Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2019: Còn nhiều việc phải làm ngay

01-06-2019 11:45 | Thời sự
google news

SKĐS - Hiện cả nước còn khoảng gần 5,6 triệu trẻ em là trẻ em nghèo theo phương thức tính nghèo đa chiều. Hơn 50% số trẻ em dân tộc thiểu số là trẻ em nghèo.

Trong đó, tỷ lệ nghèo cao nhất là về vui chơi giải trí (65,9%), sức khoẻ (45,3%) và nước sạch 36,6%. Ngoài ra, còn những vấn đề phức tạp như bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, trẻ em phải lao động sớm... đang rất cần không chỉ các ngành, các cấp quản lý và xã hội chung tay giải quyết.

Cần làm tốt Luật Trẻ em

Tại lễ phát động Tháng hành động vì trẻ em năm 2019 với thông điệp “Chung tay vì trẻ em nghèo, phòng chống đuối nước trẻ em, phòng chống bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em” vừa diễn ra, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về trẻ em chia sẻ: Năm nay là năm thứ 30 Việt Nam ký Công ước về Quyền Trẻ em, năm thứ 25 phát động Tháng hành động vì trẻ em và có rất nhiều điều để nói. Đó là còn rất nhiều trẻ em ở miền núi, vùng khó khăn bị thấp còi, suy dinh dưỡng vì không được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ sức khỏe, giáo dục. Nhiều trẻ em ngay từ khi sinh ra đã bị bỏ rơi do những lỗi lầm của người lớn. Còn nhiều em được nuôi nấng không đủ dinh dưỡng, khi ốm đau chưa được chăm sóc tốt. Không ít trẻ em bị bạo hành, bị bóc lột sức lao động, bị thương tích, tử vong do tai nạn, đuối nước.

Các con số thực tế cho thấy, vấn đề bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em vẫn diễn ra phức tạp. Trong giai đoạn 2017-2018, có 2.690 trẻ em bị xâm hại tình dục. Có những vụ việc phát hiện muộn, thiếu một số chế tài để kết tội, trẻ em, người lớn thiếu kỹ năng phòng ngừa xâm hại bạo lực. Trung bình mỗi năm vẫn còn hơn 4.000 em bị tử vong do tai nạn thương tích, 2.000 em bị tử vong do đuối nước.

Nhân Tháng hành động vì trẻ em năm 2019: Còn nhiều việc phải làm ngayVì hoàn cảnh khó khăn, nhiều trẻ em vẫn phải tham gia lao động từ nhỏ.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, quan trọng là phải thực hiện thật tốt Luật Trẻ em, trong đó quy định rất đầy đủ các quyền của trẻ em, trách nhiệm của các cấp, các ngành, gia đình, nhà trường, xã hội. Cần làm sao để mọi người trong xã hội, đặc biệt là trẻ em biết được quyền của mình. Những tổ chức, cá nhân được quy định trong luật phải được ràng buộc trách nhiệm về mặt Đảng, chính quyền, luật pháp. Các hành vi vi phạm về Quyền Trẻ em phải bị xử lý nghiêm.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng lưu ý các bậc cha mẹ, giáo viên hãy để trẻ em có quyền tham gia, bày tỏ chính kiến của mình, không nên chỉ một chiều, điều này rất quan trọng.

Giải quyết triệt để lao động trẻ em

Một trong những vấn đề khá phổ biến hiện nay là tình trạng sử dụng lao động trẻ em là điều đã được các cơ quan chức năng cảnh báo nhiều lần, song vẫn chưa được cải thiện như mong đợi. Hiện nay, cả nước vẫn còn 9,6% số trẻ em phải lao động sớm, gây ra nhiều hệ lụy cho bản thân các em, gia đình và xã hội. Thay vì được đến trường, tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí hữu ích, nhiều trẻ em phải lao động sớm. Sử dụng lao động trẻ là điều khá phổ biến, từ thành thị tới nông thôn, tập trung nhiều nhất ở các làng nghề do thói quen cho con em lao động từ nhỏ hoặc các nhà hàng, quán xá đô thị.

Trên phạm vi cả nước, tình trạng sử dụng lao động trẻ em đã và đang là vấn đề gây nhức nhối. Theo thống kê của Bộ LĐ-TB&XH, 1,75 triệu trẻ em ở nước ta đang tham gia lao động. Trẻ em làm việc nhiều nhất trong lĩnh vực nông nghiệp với 67%, tiếp đến là ngành dịch vụ với 16,6%, ngành công nghiệp, xây dựng với 15,8%... Đáng lo hơn, 75% lao động trẻ em hiện có nguy cơ phải làm việc trong các ngành, nghề bị cấm sử dụng lao động chưa thành niên. Vì làm việc với thời gian kéo dài, bình quân khoảng 42 giờ/tuần, nhiều trẻ em đã phải nghỉ học để lao động. Kết quả khảo sát cho thấy, trong số lao động trẻ em, ước tính có 52% đã thôi học và 2,8% chưa bao giờ đi học.

Trong bối cảnh điều kiện sống của một bộ phận người dân còn khó khăn, việc xóa bỏ lao động trẻ em không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Song, vì những lợi ích lâu dài, nhiều ý kiến đề nghị cơ quan chức năng nghiên cứu, đưa ra giải pháp phù hợp để loại bỏ tình trạng sử dụng lao động trẻ em.

Việc trẻ em tham gia làm việc nhà phù hợp với độ tuổi là điều nên khuyến khích để tăng cường kỹ năng sống cho các em. Tuy nhiên, ở một số trường hợp, trẻ em tham gia làm việc nhà trong thời gian dài, thậm chí có cả công việc nguy hiểm, độc hại gây ảnh hưởng đến quá trình phát triển thể chất, tinh thần, ảnh hưởng đến thời gian học tập, vui chơi của các em...

Về vấn đề này, bà Ninh Thị Hồng - Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cảnh báo, lợi ích do lao động trẻ em mang lại không thể bù đắp sự thiệt thòi mà các em phải gánh chịu cũng như hệ lụy đối với gia đình, xã hội. Bởi các em bị hạn chế cơ hội và điều kiện cần thiết để phát triển toàn diện về thể chất, tâm lý, trí tuệ. Thậm chí, trong nhiều trường hợp, trẻ em đi làm xa gia đình bị kẻ xấu lôi kéo làm những việc phi pháp hoặc bị lạm dụng, xâm hại, mua bán...


Hải An
Ý kiến của bạn