Nhân tài đất Việt, một thương hiệu mạnh

20-06-2015 14:00 | Thời sự
google news

SKĐS - Một giải thưởng thường niên - một minh chứng cho thấy các nhà báo không chỉ biết... làm báo, đã bền bỉ cả hơn chục năm, lại ngày càng rộng mở và uy tín tăng cao.

Một giải thưởng thường niên - một minh chứng cho thấy các nhà báo không chỉ biết... làm báo, đã bền bỉ cả hơn chục năm, lại ngày càng rộng mở và uy tín tăng cao. Trong khi, mỗi năm riêng về lĩnh vực phần mềm công nghệ đã có tới trên 50 giải thưởng. Ðiều gì đã làm nên sức hấp dẫn mang tính đẳng cấp cao của thương hiệu Nhân tài đất Việt?

Giải thưởng Nhân tài đất Việt do Hội Khuyến học Việt Nam khởi xướng, Đài truyền hình Việt Nam cùng Tập đoàn VNPT và báo Dân trí phối hợp tổ chức hàng năm đã bước vào năm thứ 11. Nhà báo Phạm Huy Hoàn, Tổng biên tập báo Dân trí, Trưởng ban tổ chức Nhân tài đất Việt nhận định: Đây là giải thưởng do xã hội tôn vinh nhân tài, tài trợ hoàn toàn từ xã hội và các công trình được trao giải đã - đang - tiếp tục phục vụ xã hội tích cực nhất. Nói gọn lại đây là giải thưởng của xã hội - do xã hội - vì xã hội. Ông cũng chia sẻ niềm vui khi nhận được bức thư của một nhà khoa học Việt kiều: “Sau khi xem Lễ trao giải trên VTV được phát ở nước ngoài, tôi kinh ngạc quá ông ạ. Ở phương Tây, người ta tài trợ để trao giải các hoa hậu hoặc đào kép xi-nê kiểu đó thôi, chứ không thấy tài trợ để tôn vinh tài năng khoa học. Từ việc các ông đang làm, tôi ngẫm ra, như vậy là tiềm năng dân tộc ta còn lớn lắm, hồng phúc của nước nhà còn nhiều lắm. Việc các ông đang làm khiến tôi thấy tự hào về đất nước và giống nòi”.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Phạm Thanh Hà, Phó TGĐ Vietcombank trao giải công trình đầu tiên đạt giải lĩnh vực Y dược cho PGS.TS. Lê Thị Luân, Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin &sinh phẩm y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến và ông Phạm Thanh Hà, Phó TGĐ Vietcombank trao giải công trình đầu tiên đạt giải lĩnh vực Y dược cho PGS.TS. Lê Thị Luân, Phó GĐ Trung tâm nghiên cứu, sản xuất vắc-xin & sinh phẩm y tế.

Giải thưởng uy tín có sức lan tỏa trong xã hội

Đến nay, Nhân tài đất Việt đã thu hút hơn 2.000 bài dự thi, hơn 5.000 thí sinh trong đó có hơn 200 kiều bào từ Anh, Mỹ, Australia, Singapore... tham gia, từ nhà khoa học hàng đầu của đất nước đến thí sinh nhỏ tuổi (nhỏ nhất là 8 tuổi). Sự tham gia hùng hậu, hợp tác chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức và các nhà trí thức với sự điều phối của một ban tổ chức chuyên nghiệp, tận tâm chính là bệ đỡ để giải ngày càng phát triển mạnh mẽ. Là giải thưởng khẳng định tiềm năng sáng tạo của người Việt Nam, thực sự đi vào đời sống nên đã thu hút sự quan tâm của đông đảo người dân. Đồng thời cũng nhận được sự quan tâm sâu sắc của lãnh đạo Đảng và Nhà nước với những lời động viên và cả sự đồng hành. Cho đến nay, đây là giải thưởng duy nhất “lôi” được hầu hết các Bộ trưởng đến tham dự đêm chung kết trao giải vào ngày 20/11 hàng năm.

Hội đồng giám khảo hùng hậu

Yếu tố quan trọng và có ý nghĩa quyết định đó là những người chọn ra, phát hiện công trình giá trị, ươm mầm nhân tài. Họ, không ai khác, là các chuyên gia cao cấp đã đồng hành nhiều năm trong Hội đồng giám khảo dưới sự chủ trì của GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu. Có thể kể ra những tên tuổi như: TS. Hoàng Lê Minh - Viện trưởng Viện Công nghệ phần mềm và nội dung số Việt Nam; PGS.TS. Lương Chi Mai - Chủ tịch Hội đồng khoa học Viện Công nghệ thông tin (Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam); GS.TS. Nguyễn Thanh Thủy - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Công nghệ (ĐH Quốc gia Hà Nội); TS. Trần Quý Nam - Vụ Công nghệ thông tin (Bộ Thông tin & Truyền thông); PGS.TS. Huỳnh Quyết Thắng - Viện trưởng Viện Công nghệ thông tin (ĐH Bách khoa Hà Nội), TS. Nguyễn Long - Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam... Uy tín và sự công tâm của từng thành viên Hội đồng giám khảo là bảo chứng cho tầm cỡ của giải thưởng.

Kịch tính cao trong mỗi lần xét trao giải

Năm nào Nhân tài đất Việt cũng khiến những người quan tâm phải hồi hộp xem có giải nhất không, có tác giả nào từ tiềm năng đạt giải thành công không... Năm nào cũng có những bất ngờ và không phải năm nào cũng có giải nhất. Do uy tín của giải thưởng rất cao nên trở thành thách thức đối với các tác giả dự thi.

Năm 2014,  cả 3 hệ thống giải thưởng của lĩnh vực công nghệ thông tin đều có giải nhất. Đây là một thành công chưa từng có, là bất ngờ “vỡ òa” trong đêm trao giải, đem lại rất nhiều phấn khích cho các thí sinh và cả khán giả.

Giải thưởng minh chứng: Nhân tài Việt Nam xứng đáng là nhân tài thế giới

Giải thưởng đã thực sự trở thành bệ phóng tài năng, là nơi để những trí tuệ Việt Nam tỏa sáng, khẳng định sức mạnh và nguồn lực của các tài năng Việt trên trường quốc tế. Điển hình là: Nhóm tác giả MIMAS (giải Nhất 2010) đã lọt vào Top 5 Doanh nghiệp Công nghệ cao khởi sự khu vực châu Á Thái Bình Dương; Nhóm tác giả CENTECH (giải Nhất 2013) đã lọt vào Top 100 Doanh nghiệp công nghệ tiêu biểu toàn cầu 2013 do tạp chí CNTT Red Herring của Mỹ bình chọn; Sản phẩm “Ứng dụng quản lý tài chính cá nhân trên di động Money Lover” của nhóm tác giả ZooStudio (giải Nhất 2014) phát hành phần mềm chính thức vào 2011. Sau hơn 3 năm ra mắt đạt hơn 2 triệu lượt tải về trên toàn cầu, với trung bình hơn 210 ngàn máy đang dùng hàng tháng tại Ý, Anh, Ấn Độ, Thái Lan, Mỹ... Sản phẩm là một minh chứng rằng người Việt có thể làm ra những ứng dụng chất lượng được thế giới chào đón; Công trình “Ứng dụng phẫu thuật nội soi điều trị một số bệnh lý tuyến giáp” của PGS.TS. Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương (Giải thưởng Y dược 2014) đã được ứng dụng thành công trong thực tế với chi phí khoảng 400USD so với thế giới từ 7.000 - 10.000USD. Nhiều năm nay đã có hàng trăm giáo sư, bác sĩ của các nước có nền y học phát triển như Australia, Singapore, Malaysia, Thái Lan, Ấn Độ... sang Việt Nam để học kỹ thuật này.

Cơ hội phát triển vượt bậc cho doanh nghiệp

Nhân tài đất Việt là giải thưởng uy tín nhất trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở Việt Nam, vậy nên được trao giải đồng nghĩa với việc có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận nhanh và sâu rộng tới người dùng, điều mà một sản phẩm mới ra đời sẽ phải mất nhiều thời gian và công sức - do được quảng bá rộng rãi qua truyền hình, báo chí, mạng xã hội. Việc bán sản phẩm cũng thuận lợi hơn do khách hàng cảm thấy tin cậy khi bỏ tiền ra để sử dụng một sản phẩm đã được vinh danh bởi một giải thưởng có tầm ảnh hưởng và uy tín lớn. Ông Trần Trọng Tuyến - Giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ DKT, chủ nhân sản phẩm “Giải pháp phần mềm bán hàng online trên nền tảng điện toán đám mây Bizweb” (giải Ba 2013) cho biết sau 1 năm đoạt giải, phần mềm đã tăng trưởng gấp đôi cả về doanh thu và bán hàng, đã mở rộng thị trường ra khu vực Đông Nam Á. Sản phẩm phần mềm quản trị doanh nghiệp hợp nhất AMIS.VN của Công ty cổ phần MISA (giải Nhì 2013) sau 1 năm bước ra từ thành công tại Nhân tài đất Việt đã tăng từ hơn 2.000 thành hơn 9.000 khách hàng.

Đoàn công tác của Bộ Y tế và Giải thưởng Nhân tài đất Việt chụp hình lưu niệm với chủ nhiệm công trình giành giải Nhất lĩnh vực Y dược năm 2014 và lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Đoàn công tác của Bộ Y tế và Giải thưởng Nhân tài đất Việt chụp hình lưu niệm với chủ nhiệm công trình giành giải Nhất lĩnh vực Y dược năm 2014 và lãnh đạo, cán bộ Trung tâm Nghiên cứu và sản xuất vắc-xin và sinh phẩm y tế.

Luôn tạo ra sự mới mẻ

Nhà báo Phạm Huy Hoàn cho rằng, bản thân công nghệ thông tin luôn bùng nổ, biến động, luôn mới. Đó là lợi điểm để giải thưởng luôn tạo được sự hấp dẫn. Nhưng không dừng lại từ sự khởi đầu là cuộc thi về lĩnh vực công nghệ thông tin, Nhân tài đất Việt qua từng năm liên tục mở rộng ra các lĩnh vực khác như khoa học công nghệ, y dược, môi trường. Nóng bỏng lĩnh vực môi trường, đó là một điểm nhấn của Giải thưởng 2015. Tại buổi họp báo phát động giải năm nay, GS.VS. Nguyễn Văn Hiệu đã bày tỏ tâm huyết của ông về vấn đề môi trường: “Khi có những công nghệ mới, Ban tổ chức đánh giá xem hiệu quả của chúng đến đâu. Chúng ta tổ chức cuộc thi bảo vệ môi trường, cho phép các tác giả đem chế phẩm về địa phương cho nhân dân sử dụng. Nhân dân là người phản biện cho sự thành công của các sản phẩm khoa học”.

Ðoạt giải, vô cùng khó

Chính cái sự “khó” này  đã kích thích các thí sinh, thôi thúc họ vượt qua chính mình để vươn tới những đỉnh cao sáng tạo. Lọt được qua vòng sơ khảo đã là “cực kỳ khó”, TS. Nguyễn Long, Chủ tịch Hội đồng sơ khảo, khẳng định. Để “ăn giải”, chủ nhân sản phẩm phải chứng minh được mình là... nhân tài. Kinh nghiệm của một “nhân tài” từng đoạt giải cao là: Trước hết phải có một sản phẩm tốt, có chất lượng và mang lại giá trị thật sự cho người dùng và đặc biệt là cho xã hội. Thí sinh cần nắm chắc quy định và tiêu chí của cuộc thi để chuẩn bị hồ sơ đầy đủ. Hãy luôn đặt cả tâm huyết và sự tự tin vào sản phẩm của mình để khi thuyết trình với Hội đồng giám khảo có thể truyền tải được đam mê, giới thiệu được tất cả những điểm mạnh của sản phẩm.

Võ Hồng Thu

 

 


Ý kiến của bạn