Nhân tình thế thái trong thơ Hải Đường

29-10-2019 16:19 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - (Đọc Lãng mạn 4.0 của Hải Đường - NXB Hội Nhà văn, 2019)

Thói quen của tôi là xem lướt ấn phẩm, thấy bắt mắt bắt lòng mới cặm cụi nghiền ngẫm đến nơi đến chốn. Vậy mà Lãng mạn 4.0 của Hải Đường lại khiến tôi bỏ qua tất tần tật thói quen khó sửa ấy. 45 bài thơ rất kiệm từ, gói gọn trong 90 trang in, bài nào cũng bắt mắt bắt lòng đến lạ lùng. Đọc rồi, đọc lại. Nghiền ngẫm để thụ hưởng, chiêm nghiệm, ngẫm suy. Đọc như đo như đếm từng từ ngữ trong từng câu thơ, từng bài thơ từ trang đầu tới trang cuối hệt như kẻ mới làm quen mặt chữ vì thèm khát. Ấy là cái hay, cái giỏi, là chất trữ tình lãng mạn đậm nhân tình, thế thái ghim găm, chất chứa trong các bài của tập thơ.

Bài Lãng mạn 4.0 lấy làm tên chung cho tập thơ, tôi như cũng ngẩn ngơ hệt như tâm trạng của ai đó vấn vương, vương vấn, say tỉnh đan cài: “Rớt đài những thành quách đền đài/ rớt những đám mây huyền vi ánh sáng/ những bộ óc khổng lồ sẽ lui về khu vườn yên tĩnh/ người máy làm thơ/ người máy vẽ tranh/ tranh chẳng cần trường phái/ thơ chẳng cần trái tim/ trời hòa vào đất/ đất bật lên trời/ sông à sông ơi/ bùn non ru chòm sao sớm/ Xóa nhòa mọi danh giới/ mọi chuyển động như đang đứng im/ mọi đứng im bất ngờ phát nổ/ trước trận bão ngôn từ: lãng mạn “BỐN - CHẤM - KHÔNG”. Vâng. 4.0 là nói vo về cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư của nhân loại, đang khởi phát, lan truyền, nhưng trước hết nó nhanh chóng thành “đại ngôn” đầu lưỡi, cửa miệng của hầu hết những người thích nhời to, tiếng lớn. Nói như để mà nói. Cứ như công nghệ sẽ thay thế tuốt tuột mọi hành vi, cảm xúc của con người... khiến người ta dễ quên đi bản chất của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ Tư này là dựa trên nền tảng công nghệ số và tích hợp tất cả các công nghệ thông minh để tối ưu hóa quy trình, phương thức sản xuất, nhấn mạnh những công nghệ đang và sẽ tác động lớn nhất là công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới, công nghệ tự động hóa, công nghệ thông tin...

Đặc trưng nổi bật của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là công nghệ tri thức và công nghệ thông minh... là sự kết hợp các chuỗi giá trị giữa sản phẩm và con người... dẫn tới sự chuyển đổi tất yếu mạnh mẽ các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có cả truyền thông, báo chí. Cho nên con người phải chủ động nắm bắt, xây dựng cơ sở hạ tầng để đón nhận, tiếp cận sử dụng các thiết bị thông minh phục vụ cho cuộc sống... Đây là chuyển đổi tất yếu của thời cuộc, thời đại do con người tạo ra, con người là chủ đạo. Mạng công nghệ ảo nhưng con người luôn là chủ và làm chủ, không mơ hồ ảo tưởng. Ấy là tôi thiển nghĩ khi ngẫm về bài thơ ăm ắp nhân tình thế thái, đọc hay hay, nhưng cay cay về thói đời mơ hồ với “4.0” như từ trời “rớt” xuống, như thể “Trời hòa vào đất/ đất bật lên trời/ sông à sông ơi...”!

Bìa tập thơ Lãng mạn 4.0.

Bìa tập thơ Lãng mạn 4.0.

Hẳn là thế, nên mạch thơ xuyên thấm ở hầu hết các bài cho dù văn cảnh khác nhau, không gian và thời gian khác nhau nhưng chất trữ tình thế sự như nét chủ đạo suốt tập thơ. Năng lực quan sát vốn là tố chất nổi trội của Hải Đường. Anh nặng lòng suy tư về sự biến đổi của xã hội, của con người. Tôi thích thú với bài Được và mất bởi lối suy tư, chiêm nghiệm, lột tả tâm trạng, dáng vẻ của mấy nhân vật cùng nẻo về cố hương. Kẻ ham hố chức quyền thì cao ngạo, vênh váo, khi: “Sau những lá phiếu bầu/ bạn bỗng thành người khác/ cái chân chầm chậm bước/cái bắt tay hững hờ”. Nhân vật phất lên nhờ đào vàng, thì xem giời bằng vung “nhà lầu và xe hơi/ tay vung tơi tả gió”. Khi ấy có anh mưu sinh ở xứ lạ, trắng tay trở về thì ngất ngư say “tay trắng râu tóc trắng/ cười tươi như... ăn mày”. Thế giới đa chiều, xa lộ thông tin rộng mở, tin tức siêu tốc... thật và giả, hay và hỏng, tốt và xấu, tâm và tiền, nóng và lạnh nhộn nhạo trên báo mạng báo in... thế nhưng cái gốc đạo lý của con người, nguồn cội làm nên xã hội mới mẻ của hôm nay vẫn đầm trong tâm đức của người lính già như một lời nhắc nhủ: “Người lính già bên quầy báo/ ngày ngày dõi tìm thông tin mộ liệt sĩ/ khát đám mây lành mong làm dịu đi/ cuộc chiến phía sau những cuộc chiến” (Người lính già bên quầy báo).

Nhân tình thế thái là cách cảm rất sâu với Đức Hậu – nhà văn quê lúa Thái Bình – khi ông ra Tuyển tập. Cũng như tôi (Nguyễn Uyển) chọn lọc gom lại bài viết non 60 năm cầm bút thành Tuyển tập Lẽ sống I & Lẽ sống II để làm dấu một thời khi trời cho sang tuổi 80. Nhà báo tài năng lão thành Phan Quang nói rằng: “Đây giống như các sản phẩm thu hoạch vào năm được mùa, khi người dân quê ta thu gom, sàng lọc và ngắm nghía kết quả lao động của mình trong niềm vui gặ̣t hái sau nhiều ngày tháng cày cuốc miệt mài, vui không phải để yên tâm dừng lại mà càng sẵn sàng và hăng hái hơn bước vào mùa làm ăn tới”. Thế nên tôi càng đồng cảm khi Hải Đường nói về Tuyển tập của bạn văn thơ thấm đẫm đến nhường nào: “Tuyển tập vừa ra lò/ có cân được đời văn anh nặng đầy than và đất? Những câu thơ chắt từ mưa rừng, sốt rét/ giờ đọc lên còn run tán cây/ những câu văn xuôi không cốt tạo nên độ dầy/ sóng vặn mình mà không lai láng chảy/ “Người đàn bà ám ảnh” bước ra từ than đất ấy/ hóa thân vào những văn bia/ có cứu được người đang chới với? Và: Tuyển tập vừa ra lò/anh bỗng thấy mình tan chảy/ nếu đây là cái đinh treo tường/ treo lấp lánh huân chương trường văn trận bút/ ngoài kia sang mùa/ lá trút ào ào giấy trắng”. Hiện đại và tinh tế. Mộc mạc mà cao sang. Nhân tình thế thái thật sâu xa, thấu hiểu và thấu cảm. Không là người trong cuộc, tâm đức nhạt nhòa thì dễ đâu chắt ra được những lời như thế? Bởi, những người thực thụ theo nghề viết thì hệt như là: Lá xanh/ sương giọt long lanh/ nhựa ứa đầu cành/ mây dừng/ gió lặng/ một đời cây gom nắng/ Nóng bỏng/ mắt trao môi hờn/ lời ngập ngừng/ tay ôm siết/ một đời yêu chưa tròn chữ Biết/ chữ hồn chữ xác/ chữ tỉnh chữ mê/ chữ đình đám hội hè/ chữ phơi cát bỏng.../ đời thơ muôn dặm sóng/ lòng thuyền rỗng không” (Vọng).

Hải Đường là nhà báo, nhà thơ. Đã là nhà báo thì tư duy lôgic luôn rõ ràng, mạch lạc. Thế nhưng với thơ, anh như hóa thân vào câu chuyện, vào nỗi đời, chẳng hề lên gân lên cốt, chỉ bảo, khuyên răn... nhưng từ cách cảm cách nhận thành thơ, vẫn dễ nhận ra điều hay lẽ phải, tự nhiên như ánh nắng, khí trời... Cái hay ở đây là mượn cảnh vật để bày tỏ tình cảm, để làm sống dậy thế giới chủ thể của hiện thực khách quan, khiến người đọc hiểu nội tâm, suy tư của tác giả thao thiết đến nhường nào, khiến lời thơ cũng cắt khúc, cắt nhịp, da diết nhớ nhung: “Dùng dằng/ mưa Huế/ mưa thương/ mưa gieo tà áo/mưa vương tóc dài/ bây chừ như nỗi thương ai/ Mưa giăng Đại Nội thương hoài Cố đô.../ Mong cho mưa tạnh/ mây lành/ tiếng chim đừng ướt trên cành thông reo/ anh về ánh mắt về theo/ áo em tím phía trăng treo cuối trời/ Bao giờ trở lại/ Huế ơi!” (Mưa Huế và em). Một bài thơ khác, Ngõ chùa khiến tôi nhớ đến ai đó thổ lộ lòng mình “Vẫn thường kiếm cớ không đâu/ Mượn đôi con mắt bắc cầu sang nhau”. Khi ấy, người thơ chẳng cần giấu giếm nhưng vẫn tinh tế là do khách quan: “Có gì như phải lòng nhau/ bỗng đâu ngọn gió Thị Mầu là em/ váy dài chơm chớm gót sen/ lúng la lúng liếng nến đèn hắt sang... .../ Nam mô trong cõi vô thường/ mưa giăng mộng mị nõn nường thịt da/ ỡm ờ cái chuyện người ta/ vòng vo ngõ nọ rẽ qua ngõ này/ Thôi đành chờ đến vận may/ buông câu cuối mắt đầu mày thử xem”! Mượn cảnh, mượn người để ngỏ lòng mình đến thế thì thôi. Ấy cũng là cái tạng rất đỗi Hải Đường khiến tôi cảm mến anh ngay từ lần đầu gặp nhau ở nơi xứ biển mộng mơ Nha Trang cách đây quãng ba chục năm.

Trữ tình đậm đà với dân với nước với số phận con người, thiên hạ gọi là trữ tình công dân đan xen nhân tình thế thái rất sâu dấu ấn cá nhân trong thơ Hải Đường. Bởi thế người đọc cứ mường tượng như anh nói thay mình, viết cho mình. “Bữa cơm chiều Ba mươi”, bữa cơm tất niên, tưởng nhớ Tổ tiên, tôn tộc Tổ tông, các bậc sinh thành, cội gốc dòng họ đã thành truyền thống nhân văn như lẽ đương nhiên của người Việt. Vậy mà đọc thơ Hải Đường vẫn như khắc lòng, nhắc nhở chúng ta: “...Bữa cơm chiều nay nhớ mẹ vô cùng/ chúng con lớn từ ca dao thơm lửa trấu/ nồi cá kho, bát canh măng mẹ nấu/ chuyện Tống Trân Cúc Hoa rủ rỉ vào khuya/ mưa giăng mờ bóng mẹ về kia/ làng lên phố rồi mẹ vẫn áo nâu chân đất/ nhớ nghe con đừng bao giờ để mất/ gốc nhà mình thanh bạch thảo thơm”. Chất trữ tình công dân cũng rất đậm ở các bài: Bởi họ biết cúi xuống; Lá phiếu của bác xích lô; Chính ơi; lời một bác sĩ nha khoa... Hải Đường cũng như bao người ngày ấy (30/6/2016) không cầm được nước mắt khi đưa tiễn 9 quân nhân phi đội CA.SA 212 hy sinh về nơi an nghỉ: “...Yên nghỉ nhé cháu ơi, bởi lúc này nước mắt/ sẽ làm nặng hơn những giấc mơ màu lam/ rồi cháu sẽ trở về như Mẹ hằng tin/ nụ cười ấy lại hồi sinh vĩnh viễn...!”

Lãng mạn 4.0 là tập thơ đọc rồi để nhớ để yêu. Qua thơ nhận ra thế giới chủ quan của Hải Đường luôn khát khao hướng thiện. Đậm nhân tình, thế thái bởi nhà thơ luôn đặt mình trong tình cảnh và rất giỏi chắt lọc ngôn từ để bộc lộ tinh tế tình cảm của mình, để diễn tả nội tâm, để gửi gắm nỗi niềm.

Vì lượng từ trong bài viết, tôi không thể dẫn dụ về cách phân dòng, ngắt nhịp độc đáo theo cung bậc tình cảm, cũng như ngôn ngữ thơ giàu tính nhạc, trùng điệp, luyến láy, phối hợp bằng trắc tạo nên tình cảm trữ tình rất tinh tế. Ví như nhịp đôi, nhịp bốn, nhịp đôi, nhịp đôi rồi nhịp bốn, rồi òa sang nhịp sáu, tám: “Sông Hương/ lắng nhịp sóng xô/ rêu phong/ chẳng khuất/ xa mờ trăm năm/ tiếng thương như giữa tay cầm/ một lời “Dạ” Huế cung trầm theo anh”. Với Lãng mạn 4.0 thêm một lần nhận thấy Hải Đường thật sự hết mình với thơ, với đời.

Hà Nội ngày chớm đông - 2019


N.U
Ý kiến của bạn