(SKDS) - Theo báo cáo của Bộ Y tế, tính đến tháng 9/2012 toàn quốc có 206.435 người nhiễm HIV còn sống được phát hiện. Vì vậy, nhu cầu về chăm sóc và điều trị là rất lớn. Công tác điều trị và chăm sóc HIV/AIDS ở nước ta đã được triển khai mở rộng từ năm 2005, đến nay đã có 318 phòng khám ngoại trú HIV/AIDS mở rộng ở 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bệnh nhân có thể đăng ký nhận dịch vụ khám, điều trị và chăm sóc bao gồm xét nghiệm HIV, chẩn đoán và điều trị các bệnh nhiễm trùng cơ hội, theo dõi lâm sàng và các xét nghiệm liên quan, điều trị ARV, giới thiệu các dịch vụ chăm sóc tại cộng đồng và các cơ sở chăm sóc y tế khác.
Đến tháng 9/2012, cả nước đã có 69.882 bệnh nhân đang điều trị ARV và trung bình hàng tháng có khoảng 1.000 bệnh nhân được điều trị ARV mới. Như vậy, số người được chăm sóc điều trị hiện nay đã tăng 26 lần so với năm 2005. Tuy nhiên, con số này mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% số bệnh nhân có nhu cầu điều trị.
Hiện nay, PEPFA (Chương trình cứu trợ khẩn cấp về phòng chống HIV/AIDS của Tổng thống Hoa Kỳ) và Quỹ Toàn cầu phòng, chống HIV/AIDS đang hỗ trợ rất nhiều cho công tác điều trị HIV/AIDS bao gồm cả cung cấp các dịch vụ toàn diện và hỗ trợ kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực hệ thống. Và các cơ sở chăm sóc, điều trị HIV/AIDS của tất cả các chương trình đều cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Để đảm bảo cho hoạt động này ngày một tốt hơn thì không chỉ mở rộng điều trị mà còn phải cải thiện chất lượng dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS.
Tư vấn cho bệnh nhân tại phòng khám ngoại trú BVĐK Quảng Ninh. |
Ở nước ta đã có hệ thống báo cáo về việc thực hiện Chương trình phòng, chống HIV/AIDS trong đó có các chỉ số về dịch vụ chăm sóc điều trị HIV/AIDS nhưng các số liệu này mới chỉ tập trung vào theo dõi kết quả triển khai chương trình hơn là cải thiện chất lượng. Các cơ sở điều trị, các cơ quan quản lý chưa thực sự sử dung các số liệu báo cáo vào việc lập kế hoạch hoạt động, thực hiện các hoạt động và cải thiện chất lượng cung cấp dịch vụ. Vì vậy, việc thiết lập một hệ thống quản lý nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị HIV/AIDS và cải thiện chất lượng dựa trên bằng chứng số liệu là cần thiết.
Với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính của các tổ chức quốc tế, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã triển khai hoạt động thí điểm cải thiện chất lượng chương trình chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV tại 11 phòng khám ngoại trú thuộc 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Thái Bình và Thanh Hóa từ tháng 4/2012 với mục tiêu tất cả các cơ sở cung cấp dịch vụ điều trị chăm sóc chuẩn theo đúng hướng dẫn quốc gia; Cung cấp dịch vụ có chất lượng cho người nhiễm HIV, người nhiễm HIV được tiếp cận sớm với dịch vụ điều trị ARV; Giảm tỷ lệ không tuân thủ và mất dấu bệnh nhân; Xây dựng và triển khai thí điểm cải thiện chất lượng với đầy đủ 3 cấu phần: quản lý chất lượng, đo lường chất lượng và cải thiện chất lượng.
Qua 6 tháng triển khai các chỉ số đánh giá như tỷ lệ bệnh nhân điều trị ARV được bắt đầu điều trị ARV trong vòng 30 ngày, tỷ lệ bệnh nhân chưa điều trị ARV đến tái khám định kỳ… đều tăng lên rõ rệt. Tại phòng khám ngoại trú Đông Hưng (Thái Bình), tỷ lệ bệnh nhân đủ tiêu chuẩn điều trị ARV được bắt đầu điều trị ARV trong vòng 30 ngày tăng từ 76,9% lên 87,5%. Còn tại phòng khám ngoại trú quận 1 (TP. Hồ Chí Minh) tỷ lệ này tăng từ 13,33% lên 61,4%... hạn chế tình trạng mất dấu trước điều trị ARV và tình trạng điều trị ARV muộn.
Bài, ảnh: Thu Hương