Diễn biến hố sụt ở Bắc Kạn phức tạp
Đêm 28, rạng sáng 29/3, tại Quốc lộ 3B, đoạn qua thôn Hiệp Lực, xã Kim Lư (Na Rì, Bắc Kạn) xuất hiện "hố tử thần" sụt lún nghiêm trọng. Người dân sống xung quanh khu vực này cho hay, đêm 28/3, nghe thấy tiếng động lớn, đến sáng hôm sau thì phát hiện hố sụt trên đường. Ban đầu, hố sụt có chiều dài khoảng 7m, sâu 5m nằm giữa dải phân cách nhưng sau to dần, chiều dài lên đến 8,6m, rộng 8,5m, chiều sâu trung bình 8m, bên dưới đáy hố lún có mạch nước ngầm và hàm ếch sâu 5,3m.
Sáng 29/3, Sở Xây dựng đã phân công cán bộ xuống hiện trường phối hợp cùng địa phương tiến hành khoanh định đặt biển cảnh báo, cấm người và phương tiện qua lại nhằm bảo đảm an toàn. Với mong muốn sớm nối lại giao thông tạm thời cho người dân, đơn vị Quản lý đường bộ đã đổ gần 200m3 đá hộc và đá xô bồ, tuy nhiên, khối lượng đá đổ xuống đã bị mạch nước ngầm dưới hố sụt lún cuốn trôi.

Sụt lún ở Bắc Kạn diễn ra phức tạp.
Sáng 1/4, cách vị trí hố sụt lún khoảng 200m, đơn vị Quản lý đường bộ phát hiện mặt đường có dấu hiệu bất thường, bị sụt lún mức độ nhẹ. Khu vực này cũng được khoanh định, phân vùng cảnh báo nguy hiểm. Trước những diễn biến phức tạp của "hố tử thần", Sở Xây dựng Bắc Kạn đã báo cáo sự việc và đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra thực tế hiện trường, đề xuất giải pháp xử lý khắc phục.
Theo đánh giá sơ bộ, vị trí sụt lún dạng hang động Karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của những miền núi đá vôi bị nước chảy xói mòn), bên dưới có dòng nước ngầm chảy thường xuyên kéo theo đất, đá gây ra sụt lún nền đường.
Kể từ khi xuất hiện, hố sụt lún không chỉ ảnh hưởng đến giao thông trên Quốc lộ 3B đoạn qua xã Kim Lư mà còn khiến các hộ dân sống lân cận lo lắng không yên, nhất là khi tình hình sụt lún diễn biến phức tạp hơn.
Sau khi sự cố sụt lún bất thường trên quốc lộ 3B xảy ra vào ngày 29/3, vài ngày sau, thửa ruộng gia đình anh Chu Thanh Tú, thôn Hiệp Lực cũng có hiện tượng nứt, sụt nhẹ cục bộ. Đặc biệt, giếng khơi của gia đình anh Tú sâu gần 10m đang sử dụng sinh hoạt hằng ngày bỗng dưng bị rút hết nước.
Cách hố sụt khoảng 100m, ruộng lúa của gia đình ông Đàm Văn Việt có 2 hố sụt nhỏ liền kề. Để giữ nước cho cây lúa, gia đình ông Việt phải đắp quây quanh các hố và thường xuyên kiểm tra ruộng. Ông Việt cho hay, trước khi có hố sụt giữa dải phân cách, ruộng nhà ông đã có hố sụt rộng khoảng 1m làm mất toàn bộ nước, sau đó có thêm một hố ngay bên cạnh.
Cách nào nhận diện khoanh vùng nguy hiểm?
Theo chuyên gia về địa chất và khoáng sản, TS Trần Hoàng Minh, nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sụt lún tạo thành các hố sâu. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các hố sụt có một phần cấu thành từ tự nhiên, nhưng cũng chịu tác động do sự phát triển của con người bởi việc lạm dụng các hoạt động bơm và rút nước ngầm quá mức là một phần tạo ra các hố sụt trong tự nhiên. Các hố sụt thường xảy ra bên trên một hệ thống địa chất gồm đá vôi, đá cacbonat, đá muối hoặc các loại đá đặc biệt có thể hòa tan trong nước.
Theo đó, khi nước ngầm hoặc nước mưa dần ngấm trong lòng đất, sẽ hòa tan lượng đá này, hình thành nên các khoảng trống bên dưới bề mặt. Lâu ngày, phần không gian bên dưới mặt đất trở nên quá rộng, khiến phần đất bên trên bị sụp xuống, cuốn theo các vật thể hoặc công trình bên trên như đường xá, nhà cửa, ô tô... Các hố tử thần này có độ sâu dao động từ 3 - 30 mét, tùy vào mức độ nghiêm trọng của quá trình sụt lún.
Theo các chuyên gia, sụt lún hầu như xảy ra bất ngờ, ít có dấu hiệu báo trước, do đó rất khó khăn trong đề phòng, giải pháp duy nhất là phải điều tra khảo sát, khoanh vùng lại để cảnh báo. Tuy nhiên, trước khi xảy ra sụt lún có một số dấu hiệu như từ những sụt nhỏ có dấu hiệu loang ra lớn dần. Tường nhà bị nứt vỡ, mái nhà bị cong vênh. Lúc sắp xảy ra sập sụt thì hay có tiếng động ở trong lòng đất… Nếu trường hợp buộc phải sinh sống trên khu vực đó thì cần đặc biệt để tâm đến các dấu hiệu này. Khi xuất hiện thì phải chuẩn bị sơ tán trước khi sập sụt xảy ra.
Việc khắc phục, lấp 'hố tử thần' từ trước đến nay chỉ được một thời gian ngắn, chính quyền địa phương cần thực hiện ngay điều tra khảo sát, đánh giá quy mô hố sụt lớn hay nhỏ, nông hay sâu, từ đó có biện pháp phòng tránh. Còn nếu lấp lại rồi lại tiếp tục sinh sống trên 'hố tử thần' là không ổn vì nguy cơ vẫn còn.
Chuyên gia cho biết, hiện có nhiều công nghệ có thể biết được quy mô của hố sụt như thế nào như đo địa vật lý hay dùng rada xuyên đất. Qua đó biết cấu trúc lượng đất bên dưới thế nào. Khảo sát địa chất xem xung quanh có chỗ nào có điểm lộ hang đá vôi hay không. Các cơ quan địa chất sẽ có phương án nghiên cứu cho từng địa điểm cụ thể.
Theo ông Lương Thanh Lộc, Phó Chủ tịch UBND huyện Na Rì: Hiện nay cách vị trí sụt lún ban đầu khoảng 200m, mặt đường có dấu hiệu bất thường, bị sụt lún nhẹ. Cơ quan chức năng đã khoanh vùng, cảnh báo nguy hiểm. Thống kê sơ bộ có khoảng 21 hộ dân có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi hố sụt lún. Huyện đã lên phương án di dời người dân đến nơi an toàn trong trường hợp cấp bách.
Mong muốn của cấp chính quyền địa phương và người dân là ngành chuyên môn sớm xác định rõ nguyên nhân và có phương án xử lý kịp thời, hiệu quả nhằm nối lại giao thông và bảo đảm an toàn về tài sản, tính mạng cho các hộ dân khu vực lân cận.