Hà Nội

Nhận diện tình trạng viêm gân: cấp hay mạn!

18-06-2019 16:20 | Y học 360
google news

SKĐS - Khác với bong gân là cách gọi thông thường của bệnh lý dây chằng bám giữa các thành phần xương, viêm gân là bệnh lý của gân, một dải mô sợi chắc khỏe kết nối cơ và xương. Cần phân biệt giữa các trường hợp viêm gân cấp tính (tendinitis) và mạn tính (tendinosis).

Viêm gân cấp tính xảy ra sau các đứt rách nhỏ gây ra bởi một lực quá tải, đột ngột.Ngược lại, viêm gân mạn tính đặc trưng bởi tình trạng thoái hóa collagen trong gân, đáp ứng với các hoạt động lặp đi lặp lại trong thời gian dài.Cách gọi “viêm gân” thường dùng có thể gây hiểu nhầm vì trong trường hợp mạn tính, phản ứng viêm không diễn ra.

Trên thực tế, viêm gân mạn tính chiếm một phần lớn các trường hợp chẩn đoán, và có thể gây ra bởi hoạt động sinh hoạt, lao động hay thể thao. Một số nghiên cứu chỉ ra lực kéo giãn quá mức lặp đi lặp lại kích hoạt quá trình thoái hóa của gân, từ đó có thể dẫn đến đứt rách gân đã bị yếu đi. Nói cách khác, tình trạng viêm gân mạn do thoái hóa có thể dẫn đến viêm gân cấp do chấn thương cơ học thật sự. Ngoài ra, còn có các dạng thức khác của bệnh lý gân như viêm bao gân, viêm hoạt mạc quanh gân, tổn thương điểm bám gân - xương.

Phân định giữa viêm gân cấp và mạn rất quan trọng, có ý nghĩa trong lựa chọn phương pháp điều trị và tiên lượng thời gian lành bệnh. Ví dụ viêm gân cấp cần được điều trị giảm phản ứng viêm, tuy nhiên các thuốc kháng viêm không steroid như ibuprofen lại bị chống chỉ định trong trường hợp viêm gân mạn do khả năng ức chế tái tạo collagen. Bệnh nhân viêm gân cấp được điều trị thường lành bệnh từ vài ngày đến vài tuần, trong khi viêm gân mạn có thể cần đến 3 - 6 tháng.

Nhận diện tình trạng viêm gân: cấp hay mạn!Tiêm quanh gân dạng dài, duỗi ngắn trong hội chứng De Quervain

Tùy theo vị trí gân tổn thương sẽ có triệu chứng và nghiệm pháp riêng để đánh giá, nhưng nhìn chung thường gặp đau khi vận động và bất thường chức năng, với ấn đau khu trú tại chỗ và đau tăng lên khi vận động có kháng lực hoặc kéo dãn cơ thụ động. Trường hợp viêm gân mạn có thể thấy gân dày lên, tạo nốt hoặc cảm giác bật cò súng khi vận động.

Liệu pháp tiêm corticosteroid: “thần dược” của bệnh lý gân?

Corticosteroid tác động vào quá trình viêm tại chỗ, được chứng minh có hiệu quả trong việc giảm đau trong ngắn hạn cho bệnh nhân. Tuy nhiên như đã đề cập ở trên, trong viêm gân mạn, phản ứng viêm đóng vai trò thứ yếu và có lợi cho quá trình lành gân, nên sử dụng corticosteroid tiêm tại chỗ cần được cân nhắc cẩn thận và nằm trong chiến lược điều trị toàn diện.

Hiệu quả giảm đau không biến tiêm gân bằng corticosteroid trở thành “thần dược”, nhưng sẽ đạt kết quả khả quan khi tạo điều kiện cho vật lý trị liệu, kích thích quá trình tạo collagen, tự chữa lành của gân. Tránh lạm dụng tiêm corticosteroid, không tiêm lặp lại nhiều lần khi không có đáp ứng, và cân nhắc các phương pháp điều trị khác như sóng xung kích, laser cường độ cao, phẫu thuật…

Nhận diện tình trạng viêm gân: cấp hay mạn!Vị trí ròng rọc A1 trong bệnh ngón tay cò súng

Tiêm gân có hiệu quả ở một số bệnh lý gân: hội chứng De Quervain, ngón tay cò súng, viêm gân chóp xoay, viêm đầu dài gân cơ nhị đầu, viêm cân gan chân, hội chứng khuỷu tay tennis…

Cần lưu ý các chống chỉ định (nhiễm trùng, viêm mô tế bào vùng tiêm, bệnh lý rối loạn đông máu, suy giảm miễn dịch, bệnh nhân quá lo âu không hợp tác) cũng như các biến chứng sau tiêm có thể gặp phải (nhiễm trùng tại chỗ tiêm, đứt rách gân). Sau tiêm cần nghỉ ngơi, tránh vận động nặng, đột ngột gân được tiêm trong khoảng 1 - 2 tuần, và khởi động vật lý trị liệu sớm sau 1 tuần dưới sự hướng dẫn chuyên môn.

Tóm lại mục đích điều trị trong bệnh lý gân là để giảm thiểu phản ứng viêm quá mức, cũng như kích thích cơ thể tái tạo, chữa lành gân bị thoái hóa. Tiêm gân bằng corticosteroid là một phương pháp ít xâm lấn, đóng vai trò điều trị triệu chứng, bên cạnh tác dụng giảm đau, cải thiện chất lượng cuộc sống của bệnh nhân, còn giúp việc thay đổi lối sống, tập luyện, vật lý trị liệu được thuận lợi hơn.

Nhận diện tình trạng viêm gân: cấp hay mạn!Tiêm đầu dài gân cơ nhị đầu

 

Là con dao hai lưỡi, tiêm corticosteroid cần được cân nhắc sau khi thăm khám cẩn thận và chỉ định bởi bác sĩ có chuyên môn, và không bao giờ là phương pháp điều trị đơn độc, “đau đâu tiêm đó” trong bệnh lý gân.


ThS.BS. NGUYỄN NAM ANH
Ý kiến của bạn