Mảnh ghép không thể thiếu của hệ thống y tế hoàn chỉnh
Phục hồi chức năng đóng vai trò rất quan trọng và là một trong các trụ cột của hệ thống y tế. Hiện nay, nhu cầu phục hồi chức năng của người dân ngày càng tăng do xu hướng già hóa dân số, nhiều người mắc các bệnh lý mạn tính.
Phục hồi chức năng là tập hợp các can thiệp, bao gồm các phương pháp y học, kỹ thuật phục hồi chức năng, công nghệ trợ giúp, biện pháp giáo dục, hướng nghiệp, xã hội và cải thiện môi trường, để người bệnh phát triển, đạt được, duy trì tối đa hoạt động chức năng, phòng ngừa và giảm tình trạng khuyết tật phù hợp với môi trường sống của người bệnh.
Đặc biệt, phục hồi chức năng là dịch vụ y tế dành cho người khuyết tật và bất kỳ người dân nào có vấn đề sức khỏe, bị khiếm khuyết hoặc chấn thương cấp tính hoặc mạn tính, khiến hoạt động chức năng bị hạn chế, giúp cho người bệnh hồi phục lại tối đa chức năng cơ thể thông qua các biện pháp luyện tập, thay đổi môi trường.
Mục đích chính của phương pháp trong phục hồi chức năng là làm giảm tối đa tác động của giảm chức năng và khuyết tật, từ đó, giúp người bệnh hoà nhập hoặc tái hoà nhập với xã hội. Những chức năng này có thể thuộc về chức năng thể chất hoặc tâm thần (khả năng vận động, nhận thức, tư duy,…).
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc suy giảm hoặc mất đi chức năng như: tai nạn, dị tật bẩm sinh, hậu quả của các bệnh lý nặng,… Mỗi trường hợp bệnh, khuyết tật sẽ phù hợp với một hình thức phục hồi khác nhau. Mục tiêu điều trị là hồi phục sức khỏe tối đa cho người bệnh, giúp họ lấy lại được khả năng tự hoạt động. Ở từng trường hợp, phục hồi chức năng sẽ đóng vai trò khác nhau như:
- Phục hồi chức năng cho người khuyết tật vận động như liệt, yếu chân tay... giúp người bệnh có thể tự đi lại, tự phục vụ sinh hoạt hàng ngày.
- Phục hồi chức năng cho người đột quỵ có thể tự sinh hoạt (tắm rửa, ăn uống, mặc quần áo) mà không cần người khác giúp đỡ.
- Phục hồi chức năng phổi cho người bệnh có thể hô hấp được tốt hơn, cải thiện chất lượng cuộc sống.
- Phục hồi chức năng tim cho người bị bệnh tim mạch không gặp nhiều trở ngại trong các hoạt động thể dục thể thao....
Ngoài ra, phương pháp phục hồi chức năng còn giúp người bệnh:
- Ngăn ngừa thương tật thứ cấp. Thường là những di chứng xảy ra sau một bệnh lý nhất định. Tình trạng này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống, sinh hoạt của người bệnh: teo cơ, co rút, cứng khớp, loét, loãng xương, cốt hoá lạc chỗ...
- Tăng cường khả năng hoạt động còn lại của cơ thể, giảm thiểu tối đa hậu quả khuyết tật, tàn tật cho người bệnh.
- Hạn chế suy nghĩ tiêu cực của người bệnh về tình trạng sức khỏe của mình.
Với những lý do trên, phục hồi chức năng là một lĩnh vực mang tính cộng đồng cao, giúp người bệnh có những cơ hội bình đẳng, tham gia vào các hoạt động xã hội. Đồng thời, góp phần tăng cao ý thức phòng ngừa, giảm thiểu tỷ lệ khuyết tật.
Nhân lực phục hồi chức năng còn thấp hơn khuyến cáo
Theo TS.BS Vương Ánh Dương (Phó Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế), báo cáo nghiên cứu năm 2020 của Bộ Y tế cho thấy có khoảng 0,25 nhân viên y tế phục hồi chức năng trên 10.000 dân (0,25 người/10.000 dân), thấp hơn mức nhân lực khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (từ 0,5 - 1 người/10.000 dân).
Hiện nay, cả nước có 63 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng. Mạng lưới hệ thống phục hồi chức năng bao gồm: 01 Bệnh viện Phục hồi chức năng trực thuộc Bộ Y tế, 38 bệnh viện phục hồi chức năng tuyến tỉnh (trong đó có 10 bệnh viện Y dược cổ truyền - Phục hồi chức năng); 25 bệnh viện/trung tâm phục hồi chức năng thuộc các Bộ, ngành. Ở tuyến trung ương có 100% bệnh viện đa khoa, 75% bệnh viện chuyên khoa. Tuyến tỉnh có 90% bệnh viện đa khoa, 40% bệnh viện chuyên khoa có khoa phục hồi chức năng. Tuyến huyện có 70% bệnh viện có khoa phục hồi chức năng riêng biệt hoặc ghép với khoa khác; 95% Trạm y tế có phân công cán bộ theo dõi công tác phục hồi chức năng và người khuyết tật. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội hiện đang quản lý 14 bệnh viện/trung tâm Chỉnh hình - Phục hồi chức năng và 230 cơ sở trợ giúp xã hội, cơ sở nuôi dưỡng, điều dưỡng thương binh, bệnh binh, người có công với cách mạng có hoạt động phục hồi chức năng.
Trong khi đó, phục hồi chức năng ngày càng chứng tỏ vai trò trong điều trị bệnh nhân sau chấn thương, phẫu thuật, sau ung thư, đột quỵ, chấn thương sọ não, tổn thương tủy sống, các bệnh mạn tính...Do vậy, để khắc phục tình trạng thiếu nhân lực, các trường, các cơ sở cần tích cực đào tạo liên tục, cung cấp nguồn nhân lực. Khi chất lượng của mạng lưới phục hồi chức năng được nâng cao sẽ giúp bệnh nhân phục hồi sức khỏe, cải thiện chức năng vận động và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.