Hà Nội

Nhận diện “vi khuẩn ăn thịt người” từ lăng kính khoa học

24-12-2020 15:42 | Thông tin dược học
google news

SKĐS - Trên thế giới nói chung, ở Việt Nam nói riêng, các loại “vi khuẩn ăn thịt người” hiện đang tái xuất, nhất là trong bối cảnh mưa bão kéo dài và đã cướp đi nhiều sinh mạng. Đặc biệt là hai loại khuẩn nguy hiểm, Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore và “Sát thủ giấu mặt” mang tên Vibrio.

Bệnh ít gặp, nhưng nguy hiểm, gây tử vong cao

“Vi khuẩn ăn thịt người”(flesh-eating bacteria) là cụm từ được giới truyền thông truyền thông quốc tế sử dụng để nói về bản chất là các vi khuẩn gây hiện tượng viêm cân mạc hoại tử- necrotizing fasciitis (NF), chứ thực tế không có vi khuẩn nào ăn thịt người theo đúng nghĩa đen.

NF là một dạng nhiễm khuẩn sâu dưới da không thường gặp, tiến triển rất nhanh, do độc tố của vi khuẩn gây viêm, phá hủy các mô liên kết, mô mỡ và mô cơ. Vi khuẩn gây viêm NF là liên cầu khuẩn beta tan huyết nhóm A (group A beta hemolytic streptococcal - GABHS), vi khuẩn Burkholderia pseudomallei gây bệnh Whitmore (Melioidosis) hiện đang xuất hiện tại tại các tỉnh miền Trung Việt Nam.

Burkholderia pseudomallei gây mưng mủ, hoại tử nhiều cơ quan, trong đó có da. Bệnh ít gặp, không bùng phát thành dịch, nhưng tiến triển rất nghiêm trọng, gây tỷ lệ tử vong cao, nhất là ở những người mắc bệnh mãn tính.

NF xâm nhập vào cơ thể nhiều nhất qua các vết thương hở, vết cắt nhỏ, vết trầy xước, côn trùng cắn, hình xăm, phẫu thuật... Trong một số trường hợp, con đường nhiễm vi khuẩn gây viêm NF không rõ ràng. Một khi đã xuất hiện, NF thường tiến triển nhanh, phá hủy mô liên kết, mô mỡ và mô cơ.

vi khuẩn ăn thịt người

Khuẩn gây bệnh Withmore

Melioidosis hay Whitmore là bệnh lây nhiễm gây ra bởi vi khuẩn gram âmBurkholderia pseudomallei. Được tìm thấy trong nước bẩn, đất, lây lan sang người và động vật qua tiếp xúc trực tiếp với nguồn ô nhiễm.  Whitmore có nhiều điểm tương đồng với một bệnh ở loài ngựa, lây qua người từ gia súc bị nhiễm bệnh. Bệnh phổ biến ở khu vực Đông Nam Á, Bắc Úc, Nam Thái Bình Dương, Châu Phi, Ấn Độ, và Trung Đông.

Thông tin từ BV Đà Nẵng cho biết, từ đầu năm 2020 đến tháng 9/2020 chỉ ghi nhận 4 ca bệnh Whitmore. Nhưng trong hai tháng 10,11 đã có tới 28 ca nhập viện vì bệnh này. Bệnh nhân chủ yếu đến từ Quảng Nam, Quảng Ngãi, Đà Nẵng và một số ở Nghệ An, Quảng Trị… Đặc biệt, có hai trường hợp bị vết bầm tím ở chân, ủ bệnh, phải nhập viện cấp cứu; ngón chân bệnh nhân có mủ, không đi được, bị tiêu chảy và sốt. Các bác sĩ nhận định, nếu không được cấp cứu kịp thời, các bệnh nhân sẽ có nguy cơ tử vong.

Nhiều nghiên cứu cho thấy, 80% những người bị bệnh Whitmore có một hoặc nhiều yếu tố nguy cơ, điều đó đồng nghĩa Whitmore có thể là một nhiễm trùng cơ hội. Phổ biến ở  nhóm người bị bệnh đái tháo đường, người nghiên rượu, bệnh thận hoặc bệnh phổi mạn tính, người sử dụng corticoid, bệnh ung thư. Bệnh đái tháo đường có tỷ lệ mắc bệnh cao từ 37% - 60%, điều này cho thấy insullin có thể trực tiếp ảnh hưởng đến vi khuẩn B.Pseudomallei.

Bệnh Whitmore khó lây từ người sang người, thường  có các triệu chứng lâm sàng khác nhau, do vậy dễ bị bỏ sót hoặc nhầm với bệnh lao và các bệnh lý viêm phổi thông thường. Thời gian ủ bệnh của Whitmore trung bình 9 ngày, có khi kéo dài tới 3 tuần, thậm chí tới hàng chục năm. Tỷ lệ tái của Whitmore vào khoảng 1/16 ca, 1/4 trường hợp bệnh tái lại là do tái nhiễm, số còn lại do tái phát từ một ổ nhiễm tồn tại dai dẳng.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore, nên việc phòng tránh là rất quan trọng. Nên đi khám ngay nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, bao gồm đất hoặc nước bùn lầy, đặc biệt là những nơi có ô nhiễm nặng. Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên làm việc ngoài trời, tránh tiếp xúc trực tiếp với đất và nước nhiễm bẩn.

Nếu nghi ngờ mắc phải các triệu chứng bệnh, cần đến cơ sở y tế để được thăm khám, phát hiện vi khuẩn gây bệnh để điều trị kịp thời. Mặc dù ít gặp và không lây lan trực tiếp từ người sang người, nhưng công tác phòng tránh bệnh Whitmore cần được thực hiện nghiêm túc để hạn chế khả năng mắc phải những triệu chứng nghiêm trọng của bệnh, nhất là với những đối tượng có nguy cơ cao.

vi khuẩn ăn thịt người

“Sát thủ giấu mặt”

Đầu tháng 7/2019, sau một ngày tắm biển, người đàn ông Mỹ tên là Dave Bennet tỉnh dậy với triệu chứng sốt, chuột rút, đau dữ dội. Dave Bennet đến từ thành phố Memphis, bang Tennessee, ông đi du lịch cùng vợ và con gái tại vịnh Mexico. Thay vì kỳ nghỉ hấp dẫn như mong đợi, 48 giờ sau người đàn ông  này đã bị… “khuẩn ăn thịt”. Hôm 5/7, cả nhà vẫn còn đang trên tàu, vui chơi gần khu vực Crab Island và tắm biển Destin ở bang Florida, nhưng sáng hôm sau, Dave tỉnh dậy với “cơn sốt cao, ớn lạnh và chuột rút”. Chiều 7/7, ông Dave Bennet đã trút hơi thở cuối cùng. Theo gia đình, trước đó ông Dave đã mắc ung thư nhiều năm, do vậy hệ miễn dịch suy yếu, nhưng vợ con không nghĩ rằng lần đi biển này là lần cuối cùng trong đời ông. Kiểm tra y tế sau đó xác nhận ông Dave Bennett bị nhiễm vi khuẩn Vibrio Vulnificus dẫn đến hoại tử và tử vong.

Theo Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC), hiện chưa có vắc xin phòng bệnh Whitmore, nên việc phòng tránh là rất quan trọng. Cần đi khám ngay nếu phát hiện dấu hiệu nghi ngờ. Hạn chế tiếp xúc với tác nhân gây bệnh, đặc biệt là những nơi bị ô nhiễm nặng. Trang bị đầy đủ giày, dép và găng tay đối với những người thường xuyên phải làm việc ngoài trời.

Theo CDC, nhóm người có nguy cơ tử vong cao nhất thuộc diện mắc bệnh gan, ung thư, đái tháo đường, HIV và Thalassemia (bệnh thiếu máu di truyền ở vùng Đại Trung Hải). Theo CDC, vi khuẩn Vibrio thường gây các triệu chứng tiêu chảy, nôn mửa và đau bụng. Nhưng những người có vấn đề về y tế như bệnh gan, tiểu đường, rối loạn dạ dày hoặc các tình trạng khác mà nhiễm khuẩn thì hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu nhanh chóng, dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng, có thể tử vong.

Đầu năm 2018, một phụ nữ ở bang Texas (Mỹ) đã chết sau khi ăn hàu sống khi đi nghỉ ở Louisiana. Tại bệnh viện, cô được chẩn đoán bị bệnh vẩy nến, một bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn Vibrio gây ra, thường được gọi là “vi khuẩn ăn thịt người”. Tuy nhiên, theo CDC, bệnh do Vibriosis gây ra lại tách biệt khỏi viêm hoại tử thường được gọi là nhiễm trùng ăn thịt, do vi khuẩn thuộc nhóm A strep, E. coli và staph.

CDC ước tính khoảng 52.000 trường hợp này là do ăn thực phẩm bị ô nhiễm, chủ yếu là các loại động vật có vỏ sống hoặc chưa nấu chín. Kkhoảng 95% các ca nhiễm trùng nghiêm trọng tại Mỹ là do ăn sò sống vùng vịnh, bởi sò ở đây đều mang khuẩn Vibrio, nhất là trong những tháng mùa hè. Triệu chứng duy nhất là nôn ói và tiêu chảy, riêng nhóm khỏe mạnh không phải nhập viện là do có hệ miễn dịch tốt. Nhiễm trùng cũng có thể xảy ra khi phơi nhiễm vết thương hở với nguồn nước bị ô nhiễm, nhất là nước lợ, nước mặn, tuy nhiên cơ chế lây nhiễm này ít phổ biến hơn.

Mầm bệnh được phân lập lần đầu vào năm 1976 từ một loạt các mẫu nuôi cấy máu gửi tới CDC ở Atlanta, được mô tả là một “vibrio lactose dương tính”, sau đó được đặt tên  Beneckea vulnifica, và cuối cùng mang tên chính thức Vibrio vulnificus vào năm 1979. Vibrio có thể sống trong môi trường nước biển, đặc biệt ở những vùng có độ mặn thấp (0,5 đến 2,0% muối). Vibrio ra đời là do biến đổi khí hậu, do ô nhiễm hóa chất hoặc sinh học.

Tại Mỹ, khuẩn Vibrio có nhiều tại vùng vịnh Mexico từ tháng 4 đến tháng 10. Đối với những người có sức khỏe tốt, vi khuẩn có thể gây hại ít hơn như nhiễm trùng dạ dày thể nhẹ. Riêng nhóm người bị bệnh gan, đái tháo đường, ung thư, HIV/AIDS, rối loạn dạ dày... thì nguy cơ mắc bệnh cao hơn. Nhiễm trùng có thể xảy ra từ 2 ngày sau khi ăn sò biển, trai, hay hến sống hoặc nấu chưa chín có chứa vi khuẩn hoặc có vết thương mở khi tiếp xúc với nước biển như các trường hợp đề cập ở trên.

Nghiên cứu chỉ ra rằng, estrogen có tác dụng chống nhiễm trùng, là lý do tại sao bệnh gặp nhiều hơn ở nam giới. Nam giới thường có lượng chất sắt cao hơn, thứ mà khuẩn Vibrio rất cần để tồn tại và phát triển.

Theo CDC, Vibrio là khuẩn nguy hiểm, nên việc điều trị kịp thời là yêu cầu quan trọng nhất. Khi có vết thương mở hoặc có hệ miễn dịch yếu, nên tránh xa môi trường nước biển nhiễm khuẩn và hải sản tươi sống. Có một thực tế, chúng ta có thể bảo vệ sức khỏe của mình bằng cách ăn hàu được nấu chín. Hàu sống chính là thủ phạm lây lan viêm gan A và norovirus - thường được gọi là bệnh “cúm dạ dày”, có thể gây buồn nôn, nôn và đau bụng.

Nếu có vết thương mới nên để lành, hay rửa vết thương thật kỹ càng sớm càng tốt bằng xà phòng và nước sạch. Đi khám ngay trong vòng 4-5 giờ nếu vết thương sưng đỏ. Sốt và buồn nôn cũng là những dấu hiệu cảnh báo nhiễm trùng vibrio. Phát hiện sớm, sử dụng đúng phác đồ điều trị, đặc biệt là kháng sinh liều cao có thể tránh được mối nguy hiểm do sốc nhiễm khuẩn Vibrio gây ra.


BS. BÍCH KIM
Ý kiến của bạn