Trong buổi giao lưu trực tuyến cuối năm tại báo Tuổi trẻ, trả lời câu hỏi của bạn Phan Hưng Duy, 17 tuổi, duyphanhung@...) về việc có sự phân biệt đối xử hoặc từ chối với các bác sĩ tốt nghiệp đại học ngoài công lập tại các bệnh viện công lập hay không, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến khẳng định:
Bộ Y tế không có chủ trương phân biệt giữa những người tốt nghiệp các trường công lập hay ngoài công lập, Bộ Y tế luôn luôn cho rằng mọi nguồn nhân lực có chất lượng đều đáng trân trọng, đều có thể góp phần vào sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân.
Việc tiếp nhận bác sỹ vào làm việc ở cơ sở y tế, bệnh viện căn cứ vào nhu cầu, yêu cầu của cơ sở sử dụng bác sỹ, vào năng lực và trình độ chuyên môn của người xin tuyển dụng. Ngành Y là một ngành rất đặc thù, việc đào tạo không chỉ ở lý thuyết mà còn đặc biệt nhấn mạnh đòi hỏi cao về năng lực thực hành.
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.
Luật khám bệnh, chữa bệnh có hiệu lực từ 01/01/2011 đã quy định: người có văn bằng chuyên môn liên quan đến y tế được cấp hoặc công nhận tại Việt Nam, trước khi được cấp chứng chỉ hành nghề, phải qua thời gian thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (18 tháng đối với bác sĩ, 12 tháng đối với y sĩ, 9 tháng đối với hộ sinh viên, điều dưỡng viên và kỹ thuật viên y học).
Như vậy, sinh viên tốt nghiệp từ bất cứ trường nào để được hành nghề khám bệnh chữa bệnh cũng đều phải trải qua giai đoạn thực hành trước khi hành nghề mới được cấp chứng chỉ hành nghề.
Để có cơ sở thực hành tốt cho sinh viên ngành y, cần có các bệnh viện thực hành - cái mà nhiều trường đại học ngoài công lập rất khó có điều kiện, điều này làm ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo và chất lượng các bác sỹ. Bộ Y tế sẽ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại những trường đào tạo chuyên ngành khoa học sức khỏe để kiểm soát và nâng cao chất lượng đào tạo, đặc biệt là khâu thực hành.
Để đảm bảo chất lượng hành nghề trong thời gian tới Bộ Y tế sẽ tổ chức thi chứng chỉ hành nghề khám bệnh chữa bệnh, đây là hoạt động các nước trên thế giới đều đã làm từ lâu. Điều này thể hiện yêu cầu chất lượng đào tạo gắn chặt với yêu cầu sử dụng cán bộ và cũng cho thấy yêu cầu rất cao trong hành nghề khám bệnh chữa bệnh.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo, tất cả các cơ sở đào tạo nhân lực y tế đều phải triển khai kiểm định chất lượng giáo dục để mặt bằng chất lượng được nâng lên theo các tiêu chuẩn đặc thù. Như vậy theo tinh thần đó, các cơ sở sử dụng nhân lực y tế đều căn cứ vào quy định của pháp luật để tuyển dụng nhân lực cho đơn vị mình theo yêu cầu chuyên môn mà không phân biệt tốt nghiệp từ trường nào đào tạo.
Về vấn đề cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hoạt động trong lĩnh vực y tế tư nhân, Bộ trưởng cũng cho biết:
Ngành Y là một ngành đặc biệt, liên quan trực tiếp đến sức khỏe và sinh mạng người bệnh, kiến thức về y khoa ngày càng phát triển, để có thể chẩn đoán và điều trị chính xác cho người bệnh, đòi hỏi người thầy thuốc phải không ngừng học hỏi, cập nhật kiến thức mới, trau dồi kỹ năng thực hành.
Để trở thành thầy thuốc giỏi, người làm nghề y phải liên tục học tập, học suốt đời. Chứng chỉ hành nghề là văn bản chứng nhận là người hành nghề có đủ tiêu chuẩn để thực hành nghề y. Do đặc thù của ngành y như đã nói ở trên nên không thể cấp chứng chỉ hành nghề y chỉ một lần, mà sẽ được cấp lại sau một thời gian nhất định, khoảng 5 năm.
Thực hiện Luật khám chữa bệnh, Nghị định 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khám bệnh, chữa bệnh và Thông tư 41/2011/TT-BYT ngày 14/11/2011 của Bộ Y tế về hướng dẫn cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề và cấp giấy phép hoạt động đối với cơ sở khám, chữa bệnh, từ 1/4/2012 ngành y tế tiến hành cấp chứng chỉ hành nghề cho tất cả các nhân viên ngành y tế (Bác sĩ, Y sỹ, Điều dưỡng, Hộ sinh, Kỹ thuật viên y, Lương y và người có bài thuốc gia truyền) trong và ngoài công lập.
Việc cấp chứng chỉ hành nghề là một giải pháp quan trọng nhằm đảm bảo an toàn cho người bệnh, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và từng bước hội nhập với y tế các nước trên thế giới và trong khu vực.
Đây là một giải pháp bắt buộc đối với hệ thống y tế của mỗi quốc gia, do vậy việc đảm bảo tất cả những người hành nghề có đủ điều kiện và được cấp chứng chỉ hành nghề là rất cần thiết.
Hơn nữa, trước thực trạng ngày càng có nhiều cơ sở đào tạo y khoa được mở ra kể cả trong nước và ở nước ngoài, cần phải đảm bảo đầu ra của các cơ sở đào tạo y khoa này đáp ứng đầu vào của ngành y tế. Đối với thầy thuốc và nhân viên y tế của Việt Nam muốn làm việc ở nước ngoài, thì tại các quốc gia trên thế giới đều yêu cầu người hành nghề đến từ quốc gia khác phải xuất trình được chứng chỉ hành nghề từ nước sở tại.
Đối với quản lý hành nghề y tư nhân, theo quy định của nhà nước đây là một lĩnh vực kinh doanh có điều kiện , phải được quản lý chặt chẽ. Ngày càng có nhiều người nước ngoài đến đăng ký hành nghề ở Việt Nam. Những người này đến từ nhiều quốc gia khác nhau và có trình độ khác nhau, nếu không cấp chứng chỉ hành nghề sẽ không quản lý và không bảo vệ được cho người dân Việt Nam.
Việc phải có Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ thủ tục là phải thực hiện theo Luật Lý lịch tư pháp đã được Quốc hội thông qua. Những cơ sở cấp chứng chỉ hành nghề nếu chậm cấp chứng chỉ cho người hành nghề quá 60 ngày làm việc là trái với quy định.
Nguồn: Tuổi trẻ