vật chất. Sẽ là thiếu nghèo tâm hồn nếu không có thế giới tinh thần và đức tin. Thần Đất Gaia là Bà Mẹ vĩ đại, bao dung vô cùng với mọi sinh linh trên Trái đất này. Năm mới đến không chỉ là lời chúc mừng tới tấp và nhạc vang khắp nơi. Năm mới liền với tình yêu. Có nhiều tình yêu trong cuộc đời này. Ý nghĩa của một kiếp sống là biết yêu và dâng hiến cho tình yêu. Biểu tượng của tình yêu - thần Cupid với cánh cung bắn những mũi tên tình yêu sau tiếng sét ái tình cho bao đôi lứa. Cupid (con của thần Vệ nữ) trong hình hài đứa trẻ với đôi cánh quyền năng. Đúng, những đứa trẻ dẫn dắt và nâng cánh cho chúng ta. Mùa Xuân là mùa sinh sôi và tôi luôn tin ở sức mạnh của nữ thần Hera. Hera là chị/vợ chính của thần tối cao Zeus, là nữ hoàng trên đỉnh Olympus. Hera là nữ thần của hôn nhân, thần bảo trợ cho cuộc sống gia đình, cho sự thánh thiện và bền vững của nó.
Năm mới, người lớn thêm tuổi, trẻ con lớn hơn. Người lớn tăng tóc bạc còn trẻ con thì thêm nhiều tóc, dài tóc. Người lớn mỗi năm tăng nếp nhăn, răng yếu đi, dáng đi bớt nhanh nhẹn, người già lưng còng hơn - trẻ con má căng ửng đào dưới mưa xuân, biết đi hoặc chạy nhanh, cao hơn, cười rạng rỡ. Mọi đối lập ấy hiện rõ vào năm mới và người lớn tự thoả mãn trong vai nhân - vật - phụ để dành tất cả những gì đẹp nhất cho những đứa trẻ của mình, quanh mình.
Hãy chuẩn bị nhiều phong bao đỏ mừng tuổi cho trẻ con. Đấy là những tấm vé để người lớn trở về thơ ấu một cách thần diệu nhất trong xốn xang của thời gian tưởng “quên” giới hạn ngày năm mới.