Thời gian gần đây, tại Hà Nội và TP.HCM ghi nhận nhiều trường hợp người dân đến cơ quan công an trình báo bị các đối tượng lạ gọi đến thuê bao báo nợ cước viễn thông nhưng thực chất là lừa đảo. Thủ đoạn này không phải lần đầu xuất hiện nhưng khá mới mẻ và sẽ có nhiều nạn nhân bị lừa nếu như không phát hiện kịp thời.
Tung hỏa mù khiến nạn nhân rối trí
Công an quận Tân Bình (TP.HCM) vừa ra lệnh bắt khẩn cấp 4 nghi can mở tài khoản tiếp tay lừa đảo qua chiêu báo nợ cước điện thoại. Thủ đoạn được các đối tượng áp dụng là dùng máy cố định gọi đến thuê bao di động thông báo tiền nợ cước với số tiền nhiều triệu đồng, yêu cầu thuê bao cấp số tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản, thông tin cá nhân ghi trên chứng minh nhân dân để kiểm tra, đối chứng. Nếu nạn nhân sẵn sàng chi trả tiền nợ sẽ được hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản nào đó. Nếu nạn nhân thắc mắc, lập tức bị chúng khai thác thông tin cá nhân, thậm chí cả số tài khoản nhằm phục vụ mục đích đánh cắp tiền. Bà Võ Thị Kim T. (60 tuổi, trú TP. Nha Trang) - một trong nhiều nạn nhân của bọn tội phạm lừa nợ cước điện thoại khai báo tại cơ quan điều tra: Trước đó, bà liên tục nhận được điện thoại gọi vào điện thoại cố định và điện thoại di động thông báo bà đang nợ tiền cước điện thoại gần 9 triệu đồng. Người này nhân danh nhà mạng yêu cầu bà T. cung cấp số tài khoản ngân hàng, số tiền trong tài khoản, thông tin cá nhân ghi trên chứng minh nhân dân để kiểm tra, đối chứng. Tiếp theo, bà T. được thông báo bà bị nghi ngờ có liên quan đến một đường dây tội phạm lừa đảo đang bị Bộ Công an điều tra, yêu cầu bà T. chuyển toàn bộ số tiền có trong tài khoản của mình sang tài khoản do người này cung cấp để giám sát trong vòng 24 giờ. Nếu sau khi kiểm tra mà bà T. không nợ tiền cước điện thoại hoặc liên quan đến đường dây lừa đảo thì sẽ trả lại toàn bộ số tiền ngay lập tức. Quá bất ngờ và lo sợ nên bà T. không kịp suy nghĩ đã ra ngân hàng rút 182 triệu đồng chuyển vào số tài khoản mà người lạ cung cấp. Ông Trần Xuân L. (57 tuổi, trú TP. Nha Trang) cũng là một nạn nhân cho biết: Ông nhận được nhiều cuộc gọi thông báo ông đang nợ tiền cước điện thoại. Sau đó, ông L. bị hù dọa đang liên quan đến đường dây tội phạm mà Bộ Công an đang điều tra. Nghe vậy, ông L. vội vàng đến ngân hàng rút toàn bộ 200 triệu đồng chuyển vào tài khoản do người gọi điện thoại báo tin cho mình cung cấp. Hai nạn nhân là bà T. và ông L. sau khi chuyển tiền xong mới phát hiện mình đã bị lừa nên trình báo sự việc đến cơ quan công an.
Nhóm đối tượng lừa đảo đòi nợ cước điện thoại cùng tang vật vụ án tại cơ quan công an.
Cẩn trọng khi nhận thông báo cước qua điện thoại
Những sự vụ này không chỉ xảy ra tại TP.HCM, ngay tại Hà Nội, trong nửa tháng qua đã ghi nhận 5 trường hợp người dân đến trình báo bị lừa đảo qua việc thông báo nợ cước. Thiếu úy Nguyễn Quang Hùng - điều tra viên Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50) cho phóng viên biết: Thủ đoạn được áp dụng thường là người dân nhận được một cuộc điện thoại đến số máy cố định nhà riêng. Nghe điện thoại thì được thông báo là đang nợ nhiều triệu đồng tiền cước thuê bao. Người gọi còn đe dọa nếu trong 2 ngày không đóng tiền sẽ bị khởi kiện ra tòa. Nếu nạn nhân sẵn sàng chi trả tiền nợ sẽ được hướng dẫn chuyển tiền vào một tài khoản nào đó. Nếu nạn nhân thắc mắc, lập tức bị chúng khai thác thông tin cá nhân, thậm chí cả số tài khoản nhằm phục vụ mục đích đánh cắp tiền. Liên quan đến việc cơ quan điều tra giám sát tài khoản, Thiếu úy Nguyễn Quang Hùng khẳng định: Khi cơ quan điều tra có nghi vấn, cần người có liên quan hợp tác điều tra thì phải có giấy mời, giấy triệu tập gửi qua cảnh sát khu vực nơi người đó cư trú để mời tới trụ sở công an xã, phường hoặc trụ sở cơ quan điều tra làm việc. Không có chuyện cơ quan điều tra làm việc qua điện thoại, càng không có việc yêu cầu người dân chuyển tiền của mình vào tài khoản của người khác. Thiếu úy Nguyễn Quang Hùng cho biết thêm, hầu hết nạn nhân trình báo việc các nhóm lừa đảo cho số điện thoại của Bộ Công an, Công an Hà Nội hoặc công an một tỉnh, thành phố nào đó để nạn nhân kiểm tra qua đài 1080, xác nhận đúng số điện thoại đó là của công an. Số máy mà các đối tượng gọi tới cũng hiển thị đúng số điện thoại của cơ quan công an khiến các nạn nhân tin tưởng, làm theo chỉ dẫn và cuối cùng chuyển tiền vào tài khoản của nhóm lừa đảo. Theo Thiếu úy Hùng, việc này là do các nhóm lừa đảo sử dụng các biện pháp kỹ thuật cao, tấn công đánh lừa hệ thống máy móc để cài đặt hiển thị số máy gọi tới như ý muốn của họ. Các đối tượng hầu hết là ở nước ngoài gọi về, có khi hiển thị đúng số của đơn vị công an nào đó, cũng có khi hiển thị đầu số lạ hoặc không hiển thị số. Do đó, người dân cần hết sức cảnh giác khi nhận được điện thoại thông báo các trường hợp nợ cước điện thoại, điện tiêu dùng hay các dịch vụ khác.
Vi Hoàng Minh