Số giờ/ngày làm việc nhà của nữ phổ biến nhất là bốn giờ, cao gấp hai lần so với nam. Trong khi để thích nghi với xã hội ngày nay, phụ nữ đã đi làm bên ngoài xã hội như nam giới.
Nhà có bốn người, hai con đã đi du học, còn hai vợ chồng sống như thời son rỗi nhưng bà N. (quận Tân Bình) vẫn luôn mệt ứ với công việc nhà. Cũng như chồng, ban ngày bà vẫn đến công sở làm việc nhưng chiều về lại là lúi húi cơm, nước, giặt giũ, lau nhà, ủi đồ... Ông đi làm về chỉ tắm táp, ăn cơm, đọc báo, xem tivi rồi ngủ. Bạn bè khuyên bà thuê người giúp việc, bà bảo ông không muốn có người lạ trong nhà. “Bây giờ như thế này đã đỡ lắm rồi. Ngày xưa khi nhà còn ở ngoài Bắc, mùa lạnh, đến giờ ngủ của chồng, dù bận việc gì cũng phải bỏ đó mà vào nằm cho chiếc chăn ấm lên để chồng vào nằm cho khỏi lạnh” - bà N. kể.
Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bình đẳng giới (thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM), cho biết kiểu gia đình như bà N. hiện nay không còn nhiều nhưng phải thừa nhận là việc nhà vẫn còn đè nặng lên vai phụ nữ.
Nữ làm việc nhà gấp đôi nam
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM và Trung tâm Xã hội học ứng dụng (Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM) vừa hoàn thành khảo sát thực trạng và quan điểm của người dân về thời gian tham gia công việc gia đình của nam và nữ tại quận 10 và quận 3. Tham gia cuộc khảo sát là 1.000 người dân có độ tuổi từ 31 đến 50, đa phần là người có thu nhập trung bình và nghèo. Hai quận này được chọn để khảo sát vì có nhiều dịch vụ cung cấp dịch vụ việc nhà (các quán ăn, trung tâm dịch vụ việc làm, hỗ trợ gia đình…).
Kết quả, đa số người dân có thời gian làm việc nhà từ một giờ đến năm giờ/ngày. Người làm việc nhà ít nhất là nửa tiếng/ngày, người làm nhiều nhất là 10 tiếng/ngày. Đáng chú ý là số giờ/ngày làm việc nhà của nữ phổ biến nhất là bốn giờ, cao gấp hai lần so với nam.
Nghiên cứu trên nhằm tư vấn cho việc hoạch định các chính sách của các cơ quan quản lý nhà nước và xã hội vì sự tiến bộ không chỉ của phụ nữ mà còn cho cả xã hội. Qua đó, có cơ sở đề xuất các giải pháp thực hiện chỉ tiêu rút ngắn khoảng cách thời gian tham gia công việc gia đình của nữ so với nam xuống hai lần vào năm 2015 và xuống còn 1,5 lần vào năm 2020 theo chiến lược quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2011-2020 đã được Chính phủ phê duyệt.
Phụ nữ phải gồng gánh “hai giỏi”
Theo “Sổ tay thống kê giới” (của Tổng cục Thống kê đưa ra năm 2012), khái niệm “thời gian làm việc nội trợ” gồm: Mua sắm, nấu nướng, dọn dẹp liên quan đến gia đình, chăm nom các thành viên trong gia đình…
Với khái niệm trên, bà Kim Thanh cho rằng việc nhà thời nay đã giảm bớt nhiều sức lao động cho con người nhờ các trang thiết bị. “Việc nhà không còn chỉ phải phụ thuộc vào sự khéo léo, cần mẫn của phái nữ nữa vì đã có các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ rất nhiều. Đàn ông có thể bỏ đồ vào máy giặt, nhấn nút rồi đem phơi, cắm nồi điện nấu cơm… Vấn đề là nam giới có chịu nhìn nhận lại quan điểm truyền thống để thay đổi, giải phóng bớt sức lao động cho phụ nữ để họ có thời gian nghỉ ngơi tái tạo sức lao động, dành nhiều thời gian hơn cho học tập, thăng tiến hay không?”.
Bà Lê Thị Minh Hoa, chuyên viên tư vấn tâm lý tổng đài 1088, cho biết dù xã hội đã thay đổi nhiều nhưng vẫn còn bộ phận lớn nam giới bảo thủ trong quan niệm về việc nhà.
Bà Minh Hoa đang tư vấn cho trường hợp anh Q. muốn ly hôn vợ vì vợ không quan tâm gì đến gia đình. Theo anh Q., ngày nào cô vợ đi làm về đến nhà cũng chỉ lo cơm nước, dạy con học bài xong là nằm dài ra đó. Chủ nhật, ngày nghỉ cũng chỉ ngủ và ngủ, không bao giờ chịu đi cùng anh đến thăm hỏi bà con bên nội. Sau nhiều năm tư vấn, bà Minh Hoa đúc kết: “Với nam giới, gần như có một công thức chung trong phân công việc nhà là ai nắm kinh tế nhiều hơn thì ít lo việc nhà hơn và ngược lại. Thế nhưng nếu phụ nữ nắm kinh tế nhiều, muốn có một gia đình hạnh phúc thì phải đồng thời lo luôn phần việc nhà nhiều hơn. Trong khi đó, các chị em sau khi sinh nở thì sức yếu hơn người đàn ông rất nhiều lần”.
Bà Hoa cho rằng đã từng có nhiều bài báo viết về những rạn nứt vợ chồng vì người phụ nữ quên đi thiên chức “đảm việc nhà” - cái thiên chức đòi hỏi quá nhiều sự hy sinh ở phụ nữ. Thậm chí có những ca tư vấn trên báo chí rằng khi chồng có nhân tình, người vợ thức tỉnh kịp thời để níu kéo gia đình nếu biết học cách nấu ăn ngon hơn, biết dành thời gian nội trợ nhiều hơn… Những quan niệm này vô tình đã đặt lên vai phụ nữ quá nhiều trách nhiệm và định kiến.
Bà Trần Thị Kim Thanh cho biết trong thời gian tới sẽ đẩy mạnh truyền thông để rút ngắn thời gian làm việc nhà của phụ nữ hơn nữa.
Hằng ngày, tôi thức dậy mỗi ngày từ 5 giờ 30, cho con ăn sáng và đưa con đến trường để có mặt ở cơ quan lúc 7 giờ. Vợ tôi ngủ thêm một chút, dậy trễ hơn một chút và chở đứa con lớn đến trường. Bữa nào vợ trực thì tôi đi chợ, nấu cơm, coi bài vở cho mấy đứa nhỏ. Trong đại gia đình có ai bệnh, ốm thì anh em thay nhau cắt cử trông coi. Khi ở nhà, tôi tranh thủ thời gian tối đa để làm việc gia đình, bù lại những lúc tôi phải đi công tác xa nhà thì một tay vợ lo. Thời nay phụ nữ đã đi làm công việc ngoài xã hội ngang như nam giới, trong khi đó, sức khỏe của họ không thể bằng nam giới mà phải làm việc nhà gấp đôi người đàn ông thì không ổn. Chồng chia sẻ việc nhà với vợ, sống có trách nhiệm với mọi thành viên gia đình cũng là làm gương cho con cái về sau. Khi làm việc nhà, giá trị của người đàn ông đó không hề giảm đi mà ngược lại tăng thêm.
Ông NGUYỄN VĂN MINH, Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL TP.HCM (phụ trách mảng công tác gia đình)
Thời nay làm gì còn có chuyện chỉ có phụ nữ mới làm việc nhà. Mua thức ăn, nấu ăn, tắm cho con, giặt giũ… Cái gì nam giới cũng làm được tất. Đã là thành viên trong cùng một nhà rồi thì cứ xắn tay áo lên mà cùng nhau làm, ai làm được việc gì thì làm, đừng để tình trạng người thì lọ mọ làm suốt còn người thì chỉ biết ngồi đọc báo, xem tivi hoặc đi nhậu.
Ông TRẦN TUẤN DUY, giảng viên Trường Cán bộ TP.HCM