Ðến với Nguyễn Như Quang lần này tôi chợt nhớ vào một ngày xuân năm 1993, triển lãm Gốm Quang đã gây chấn động về một dòng gốm sơn mài mới lạ vào thời điểm thị trường mở. Mới đó mà đã 20 năm, Quang lại gây bất ngờ cho bạn bè đồng nghiệp và người yêu hội họa với triển lãm tranh sơn dầu và sơn mài mang cái tên rất dịu dàng, khiêm tốn qua hai từ: Nhân duyên. Nghe nói, 3 tháng trước, Quang đã trình làng Nhân duyên ở TP. Hồ Chí Minh với 40 tác phẩm đã gây được sự chú ý của dư luận và cũng bán được kha khá tranh. Ðó là sự lạ, bởi lẽ nói đến gốm thì ai cũng kiêng nể thương hiệu Quang gốm hay Gốm Quang đã ngự trị trong thị trường gốm Việt bấy lâu nay. Nhưng giờ đây, người ta lần đầu tiên nói đến tranh của Quang hẳn không khỏi có những đắn đo, cân nhắc.
Tác phẩm Trò chuyện. |
Ngắm tranh của Quang thấy tràn ngập niềm vui là vì thế, ít có sự khắc khoải nỗi đời cho dù anh rất có ý thức đầu tư cho hình tượng hoa sen để nói về cuộc xoay vần, luân hồi của thế giới và trong cuộc đời con người. Người xem có thể ngắm đi, ngắm lại tranh của Quang mà không biết chán. Bộ ba Đời sen, Cuối hạ, hay Khoảng lặng, hoặc Nghe mùa sang, kể cả Về nguồn cùng với Nụ xòe cũng vậy, đẹp, lộng lẫy pha chút lắng đọng nhưng vẫn thiếu sự trăn trở cho dù chỉ là một tiếng thở dài đoạn nỗi. Xem mà thấy lung linh con mắt và cảm được nụ cười và niềm vui lan tỏa của họa sĩ. Bức tranh Mùa xuân là một ví dụ điển hình nhất. Hình tượng một cánh đào rừng cổ với những chùm hoa thắm, rực rỡ đến lấn át tâm trạng của người xem. Chúng làm cho người xem ngỡ ngàng vì vẻ đẹp hồn nhiên và sự ấm áp của mùa xuân, cho dù tác giả vẫn bày tỏ sự bình yên của dòng sông, con đò, đồng cỏ… ở phía dưới. Nhưng các chùm hoa mới là những nốt nhạc chính của khúc hoan ca. Chúng bỗng cháy bừng như những sắc lửa, rạo rực niềm vui. Mùa xuân được treo ở nơi đập trực diện nhãn quan người xem, mang phong cách tả thực chính là tuyên ngôn của Nhân duyên. Nó là điểm nhấn thứ hai, ấn tượng mạnh bổ sung cho chất tự sự, thâm sâu của bức Đời (vẽ theo thủ pháp ấn tượng, được treo ở ngay giữa phòng tranh). Tuy nhiên, ở những cụm tranh khá gần gũi nhau về ý tưởng, Quang đều có cách gây ấn tượng bất ngờ, nhưng nếu tiết chế được về bố cục hay chi tiết thì hiệu quả đồng cảm của người xem sẽ đa dạng hơn. Như bộ tranh chân dung chẳng hạn, chúng gồm hình ảnh người đẹp: Sao Việt, Hằng, Thương và Ngô Thanh Vân… đều một cung bậc mỹ cảm hoan ca, cho dù tác giả có gắn hình ảnh con hạc giấy ở bên cạnh và cho dù bức người đẹp Ngô Thanh Vân có ánh sáng le lói, ẩn phía sau áng mây che phủ, nhưng vẫn chỉ gây cho người xem một cảm giác choáng ngợp, kỳ thú hoặc ngạc nhiên hơn là sự chia sẻ. Nhưng phải nói, hầu hết tranh của Quang đều có sức thu hút mạnh cho dù tĩnh hay động bởi chúng toát lên một trạng thái điềm đạm, thân thiện, ấm áp của tác giả. Đây đó còn có sự mách bảo của cõi thiền, mà trong tâm linh con người thấy gần gũi với phận đời của cánh sen ngát hương. Nếu như ở Trò chuyện, Nụ xòe hay Hai chị em đã phô diễn cho người xem ở một kỹ thuật siêu việt về xử lý chất liệu của tác giả hay ở bộ tứ chân dung, Quang thể hiện tài năng qua cách vẽ “cực thực” thì ở các bức Thiên sứ, Hồ sen, Bên cửa sổ… lại đậm chất trữ tình, lãng mạn, mang phong cách ấn tượng rõ nét.
Cảm quan của tôi là vậy, Nhân duyên tuy chưa có được không khí ồn ào, nóng bỏng như triển lãm Gốm Quang ngày nào nhưng lại tạo được độ lộng lẫy về màu sắc, kiêu sa bay bổng về đường nét, gây cảm xúc nhất định cho người xem. Chúng chính là gạch nối cho sự chuyển hóa từ hội họa trang trí sang hội họa nghệ thuật của Quang, nhưng rất nhuần nhuyễn và tiến một bước nhảy vọt, gây bất ngờ từ phòng tranh. Đặc biệt họa sĩ đã rất kỹ lưỡng ở kỹ thuật xử lý mầu và tỉ mỉ ở hình họa. Tác phẩm dựng nên những tầng không gian ảo, hay chồng nhiều tầng lớp mầu, hay sự đổ gãy bất ngờ của đường nét đã tạo được độ sâu của hình tượng. Hơn thế nữa, trong 28 bức tranh lần này, với hai thể loại sơn dầu và sơn mài, có không ít tác phẩm mang những ý tưởng triết lý về cuộc sống khá lắng đọng, qua tài năng và kỹ thuật độc đáo của tác giả.
Nhân duyên nổi bật qua những cánh hoa sen, kết hợp với hình tượng người đẹp và những con hạc giấy đã minh chứng cho niềm khao khát dâng hiến của tác giả. Tuy cảm xúc hoan ca lộ diện một cá tính lạc quan, hướng tới cái thiện và cái đẹp qua nhiều tác phẩm, nhưng đâu đó, trong một số tranh, người nghệ sĩ trong anh đã toát lên chất suy tư thâm trầm, đầy trải nghiệm, cũng như chất thiền, buồn đến nao lòng, qua hình tượng miêu tả sự tàn úa. Đó là sự thành công của triển lãm lần này. Được người xem chia sẻ, đồng cảm cũng là một nhân duyên. Thế đó, nét duyên của họa sĩ Nguyễn Như Quang đã tỏ. Cái sắc của Nhân duyên này đã thắm. Mừng cho một Nhân duyên mới của Quang.
Vương Tâm