Vài năm trở lại đây, từ một số chương trình như Giọng hát Việt Nhí, Tìm kiếm tài năng Việt Nam (Việt Nam Golt Talent)..., chúng ta đã chứng kiến nhiều em nhỏ có phẩm chất, năng khiếu nghệ thuật tạo được dấu ấn và đứng trên đỉnh vinh quang. Nhưng cuộc thi khép lại, các “ngôi sao nhí” được hướng theo những lối đi riêng và việc tìm ra hướng đi phù hợp với các em không phải là chuyện đơn giản.
Nhiều tài năng nhí tạo ấn tượng
Gần đây nhất, khán giả nước nhà đã bị chinh phục tuyệt đối bởi tài đánh trống thiện nghệ của cậu bé 9 tuổi Trọng Nhân - Quán quân Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa thứ 4. Nhạc sĩ Huy Tuấn, giám khảo chương trình nhận định, Trọng Nhân có tài năng đánh trống điêu luyện ngay cả giới chuyên nghiệp cũng phải thán phục. Trong đêm chung kết Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa thứ 4, tiết mục trình diễn trống của Trọng Nhân qua bài The Final Countdown đã khiến khán giả bùng nổ bởi sự nhanh nhẹn, nhiệt huyết của một tài năng nhí.
Tài năng nhí bộ môn đánh trống Trọng Nhân - Quán quân Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa thứ 4 vừa qua.
Tại Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa thứ 3 năm 2014, cậu bé Nguyễn Đức Vĩnh, 9 tuổi quê Bắc Ninh cũng lên ngôi quán quân bởi tài năng âm nhạc dân tộc. Đức Vĩnh đã đem đến cho khán giả nhiều cảm xúc, sự ngưỡng mộ qua các màn trình diễn trích đoạn sân khấu thuộc dạng kinh điển của Việt Nam: Thị Màu lên chùa, Ông già cõng vợ đi hội, Xúy Vân giả dại... Đức Vĩnh được giới làm nghề đánh giá là “thần đồng” của nghệ thuật chèo, tuồng và nếu em được đầu tư, được đào tạo bài bản sẽ trở thành một nghệ sĩ lớn trong tương lai. Cũng ở cuộc thi trên, cặp đôi nhí là Đăng Quân - Bảo Ngọc đã vượt qua nhiều đối thủ nặng ký để lên ngôi nhờ những màn trình diễn dancesport tinh tế, đầy tính thẩm mỹ và nghệ thuật cao.
Không chỉ có Tìm kiếm tài năng Việt Nam, tại chương trình Giọng hát Việt Nhí 3 mùa qua, khán giả đã được chứng kiến nhiều tài năng ca hát nhỏ tuổi lên ngôi. Đó là cậu bé Quang Anh, cô bé dân ca Phương Mỹ Chi, Nguyễn Thiện Nhân, Thu Hà, Huyền Trân... Những em nhỏ này đều có những tiết mục cho thấy năng khiếu ca hát bằng chất giọng trầm ấm, trong trẻo với nhiều nhạc phẩm từ âm hưởng dân gian đương đại, truyền thống cách mạng tới thời hiện đại. Tất cả các em nhỏ này đã đốn tim khán giả bằng cả sự ngây thơ, hồn nhiên nhưng trên hết vẫn là lòng đam mê nghệ thuật, phẩm chất nghề nghiệp vốn ăn sâu vào máu của các em.
Những ngã rẽ sau ánh hào quang
Có một thực tế, sau khi giành được vinh quang từ những cuộc thi kể trên, các ngôi sao nhí có những lối đi riêng không hẳn theo số đông công chúng nghĩ. Hiện nay, Quang Anh vẫn sinh sống cùng cha mẹ tại quê nhà, em ít có cơ hội cho các show diễn trên sân khấu vì một phần gia đình khó khăn, phần khác sống ở tỉnh lẻ (Thanh Hóa). Trong khi đó “thần đồng” Đức Vĩnh cũng ngày ngày tới trường học văn hóa và học thêm về nghệ thuật khi có điều kiện. Sau khi đăng quang Tìm kiếm tài năng Việt Nam, Đức Vĩnh nhận được nhiều lời mời của các trường nghệ thuật ở nước ta, sẵn sàng đài thọ học phí và ăn ở đến khi 18 tuổi nhưng gia đình em từ chối vì muốn em tập trung vào việc học tập văn hóa ở trường.
Cô bé Nguyễn Thiện Nhân quê hương Bình Định thì được gia đình cho vào TP. Hồ Chí Minh để có nhiều hơn cơ hội được theo học các lớp bồi dưỡng nghệ thuật cũng như biểu diễn trên sân khấu lớn. Gia đình Thiện Nhân chia sẻ, bên cạnh việc học ở trường thì cuối tuần Thiện Nhân còn được cho đi học đàn. Trong khi đó, cô bé dân ca Phương Mỹ Chi được ca sĩ Quang Lê đỡ đầu, đưa đi diễn trong các chương trình lớn. Phương Mỹ Chi đã có album dân ca phát hành thời gian qua được khán giả đón nhận và hiện tại gia đình em đã có ngôi nhà mới khang trang hơn từ tiền cát-xê em đi hát.
Bên cạnh đó, Bảo Ngọc của Tìm kiếm tài năng Việt Nam mùa đầu tiên đang theo học ở Trường cao đẳng Múa Việt Nam và Học viện Âm nhạc Quốc gia, cố gắng phấn đấu được loại ưu ở hệ sơ cấp của trường múa để được đi du học, hướng tới sự chuyên nghiệp. Người bạn diễn với Bảo Ngọc là Đăng Quân cũng được gia đình cho theo học tại Khoa Múa Trường cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, em ngày một tiến gần hơn một vũ công chuyên nghiệp ở thể loại nhảy dancesport, hiphop, popping... qua việc học ở trường chuyên nghệ thuật.
Và hướng đi nào?
Việc một số em nhỏ sau khi đăng quang có hướng đi khác nhau ở tương lai kể trên đã có lúc trở thành đề tài tranh luận với nhiều người và vì thế, một số nghệ sĩ làm nghề đã đưa ra quan điểm của mình. Theo PGS.TS. Văn Thị Minh Hương, Giám đốc Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, các em phải học văn hóa, còn năng khiếu có thể luyện tập những ngày cuối tuần cùng người giỏi chuyên môn. Các em có thể không học ở trường chuyên ngành mà học tại các trung tâm hoặc học riêng với thầy cô giỏi môn mình cần. Có cùng quan điểm, NSƯT - danh hài Hoài Linh cho biết, ở độ tuổi còn nhỏ, việc học văn hóa, tiếp thu kiến thức nền là quan trọng nên phải chú tâm; đến khi trưởng thành, nếu các em vẫn đam mê thì hãy đầu tư phát triển một cách chuyên nghiệp. “Theo thời gian, các em thay đổi sở thích hay hết đam mê mà không có kiến thức văn hóa thì rất khó tìm hướng phát triển khác” - nghệ sĩ Hoài Linh nhận định.
Ngoài ra, nhiều nghệ sĩ cũng cho rằng, gia đình các tài năng nhí cần nhờ những người uy tín trong giới tư vấn, tránh tình trạng “tự bơi”, để các em bị một số bầu sô lợi dụng, khai thác biểu diễn kiếm tiền dẫn đến tài năng sớm nở, chóng tàn!