Trong khi hệ thống y tế cơ sở còn hạn chế về nhân lực và cơ sở vật chất, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, nhất là người cao tuổi (NCT), thì việc nhân rộng mô hình chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng giúp NCT biết cách tự bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe bản thân, giảm gánh nặng lên gia đình và xã hội.
Sự cần thiết của mô hình CSSKNCT tại cộng đồng
NCT ở Việt Nam chủ yếu sống ở nông thôn cùng con cháu, đời sống vật chất còn nhiều khó khăn, thường phải đối diện với gánh nặng bệnh tật kép, bình quân mỗi NCT có 3 bệnh, thường là bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tim mạch, đái tháo đường, gút,... Trong khi đó hệ thống chăm sóc sức khỏe nói chung, chăm sóc ban đầu chưa thích ứng được với già hóa dân số nhanh, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe của một bộ phận NCT còn khó khăn, do đó việc xây dựng môi trường sống thân thiện với NCT và triển khai các loại hình chăm sóc sức khỏe dài hạn tại cộng đồng là nhiệm vụ trọng tâm và lâu dài của y tế Việt Nam.
Sự già hóa các bộ phận trong cơ thể làm cho các cơ quan trong cơ thể suy giảm đòi hỏi các nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhiều hơn. Quy luật sinh lão bệnh tử không ai có thể chống lại được nhưng nếu có kiến thức về chăm sóc sức khỏe khi ăn uống, tập luyện, biết cách phòng bệnh, thay đổi hành vi lối sống, phát hiện bệnh sớm thì tuổi thọ sẽ tăng cao, làm chậm sự lão hóa của cơ thể.
Đòi hỏi hiện nay là làm sao để NCT biết cách phòng tránh một số bệnh thông thường, tự chăm sóc để nâng cao sức khỏe, giảm biến chứng khi mắc các bệnh mạn tính. NCT có nhiều kinh nghiệm về đời sống xã hội, có thời gian chăm sóc sức khỏe và hầu hết đều yêu thích các hoạt động giao lưu tập thể. Do vậy, việc chăm sóc sức khỏe tốt nhất là phải thực hiện tại cơ sở để đáp ứng nhu cầu CSSKNCT, đồng thời giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.
Chăm sóc dinh dưỡng cho người cao tuổi cần đảm bảo cân bằng các chất.
Chăm sóc sức khỏe NCT tại cộng đồng
Chăm sóc sức khỏe ban đầu cho NCT tại cộng đồng bao gồm hai hình thức: Chăm sóc sức khỏe tại gia đình và mô hình câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe tại cộng đồng.
Tại gia đình:
Đối với người nhà: Tạo điều kiện để NCT được sinh hoạt và nghỉ ngơi trong không gian yên tĩnh, có giường, chăn, chiếu, quần áo ấm áp, vệ sinh sạch sẽ hàng ngày; đảm bảo bữa ăn của NCT phải đủ chất: đường, đạm, mỡ và rau xanh, uống đủ nước trung bình khoảng 2lít/ngày; hạn chế chất ngọt và chất có cồn. Vận động NCT tham gia các hoạt động cộng đồng phù hợp, tập thể dục đều đặn hàng ngày, lợi ích nhất là đi bộ khoảng 30 phút/ngày. Luôn tạo môi trường sống đoàn kết, vui vẻ, ấm áp để tâm trạng NCT luôn được thoải mái vui vẻ...
Đối với nhân viên y tế: Hướng dẫn NCT tự tập các bài dưỡng sinh, thể dục phù hợp với mỗi người; hướng dẫn chế độ ăn sạch, uống sạch và quan trọng là chế độ ăn uống có chỉ dẫn khoa học theo hướng có lợi cho sức khỏe và phòng chống bệnh tật phù hợp; hướng dẫn cách phòng các bệnh lây nhiễm; cung cấp thông tin các yếu tố nguy cơ và các biện pháp phòng các bệnh mạn tính không lây; tập huấn các kiến thức sơ cứu ban đầu, biết cách liên hệ với cơ quan y tế hoặc cơ sở y tế có chuyên môn khi gặp các vấn đề về sức khỏe.
Tại cộng đồng: Thành lập mạng lưới câu lạc bộ tự chăm sóc sức khỏe ban đầu tại cộng đồng, bao gồm các nội dung:
Vận động dưỡng sinh: Vận động thích hợp có tác dụng tốt cho sức khỏe giúp khí huyết lưu thông, làm trơn các ổ khớp, tăng dự trữ canxi trong xương, phát triển cơ bắp, tăng cường máu lên não làm tăng trí nhớ, giảm sa sút trí tuệ, tăng độ nhạy của các phản xạ, làm cho con người tỉnh táo, sáng suốt, linh hoạt, tăng khả năng miễn dịch của cơ thể...
Dinh dưỡng dưỡng sinh: cung cấp năng lượng để duy trì mọi hoạt động của cơ thể, cần đảm bảo dinh dưỡng cân bằng các chất, tỷ lệ các chất đạm, béo, bột đường là 3/3/4.
Tâm lý dưỡng sinh: Cần tạo môi trường sống vui tươi, lành mạnh từ gia đình đến cộng đồng có tác dụng tốt cho sức khỏe âm thầm. Tâm trạng luôn vui vẻ, tâm lý ổn định tốt cho sức khỏe, đẩy lùi bệnh tật.