Nhiều người muốn "xin vía" để được hưởng tiền trợ cấp thai sản cao như chị này. Một số người lại cho rằng, để được tiền trợ cấp thai sản cao thì tiền bảo hiểm đóng hàng tháng cũng phải cao ở mức tương ứng. Ngoài ra, cư dân mạng cũng thắc mắc rằng, không biết mức trợ cấp thai sản cao nhất sẽ là bao nhiêu tiền?
Để được tiền trợ cấp thai sản cao thì tiền bảo hiểm đóng hàng tháng cũng phải cao ở mức tương ứng. Ảnh minh họa.
Theo Luật sư Nguyễn Đức Đoàn – Công ty Luật TNHH một thành viên số một YB, Điều 38 Luật BHXH 2014 quy định, lao động nữ sinh con hoặc người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 6 tháng tuổi thì được trợ cấp một lần cho mỗi con bằng 2 lần mức lương cơ sở tại tháng lao động nữ sinh con hoặc tháng người lao động nhận nuôi con nuôi.
Ngoài ra, mức hưởng chế độ thai sản được quy định tại Điều 39 Luật BHXH 2014. Theo đó, người lao động nữ sinh con được nhận 6 tháng trợ cấp thai sản, mức hưởng một tháng bằng 100% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của 6 tháng trước khi nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.
"Số tiền trợ cấp thai sản khi sinh con của lao động nữ bằng 6 tháng tiền lương của bình quân 6 tháng liền kề trước khi sinh và trợ cấp 1 lần bằng 2 lần mức lương cơ sở (hiện là 3,6 triệu đồng).
Vậy để có được số tiền trợ cấp thai sản 150 triệu đồng thì lao động nữ phải có mức lương bình quân 6 tháng liền kề trước khi sinh là 25 triệu đồng/tháng. Mức lương ở đây là mức lương dùng làm căn cứ đóng BHXH hằng tháng cho người lao động", Luật sư Nguyễn Đức Đoàn nói.
Luật sư Đoàn cũng cho biết thêm, theo quy định hiện hành, mức lương tối đa làm căn cứ đóng BHXH bằng 20 lần mức lương cơ sở. Hiện mức lương cơ sở là 1,8 triệu đồng/tháng nên mức tối đa này là 36 triệu đồng/tháng.
Mức trợ cấp thai sản tối đa của lao động nữ sinh con sẽ là 219,6 triệu đồng. Ảnh minh họa.
Chính vì vậy, dù lương thực nhận của người lao động nữ rất cao thì mức lương làm căn cứ đóng BHXH vẫn chỉ được tính là 36 triệu đồng/tháng. Mức trợ cấp thai sản tối đa của lao động nữ sinh con sẽ là 219,6 triệu đồng. Trong đó bao gồm 6 tháng lương là 216 triệu đồng và 3,6 triệu đồng tiền trợ cấp một lần.
Luật sư Đoàn cũng cho hay, theo hướng dẫn tại Quyết định 166/QĐ-BHXH, thời hạn chi trả tiền chế độ thai sản do cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện là 3 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ người lao động) hoặc 6 ngày làm việc (kể từ ngày nhận được đầy đủ hồ sơ hợp lệ từ người sử dụng lao động).
"Căn cứ Điều 102 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động muốn nhận được tiền thai sản thì sau khi quay trở lại làm việc phải nộp hồ sơ cho người sử dụng lao động trong thời hạn 45 ngày. Sau đó, doanh nghiệp tiến hành hoàn thiện hồ sơ và nộp cho cơ quan bảo hiểm xã hội đang quản lý để được giải quyết chế độ thai sản cho người lao động.
Trường hợp người lao động đã nghỉ việc trước khi nghỉ thai sản nhưng vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản thì nộp trực tiếp hồ sơ cho cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú. Pháp luật hiện không giới hạn thời hạn nộp hồ sơ với trường hợp nghỉ việc trước sinh", Luật sư Đoàn thông tin.
Mời bạn đọc xem tiếp video:
Sản phụ có nhóm máu hiếm bị băng huyết từ vong ở tuần thai thứ 39.