Nhân duyên với nghề giáo

17-11-2024 07:49 | Blog thầy thuốc
google news

SKĐS - Tháng 11 về, tháng của thầy cô giáo, trong lòng tôi lại dấy lên nhiều cảm xúc.

Nghề này đã theo tôi 15 năm, trong 15 năm đó biết bao cảm xúc, biết bao gập ghềnh, nhưng rồi mọi thứ đi qua, thứ còn đọng lại trong tôi là sự biết ơn nhân duyên đã đưa tôi đến với ngành giáo dục.

Nhớ ngày đầu đi làm ở trường đại học, lúc đó tôi vừa tốt nghiệp cử nhân, tôi ngại ngùng đứng trước sinh viên chỉ kém mình 2 tuổi. Tôi lo sợ mình không đủ kiến thức để dạy cho các em, tôi không biết bắt đầu từ đâu, soạn bài giảng như thế nào. Đứng trước lớp là cả sự áp lực khi vừa giảng vừa quan sát các thầy cô khác ngồi cuối lớp dự giờ đánh giá tiết dạy.

Tôi đã tự nhủ "mình phải vượt qua cảm xúc sợ hãi, ngại ngùng để thể hiện hết khả năng của mình", may mắn lớp sinh viên đầu tiên rất quý tôi. Sự chăm chú lắng nghe và cố gắng làm theo của sinh viên đã tiếp cho tôi nguồn động lực to lớn. Tôi luôn tự nhủ "nếu học trò kém thì giảng viên phải xem lại cách dạy của mình", nhờ đó tôi điều chỉnh phương pháp dạy để học trò hiểu bài hơn.

Trong hành trình làm nghề giáo, tôi chứng kiến cảnh sinh viên nghèo cố gắng đi học để lấy cái nghề, các em khó khăn đến nỗi mỗi ngày chỉ ăn một gói mì tôm, bữa sáng nhịn. Tôi thương vì sự chăm ngoan của các em. Tôi trăn trở khi biết các em phải lấy thẻ sinh viên để vay tiền ngân hàng trang trải tiền học suốt 4 năm đại học. Trong cảnh nghèo túng, các bạn ấy đã không chọn nghỉ học để đi làm, lấy chồng, mà các bạn cố gắng đi học để kiếm cái nghề cho tương lai.

Nhân duyên với nghề giáo- Ảnh 1.

Tôi chọn ngành nhà giáo, tôi yêu nó và hành trình suốt 15 năm qua cũng giúp tôi nhận về những giá trị mà khó môi trường nào có thể cho tôi.

Tôi thật sự xúc động và thấy mình quá may mắn so với các bạn ấy. Chứng kiến những hoàn cảnh như vậy khiến tôi thêm nghị lực để đối mặt với thực trạng lương giảng viên mới đi làm thấp không đủ trang trải cuộc sống.

Tôi chứng kiến những sinh viên cá biệt hay đánh nhau, gây rối trong lớp học, biểu hiện thách thức giảng viên ngay tại lớp, bị cảnh báo học vụ và bị buộc đình chỉ học. Trong vai trò cố vấn học tập của các em, tôi phải làm gì để tình trạng đó không xảy ra? Xử lý như thế nào khi có học trò lỡ yêu sớm, có thai sớm, tự ý phá thai và bị băng huyết? Làm sao để khắc phục tình trạng phe phái, cạnh tranh không lành mạnh?...

Những kiến thức về tâm lý học phát triển giúp tôi hiểu học trò tôi là ai, tính cách như thế nào, đã trải qua những gì, những hành vi hiện tại vì sao xuất hiện, hành vi đó nhằm đạt mục đích gì,…

Tôi tìm mọi cách để khắc phục, từ việc đan xen vào bài giảng trên lớp, các buổi sinh hoạt lớp, cho đến việc gặp riêng cá nhân sinh viên để trao đổi, tìm các cách để hỗ trợ các em.

Sự thay đổi của các em như một món quà ngọt ngào đến với tôi, giúp tôi có thêm nhiều trải nghiệm về việc quản lý lớp học có sinh viên cá biệt, nó giúp tôi tự tin hơn và gắn kết nhiều hơn với học trò. Mỗi hoàn cảnh, sự kiện lại khiến trải nghiệm cuộc sống của tôi được chấm phá thêm những gam màu mới.

Mỗi lần học trò cũ về thăm, chứng kiến các em chồng con đề huề, công việc ổn định, cả những em chưa ổn định công việc, các em về thăm tôi, tíu tít kể tôi nghe cuộc sống hiện tại của các bạn ấy, tôi cảm nhận được sự chân thành trong các mối quan hệ ấy. Chẳng cần phải giữ ý vì sợ người khác hiểu lầm sinh viên lấy lòng giảng viên để chuộc lợi điểm. Học trò cũ về thăm làm tôi cảm thấy giá trị mình gieo đầy ắp tình người. Con người cần các mối quan hệ chân tình và nghề giáo giúp tôi có được điều đó.

Nhân duyên với nghề giáo- Ảnh 2.

Một buổi tập huấn công tác giáo viên chủ nhiệm cho giáo viên phổ thông.

Mỗi thế hệ, tính cách có sự khác nhau. Thế hệ sinh viên ở hiện tại tôi cảm nhận được sự năng động, sáng tạo, đầy khát vọng. Tôi đặt niềm tin vào các em rất nhiều. Mặc dù cũng còn một vài em không đạt được như sự kì vọng của thầy cô, thậm chí đến nỗi khó chấp nhận. Nhưng đó là số hiếm. Tôi coi đó là thử thách mình cần vượt qua, tôi tiếp tục tìm cách giúp các em nhận ra và điều chỉnh. Chính điều đó góp phần giúp công việc của tôi không nhàm chán. Được làm việc với các bạn trẻ cũng khiến mình "trẻ hoá".

Tôi được chứng kiến sự cháy hết mình cho tuổi trẻ của những bạn "học hết sức, chơi hết mình". Tôi tự nhủ "mỗi người chỉ có một cuộc đời để sống, sống như thế nào để bản thân cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa".

Tôi chọn ngành nhà giáo, tôi yêu nó và hành trình suốt 15 năm qua cũng giúp tôi nhận về những giá trị mà khó môi trường nào có thể cho tôi. Mỗi người có mục tiêu cuộc đời riêng, với tôi, sau 15 năm trong nghề giúp tôi hiểu rằng tôi đến với nghề là cả nhân duyên.


ThS.Nguyễn Viết Hiền
Giảng viên Đại học Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội
Ý kiến của bạn