Hà Nội

Nhân lực y tế ở Quảng Bình: Nỗi lo kép!

16-06-2014 00:39 | Thời sự
google news

SKĐS - Thiếu bác sĩ chất lượng cao đang là bài toán khó đối với ngành y tế tỉnh Quảng Bình.

Thiếu bác sĩ chất lượng cao đang là bài toán khó đối với ngành y tế tỉnh Quảng Bình. Để khắc phục tình trạng này, trải thảm đỏ thu hút bác sĩ giỏi được quan tâm cũng như việc cử thầy thuốc đi đào tạo nhằm nâng cao trình độ cũng luôn được quan tâm song hành. Song, cử thầy thuốc đi học cũng là vấn đề nan giải, khi bác sĩ đã để lại khoảng trống...

“Điệp khúc” thiếu

Theo thống kê của ngành y tế Quảng Bình, tính đến cuối năm 2013, toàn ngành y tế Quảng Bình có 2.648 cán bộ, trong đó chỉ có 437 bác sĩ (67 bác sĩ làm việc ở tuyến tỉnh, 225 bác sĩ làm việc ở tuyến huyện, chủ yếu tại các bệnh viện đa khoa), 145 bác sĩ đang công tác tại tuyến xã, phường, thị trấn. Hiện tại, một số cơ sở y tế như bệnh viện, trung tâm y tế dự phòng huyện, thành phố, các đơn vị y tế khác đều thiếu từ 30 - 50% bác sĩ, đặc biệt là bác sĩ lâm sàng.

Có được nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp BV triển khai kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng KCB phục vụ người bệnh.

Có được nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ giúp BV triển khai kỹ thuật cao, nâng cao chất lượng KCB phục vụ người bệnh.

Thiếu nhân lực nên trong nhiều thời điểm bệnh nhân đông, bác sĩ ở các đơn vị y tế phải căng sức làm việc để bù đắp cho sự thiếu hụt nguồn nhân lực này... Đơn cử như BVĐK Lệ Thủy hiện có 32 bác sĩ, so với nhu cầu thực tế còn thiếu từ 15 - 20 bác sĩ. BVĐK huyện Quảng Ninh thiếu khoảng 10 bác sĩ để bố trí vào các khoa, phòng và phòng khám khu vực trên địa bàn huyện... Các BV tuyến huyện khác như BVĐK huyện Bố Trạch, Tuyên Hóa, Minh Hóa  cũng không nằm ngoài hoàn cảnh này... Trong khi thu hút nhân lực y tế chất lượng cao là một việc không dễ dàng, nên các bệnh viện đều phải cắt cử cán bộ đi học nâng cao trình độ tại các trung tâm đào tạo y, dược trong nước... Sự thiếu hụt nguồn nhân lực không chỉ xảy ra ở khối khám chữa bệnh mà ở các khối khác như dự phòng, pháp y cũng thiếu bác sĩ trầm trọng, có đơn vị chỉ có 1 - 3 bác sĩ làm việc, chủ yếu là cán bộ quản lý và nhiều năm liền không tuyển dụng được bác sĩ. Các BV tuyến huyện đã vậy, tình trạng thiếu y, bác sĩ tại các trạm y tế xã ở Quảng Bình còn “hoàn cảnh” hơn. Tại nhiều trạm y tế xã, do thiếu nguồn nhân lực nên một cán bộ y tế xã phải kiêm nhiệm nhiều nhiệm vụ khác.

Khoảng trống “ở nhà”

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nguồn nhân lực y tế, những năm qua, ngành y tế Quảng Bình đã nỗ lực thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. UBND Quảng Bình đã phê duyệt Đề án đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ sử dụng của tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2020. Đây được xem là giải pháp tối ưu để ngành y tế giải quyết tình trạng thiếu bác sĩ trong những năm tới. Theo thống kê, đến cuối năm 2013, số bác sĩ ước tính sẽ nghỉ hưu hoặc thuyên chuyển công tác là 16 bác sĩ/năm và số bác sĩ sắp ra trường từ nguồn đào tạo bác sĩ chính quy theo địa chỉ là 103 và 28 bác sĩ đang được đào tạo bằng hình thức liên thông. Tính đến năm 2020, toàn ngành thiếu khoảng 226 bác sĩ, trong đó nhu cầu đào tạo bác sĩ theo địa chỉ giai đoạn 2014 - 2020 là 140 bác sĩ, số còn lại ngành sẽ tuyển dụng qua các nguồn đào tạo khác.

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo ngành y tế Quảng Bình, để gỡ khó cho bài toán nhân lực tại bệnh viện, trung tâm của mình, các bệnh viện đa khoa huyện đều mạnh dạn áp dụng chính sách hỗ trợ bác sĩ về công tác bằng nhiều hình thức, như hỗ trợ từ 40 - 50 triệu đồng, hay tạo điều kiện việc làm cho vợ hoặc chồng (có trình độ trung cấp, cao đẳng y, dược)... Tuy nhiên, việc thu hút bằng hình thức này cũng không được nhiều bác sĩ mặn mà, đặc biệt là bác sĩ trẻ. Vì vậy, các BV đều quan tâm đến đào tạo nhân lực tại chỗ bằng việc cử cán bộ đi học nâng cao trình độ. Song, cử bác sĩ đi học rồi những người “ở nhà” buộc phải gồng gánh thêm công việc cho cán bộ đi học. Thiếu bác sĩ đã khổ nhưng thu hút bác sĩ có trình độ chuyên môn cũng khổ không kém. Và để nâng cao trình độ nhân lực tại chỗ thì việc cử cán bộ đi đào tạo lại gây ra sức ép ngược lại khá lớn cho các bệnh viện có bác sĩ đi học. Đó là, đa số bác sĩ được đi học nâng cao trình độ là những người có năng lực chuyên môn vững và quãng thời gian họ đi học gây ra tình trạng thiếu bác sĩ tạm thời tại các đơn vị, buộc cán bộ “ở nhà” phải căng sức bù đắp lại sự thiếu hụt cán bộ.

Không cử bác sĩ đi học nâng cao trình độ cũng đáng lo nhưng cử bác sĩ đi học rồi lại “tăng thêm” nỗi lo thiếu hụt người làm việc. Giải bài toán mâu thuẫn này không chỉ là cái khó ở Quảng Bình mà còn ở nhiều địa phương khác. Vấn đề là cần phải hài hòa nhằm đảm bảo giữ vững được chất lượng khám chữa bệnh nhưng đồng thời luôn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.       

 Nhật Văn

 


Ý kiến của bạn