Nhân rộng mô hình, câu lạc bộ điểm về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

29-07-2023 14:16 | Y tế

SKĐS - Nhằm giảm thiểu tiến tới xóa bỏ hủ tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, nhiều địa phương đã đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền, giáo dục tới trẻ vị thành niên, thanh niên. Đồng thời duy trì, thành lập hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ điểm tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Địa phương nỗ lực xóa bỏ hủ tục tảo hôn

Cho đến nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vẫn còn xảy ra tại vùng dân tộc thiểu số (DTTS). Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do là các hủ tục, bên cạnh tác động, ảnh hưởng của những mặt trái của cơ chế thị trường. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết rất đa dạng, trong đó phải kể đến sự thành kiến, phong tục tập quán lạc hậu, do nghèo đói, khó khăn về điều kiện tự nhiên,…

Thời gian qua, nhiều địa phương đặt quyết tâm cao để xóa bỏ hủ tục tảo hôn và hôn nhân cận huyết. Tiêu biểu như tại Lào Cai, là địa phương có đông đảo đồng bào DTTS sinh sống lâu đời, vẫn còn tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ở các vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. 

Ngày 14/3/2023 UBND tỉnh Lào Cai đã ban hành Công văn số 993/UBND-NLN về việc thực hiện tăng cường giảm thiểu tình trạng tảo hôn và phụ nữ dân tộc thiểu số dưới 18 tuổi sinh con. Đặt quyết tâm phấn đấu không còn hôn nhân cận huyết thống, giảm 30% người tảo hôn và giảm 30% phụ nữ người dân tộc thiểu số sinh con lần đầu dưới 18 tuổi.

Thực trạng hôn nhân cận huyết thống, trong năm 2022 và 2 tháng đầu năm 2023 ở các địa phương không xảy ra kết hôn cận huyết thống, đạt chỉ tiêu UBND tỉnh Lào Cai đề ra. 

Các địa phương đã tuyên truyền, vận động ngăn chặn được 197 người từ bỏ ý định về chung sống với nhau như vợ chồng, trong đó có 177 người trong năm 2022; 20 người trong 2 tháng đầu năm 2023. Nhận thức của đại đa số người dân trong đó có trẻ vị thành niên, thanh niên về tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đã được nâng lên.

Nhân rộng mô hình, câu lạc bộ điểm về phòng chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống - Ảnh 1.

Để giảm thiểu tiến tới xóa bỏ tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cần sự chung tay của toàn xã hội. Ảnh minh họa: T.Hằng

Lào Cai còn tiếp tục duy trì hiệu quả 17 mô hình điểm can thiệp giảm tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống. Đưa các quy định về độ tuổi kết hôn, đăng ký kết hôn, cam kết không tảo hôn, thực hiện đăng ký kết hôn, đăng ký khai sinh theo đúng quy định vào hương ước, quy ước thôn bản, tiêu chuẩn gia đình văn hóa, làng bản văn hóa. Tổ chức các phiên tòa giả định tại thành phố Lào Cai, thị xã Sa Pa và huyện Si Ma Cai với chủ đề "Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống và xâm hại tình dục trẻ em", thông qua xét xử lưu động và các phiên tòa giả định đã có tác dụng nhất định trong việc răn đe, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho nhân dân.

Hàng nghìn mô hình, câu lạc bộ điểm phát huy hiệu quả

Tại Quảng Trị, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản triển khai thực hiện như: Kế hoạch số 103/KH-UBND ngày 11/1/2016 về triển khai, thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2015 - 2020" (giai đoạn I); Kế hoạch số 154/KH-UBND ngày 13/9/2021 về triển khai, thực hiện Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025" (giai đoạn II)...

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị tại một số địa phương đưa các quy định về phòng, chống tảo hôn vào xây dựng hương ước, quy ước, bình xét gia đình văn hóa như: Các thôn A Đăng (xã Tà Rụt, huyện Đakrông), Vùng Kho (xã Đakrông, huyện Đakrông), Ra Po (xã Xy, huyện Hướng Hóa), Thanh 1 (xã Thanh, huyện Hướng Hóa). Từ năm 2016 - 2021, tổng số trường hợp tảo hôn giảm được 57 trường hợp; trong 04 năm liền trên địa bàn tỉnh đã không có trường hợp hôn nhân cận huyết thống, nhận thức của người dân có nhiều chuyển biến tích cực.

Theo thống kê của cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An, tình trạng tảo hôn xảy ra chủ yếu trong vùng đồng bào Mông, Khơ Mú, Thái. Cá biệt, có những cặp hôn nhân cận huyết thống là người Mông, Đan Lai. Vẫn còn tình trạng học sinh bỏ học để kết hôn. 

Năm 2022, tỉnh Nghệ An tiếp tục thực hiện giai đoạn 2, Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 14/4/2015, về Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng DTTS, giai đoạn 2015-2025". Công tác tuyên truyền vận động người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách để tránh tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong vùng DTTS ngày càng có nhiều chuyển biến.

Các cấp hội ở Nghệ An đã thường xuyên tổ chức các hoạt động truyền thông phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết tại các xã xảy ra các trường hợp về tảo hôn, hôn nhân cận huyết, đặc biệt là với đối tượng là trẻ vị thành niên, thanh niên vùng DTTS. Tổ chức tuyên truyền lồng ghép vào nội dung sinh hoạt câu lạc bộ, các mô hình, tổ chức các hội thi, hội diễn... Hội Liên hiệp phụ nữ các huyện phối hợp các ban, ngành thành lập 12 câu lạc bộ "Phòng chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết" và 22 câu lạc bộ "Phòng chống tảo hôn" các xã có nguy cơ cao.

Năm 2015, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 498/QĐ-TTg phê duyệt Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2015-2025". 

Sau 5 năm (2015-2020), tỷ lệ tảo hôn và hôn nhân cận huyết trong đồng bào DTTS có xu hướng giảm dần. Các tỉnh đã xây dựng, duy trì và nhân rộng các mô hình và các câu lạc bộ lên tới 2.892 mô hình điểm tại 3.481 xã, thôn, bản, buôn. Tổ chức 211.805 cuộc tư vấn, tuyên truyền cho 494.838 lượt đồng bào tại các xã thực hiện mô hình điểm.


T.Hằng
Ý kiến của bạn