(SKDS) - Ở nước ta, tỷ lệ mù lòa ngày càng gia tăng, bệnh lý về mắt phức tạp, trong khi nhiều tỉnh, thành lại thiếu bác sĩ nhãn khoa nghiêm trọng... Khắc phục tình trạng này như thế nào? Báo SK&ĐS đã phỏng vấn PGS.TS. Đỗ Như Hơn, Giám đốc Bệnh viện Mắt TW, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống mù lòa (PCML), Bộ Y tế.
PV: Thưa ông, nguyên nhân nào dẫn đến tỷ lệ mù lòa ở nước ta, tuy đã được Bộ Y tế quan tâm chỉ đạo giải quyết nhưng tỷ lệ mù lòa vẫn đứng ở mức cao?
PGS.TS. Đỗ Như Hơn: Những năm qua, công tác PCML đã giúp nhiều người mù lấy lại được ánh sáng, người dân đã được chăm sóc mắt tốt hơn, hệ thống cơ sở chăm sóc mắt được phổ biến đến tuyến cơ sở, được nâng cấp và cải thiện, đội ngũ cán bộ được đào tạo bài bản. Tuy nhiên, tỷ lệ mù lòa ở Việt Nam vẫn cao, chiếm 0,6% dân số, khoảng 400.000 người mù hai mắt, 2 triệu người mù 1 mắt, 150.000 người mù mắc mới/năm. Nguyên nhân chính gây mù được xác định là do đục thể thủy tinh (ĐTTT) chiếm 66,1%, gần 10% mù do các bệnh đáy mắt, bệnh glôcôm, 2,5% do tật khúc xạ và 1,7% do bệnh mắt hột. Ngoài ra còn nhiều bệnh đang nổi lên như bệnh võng mạc đái tháo đường, bệnh võng mạc đẻ non. Điều đáng lo ngại là trên 30% số người mù lòa không biết bệnh mình có thể chữa trị được và chữa ở đâu, gần 1/3 số người mù không có tiền để chữa trị. Một số bạn trẻ đến tuổi vào đại học mới biết một mắt đã kém hoặc mù không biết từ bao giờ (nhược thị do không nhìn). Khi phát hiện ra thì đã quá muộn...
PGS.TS. Đỗ Như Hơn. |
PV:
Một vấn đề được các đại biểu nêu rất nhiều trong Hội nghị Nhãn khoa toàn quốc vừa được tổ chức ở Hà Nội đó là việc thiếu bác sĩ (BS) nhãn khoa ở nhiều địa phương dẫn đến công tác chăm sóc mắt đã thiếu thốn lại càng khó khăn. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?
PV: Mục tiêu mà ngành mắt Việt Nam đang đặt ra là phẫu thuật từ 200.000 - 250.000 ca ĐTTT vào năm 2013 và tăng dần lên 300.000 ca vào năm 2020 rồi tiến tới thanh toán bệnh mắt hột vào cuối năm 2017. Trong khi nhân lực của ngành mắt vẫn đang rất thiếu. Giải pháp cho vấn đề này như thế nào, thưa ông?
PGS.TS. Đỗ Như Hơn: Nhằm đạt được mục tiêu thị giác 2020, ngành nhãn khoa cần tăng cường đào tạo nguồn nhân lực trong đó chú trọng tăng cường BS có khả năng mổ ĐTTT, đặc biệt mổ thể thủy tinh ở cộng đồng, phát triển kỹ thuật hợp lý theo điều kiện và hoàn cảnh của từng địa phương cố gắng đạt tỷ lệ mổ từ 2.500 - 3.000 ca/1 triệu dân. Đồng thời tăng cường phát triển cơ sở hạ tầng. Hiện nay, ngành mắt đang tiến tới xây dựng 8 trung tâm chăm sóc mắt trẻ em trên cả nước; tiếp tục mở rộng dự án khám sàng lọc và điều trị sớm bệnh võng mạc trẻ đẻ non. Hằng năm, bệnh viện chúng tôi tổ chức hàng chục lớp đào tạo, chuyển giao kỹ thuật cho cán bộ nhãn khoa tuyến dưới với nhiều nội dung: chuyển giao kỹ thuật mổ ĐTTT, đặt IOL; đào tạo phẫu thuật viên mổ ĐTTT. Để không còn tình trạng “trắng” BS nhãn khoa ở một số địa phương, thiết nghĩ sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với chuyên khoa mắt, mà quan trọng như trên tôi đã nói là chỉ tiêu biên chế cán bộ, chính sách sử dụng cán bộ.
PV: Xin cảm ơn ông!
Minh Anh (thực hiện)