Nhân Tháng phim kỷ niệm những ngày lễ lớn năm 2016: Thêm yêu những thước phim Việt đặc sắc

30-04-2016 08:47 | Văn hóa – Giải trí
google news

SKĐS - Trong Tháng chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2016 (từ 29/4 đến 23/5/2016), Đài Truyền hình Việt Nam gửi đến khán giả cả nước nhiều tác phẩm xuất sắc...

Trong Tháng chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2016 (từ 29/4 đến 23/5/2016), Đài Truyền hình Việt Nam gửi đến khán giả cả nước nhiều tác phẩm xuất sắc, trong đó phải kể đến 30/4: Ngày thống nhất, Cánh rừng không yên ảTrên đỉnh núi phía Tây. Những bộ phim này gửi gắm nhiều thông điệp nghệ thuật, khơi dậy lòng tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, hướng tới tương lai tốt đẹp...

Từ người lính, câu chuyện tình yêu

Có thể dễ dàng nhận thấy, tác phẩm điện ảnh dù ở góc độ nào cũng cần phải thể hiện một góc nhìn, một câu chuyện hàm chứa nhiều ý nghĩa và tư tưởng nghệ thuật để hướng tới người xem. Và ba tác phẩm điện ảnh mà Đài truyền hình Việt Nam gửi đến khán giả cả nước trong Tháng chiếu phim kỷ niệm các ngày lễ lớn trong năm 2016 cũng không trượt khỏi quy luật đó.

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu và những tấm bản đồ cổ khẳng định Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam trong phim 30/4 - Ngày thống nhất.

Phim tài liệu Cánh rừng không yên ả do Điện ảnh Quân đội sản xuất trong hai năm, dựa trên tác phẩm văn học cùng tên của nhà văn Nguyễn Đình Tú. Chuyển thể kịch bản là hai nữ biên kịch Thu Dung và Trần Thu Hương. Đạo diễn Cánh rừng không yên ả Trần Trung Dũng cùng ê-kíp đã dựng tác phẩm điện ảnh thành hai tuyến truyện chính, cùng với đó là hai hệ thống nhân vật có sức khái quát cao về công việc, tình cảm của những người lính và những vấn đề mới đặt ra đối với lớp trẻ ngày hôm nay. Một tuyến theo mạch nội dung của cuộc đời, công việc người lính công binh giữa thời bình. Một tuyến khác là nhân vật Thương Anh, con của một cựu chiến binh đang phải “chiến đấu” với bản thân để thoát khỏi bàn tay tử thần của ả phù dung. Người con này được đưa tới cánh rừng nơi các chiến sĩ công binh đang rà phá bom mìn để cai nghiện. Những cung bậc cảm xúc, những diễn biến tâm lý giữa hai tuyến nhân vật làm nổi hơn giá trị tư tưởng từ bộ phim này.

Thông điệp từ Cánh rừng không yên ả vừa ca ngợi sự hy sinh cao cả của những người lính, tình đồng chí đồng đội trong thời chiến cũng như trong thời bình, vừa lồng ghép thông điệp về phòng tránh tệ nạn xã hội. Trong khi những người lính công binh lầm lũi, hy sinh nhiều nhu cầu, lợi ích cá nhân để trả lại vùng đất bình yên thì vẫn có những tệ nạn xã hội phát sinh trong cuộc sống đời thường.

Trong khi đó, Trên đỉnh núi phía Tây - bộ phim của đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ (Công ty Saa Pro sản xuất) lại khắc họa câu chuyện tình yêu với ý tưởng nghệ thuật: con người hãy khép lại quá khứ, biết trân trọng thực tại để hướng về tương lai tốt đẹp hơn. Bộ phim kể về nhân vật tên Quang, vì tính tình ngang bướng nên vô tình Quang gây ra cái chết cho Mai - người bạn, người yêu của anh. Kể từ sự việc đó xảy ra, Quang sống trong những tháng ngày lang thang và luôn tự dằn vặt bản thân mình. Quang quyết định đi đến một vùng đất mới - Sa Pa để quên đi quá khứ, quên đi Mai nhưng anh gặp San Mẩy và với sự chân thành, tận tình chăm sóc của San Mẩy đối với Quang đã khiến hai người nảy sinh tình cảm yêu đương. Nhưng đó cũng là lúc Quang run sợ trước bóng hình của quá khứ...

Trước sự run sợ của Quang, cô gái San Mẩy kể cho Quang nghe những câu chuyện về núi rừng huyền bí, kỳ ảo... Không chấp nhận buông tay, San Mẩy làm tất cả để giữ lấy tình yêu, với niềm tin rằng có loài hoa của truyền thuyết trên đỉnh núi phía Tây giúp đôi trai gái yêu nhau để được bên nhau... nên San Mẩy đã vượt qua mọi sự cản trở, quyết tâm tìm loài hoa đó để có được người mình yêu. Trước sự kiên quyết, dữ dội đó, Quang đã hiểu ra những chuyện của quá khứ sẽ mãi chỉ là quá khứ. Bông hoa của truyền thuyết có thể sẽ mãi là bí ẩn, nhưng chuyện tình của họ thì đã được mở ra và cái kết có hậu tìm về.

Đến khắc họa tinh thần dân tộc

Nếu những tác phẩm trên nói về hình ảnh người lính, câu chuyện xã hội và tình yêu, thì 30/4 - Ngày thống nhất gồm 2 tập (Dân tộc Việt Nam vượt qua gian khó Đất nước thống nhất) của Điện ảnh Quân đội lại được giới chuyên môn đánh giá là tác phẩm điện ảnh có nhiều nét mới, có góc nhìn đa chiều, khách quan và trung thực nhất từ trước đến nay về Việt Nam trong và sau sự kiện 30/4/1975.

Trong hai tập phim 30/4 - Ngày thống nhất, khán giả không nhận thấy những cảnh chiến đấu, bom rơi, đạn nổ trong cuộc chiến, mà ở đó là cái nhìn toàn diện của Việt Nam sau 40 năm đất nước thống nhất. Bộ phim tập trung đưa ra những tư liệu, hình ảnh từ thời kỳ Hiệp định Geneve được ký kết, phân chia Việt Nam thành hai miền Nam, Bắc tại vĩ tuyến 17 cho đến cuộc chiến thần tốc giành thắng lợi Mùa Xuân 1975.

Phim đưa người xem gặp lại những nhân chứng lịch sử một thời, góp phần vào đại thắng Mùa Xuân năm 1975 của dân tộc Việt Nam như Trung tướng, Anh hùng Lực lượng vũ trang Phạm Xuân Thệ - người đã chỉ huy trận đánh ở Thượng Đức, cách Đà Nẵng hơn 40km. Nguyên Đại sứ Việt Nam tại Pháp Võ Văn Sung - nhân chứng lịch sử tại Hội nghị Geneve và Hội nghị Paris. Không chỉ có thế, phim còn có hình ảnh những nhân vật ở phía “bên kia” như ông Nguyễn Cao Kỳ, ông Nguyễn Hữu Hạnh... Nhưng điểm nhấn ở 30/4 - Ngày thống nhất, đạo diễn - NSND Lê Thi đã khéo léo cho nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu đưa ra 2.000 tấm bản đồ cổ, trong đó có hơn 200 bản đồ về Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam để chia sẻ về các kinh nghiệm và bài học nhằm giải quyết vấn đề biển Đông trong tình hình mới vào bộ phim.

Giới trong nghề đánh giá, 30/4 - Ngày thống nhất là bộ phim tài liệu quý với những góc nhìn đa chiều không chỉ giúp nhìn nhận một sự kiện lịch sử mà còn giúp lớp trẻ thêm trách nhiệm trong việc bảo vệ toàn vẹn chủ quyền, lãnh thổ và biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc, xây dựng nên đất nước Việt Nam giàu mạnh!


Phạm Hoa
Ý kiến của bạn