Hà Nội

Nhận diện thủ phạm vụ máy bay boeing 777 mất tích

10-03-2014 10:03 | Quốc tế
google news

Đã hơn 48 tiếng kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 chở 239 người của Hãng hàng không Malaysia mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu sau khi rời Thủ đô Kuala Lumpur, công tác tìm kiếm và nhận diện thủ phạm vẫn đang được tiến hành.

Đã hơn 48 tiếng kể từ khi chiếc máy bay Boeing 777-200 số hiệu MH370 chở 239 người của Hãng hàng không Malaysia mất liên lạc với trạm kiểm soát không lưu sau khi rời Thủ đô Kuala Lumpur, công tác tìm kiếm và nhận diện thủ phạm vẫn đang được tiến hành.

Hai hộ chiếu bị đánh cắp

Chiếc Boeing 777-200 số hiệu MH370 của hãng hàng không Malaysia Airlines (MAS) biến mất khỏi các màn hình vào rạng sáng 8/3, trên đường từ Kuala Lumpur (Malaysia) đến Bắc Kinh (Trung Quốc ) với 239 người trên máy bay.

Thân nhân của hành khách Trung Quốc trên chuyến bay mất tích

Theo tờ New Straits Times, một phi công Boeing 777 cất cánh trước cho biết, đã liên lạc được với chiếc máy bay mất tích sau khi có yêu cầu từ trạm kiểm soát không lưu tại Việt Nam. Tuy nhiên, tín hiệu mà phi công này nhận được bị nhiễu sóng.

Sau khi MAS công bố danh sách hành khách đi chuyến bay MH370, Áo và Italia thông báo lại có 2 công dân nước họ đang an toàn ở nhà và không hề có mặt trên chuyến bay. Hai người này bị mất hộ chiếu tại Thái Lan vào năm 2012 và 2013.

Bộ trưởng Giao thông Malaysia - Hishammuddin Hussein cho biết, đã huy động cơ quan tình báo Malaysia và cung cấp thông tin với tất cả các cơ quan chống khủng bố tại các nước liên quan. Giới điều tra đã phát hiện ra 4 trường hợp đáng khả nghi. Trong số đó có, hai người sử dụng hộ chiếu đánh cắp nói trên. 2 tấm hộ chiếu này được dùng để mua vé chuyến bay từ China Southern Airlines - hãng khai thác cùng đường bay với Malaysia Airlines.

Câu hỏi đặt ra là làm thế nào, người sử dụng hai hộ chiếu đó đã xin được giấy nhập cảnh vào Trung Quốc. Đây là một thủ tục bắt buộc và xin visa vào Trung Quốc không phải là chuyện dễ, theo CNN.

Theo ông Hishamuddin Hussein, FBI đang giúp xác định nhân thân những đối tượng đánh cắp hộ chiếu để có mặt trên chiếc máy bay này. Đồng thời, người phát ngôn FBI cho biết, cơ quan này đang kiểm tra bản kê khai hàng hóa của hành khách để lần ra những dấu vết khủng bố.

Ngoài ra, trên chuyến bay có 153 người Trung Quốc, có hai người Duy Ngô Nhĩ tới từ Tân Cương (đây là khu vực bất ổn của Trung Quốc nhiều năm qua và vụ tấn công bằng dao ở nhà ga Côn Minh khiến 30 người chết, hơn 130 người bị thương ngày 1/3 vừa qua, cũng do những phần tử cực đoan Tân Cương), nằm trong 19 nghệ sĩ nổi tiếng tham dự Triển lãm hội họa Giấc mơ Trung Quốc: Red and Green Painting tại Kuala Lumpur từ ngày 4-6/3 vừa qua.

Phi hành đoàn không có thời gian phát tín hiệu khẩn cấp

Hãng tin AP dẫn lời các chuyên gia hàng không cho rằng, đã có sự cố xảy ra đột ngột và nhanh đến mức các phi công đã không có thời gian phát ra tín hiệu khẩn cấp. Một cựu kỹ sư Boeing - ông Todd Curtis hiện đang làm Giám đốc cho Quỹ An toàn hàng không (Airsafe.com) cho biết: Các sự cố máy bay thường xảy ra lúc cất/ hạ cánh. Khi máy bay đã ổn định trên không thì xác suất sự cố rất nhỏ - chỉ 9%.

Thậm chí, ông William Waldock (Trường Đại học Hàng không Embry-Riddle, Mỹ) khẳng định: Bất cứ sự cố từ nhỏ nhặt đến nghiêm trọng như, chết động cơ thì phi công vẫn đủ thời gian kêu cứu. Ông Scott Hamilton - CEO hãng tư vấn hàng không Leeham (Mỹ) cho rằng: “Hoặc có một thảm họa kinh khủng xé toang chiếc máy bay, hoặc có một hành động tội phạm xảy ra nhanh đến mức phi công không kịp phản ứng vào hệ thống".

Tuy nhiên, các chuyên gia đều chung nhận định, muốn biết điều gì đã xảy ra thì phải tới được hiện trường, khám xác máy bay và tìm thấy hộp đen.

Trong một diễn biến liên quan, hôm qua, ông Lý Gia Tường - Tổng cục trưởng Tổng cục Hàng không Trung Quốc cho rằng, chưa thể khẳng định chiếc máy bay bị mất tích là do khủng bố.

Người dân Malaysia cầu nguyện cho những hành khách trên chuyến bay mất tích

Tàu bay phải nổ tung mới biến mất đột ngột như vậy

Tại Việt Nam, trong một cuộc họp triển khai công tác tìm kiếm tàu bay mất tích của ngành hàng không, ông Đinh Đức Tuấn - Phó trưởng ban An toàn chất lượng, an ninh của Vietnam Airlines (VNA), cơ trưởng Boeing 777 - cho rằng máy bay Boeing 777 được thiết kế để hoạt động được trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt nhất. Có thể loại trừ máy bay mất tích do thời tiết vì khi máy bay rơi, thời tiết hoàn toàn tốt.

Theo ông Tuấn, dù có xảy ra sự cố gì, phi công vẫn có khoảng hơn 4 phút để báo cứu nạn. Còn nếu máy bay chết 2 động cơ một lúc thì vẫn có khoảng 20 phút để lướt thêm 200 dặm. Loại trừ các giả thiết, ông Tuấn nhận định máy bay cùng lúc mất liên lạc và mất tín hiệu trên rada mà không có bất cứ thông tin cảnh báo là rất khó hiểu.

“Ngay một lúc lại mất liên lạc hoàn toàn, vừa mất liên lạc thông tin, vừa mất rada dưới mặt đất. Chỉ có trường hợp có người cố tình can thiệp tắt hệ thống trên máy bay đi mới có thể mất cùng một lúc”, ông Đinh Đức Tuấn nhận định.

Đồng quan điểm này, ông Phan Xuân Đức - Phó Tổng giám đốc Vietnam Airlines, nguyên đoàn trưởng Đoàn bay 919 cũng cho rằng khả năng không tặc uy hiếp khiến tàu bay phải đổi hướng cũng khó xảy ra bởi phi công đã được hướng dẫn các cách phát tín hiệu cấp cứu khi máy bay xảy ra tình huống này. Trường hợp máy bay mất tín hiệu liên lạc mặt đất thì có thể nhờ các máy bay khác hỗ trợ. Ông Đức cũng nghiêng về nhận định đã có một vụ nổ rất lớn xảy ra mới khiến máy bay mất tích đột ngột như vậy.

Tuy nhiên, có điều vẫn chưa thể lý giải, đó là trong khoảng thời gian kể từ khi máy bay của Malaysia AIrlines mất tích, các thiết bị tối tân của Hoa Kỳ không hề ghi nhận được bất kỳ một đốm sáng nào trên Biển Đông. Các dữ liệu sơ bộ của Lầu Năm Góc, đến thời điểm này vẫn cho thấy máy bay không bị nổ tại khu vực đang được tìm kiếm.

Điện thoại của một hành khách mất tích vẫn reo

Đài truyền hình Bắc Kinh công bố đoạn video cho thấy, một người đàn ông quay số điện thoại của anh trai - vốn là hành khách trên chuyến bay MH370 của hãng Malaysia Airlines. Điện thoại của hành khách kia vẫn hoạt động, nhưng anh không bấm nút trả lời, Strait Times đưa tin. Gia đình của hành khách đã yêu cầu hãng Malaysia Airlines dùng công nghệ vệ tinh để định vị chiếc điện thoại trước khi pin của nó cạn kiệt. Ông Azharuddin Abdul Rahman, người đứng đầu cơ quan hàng không dân sự Malaysia nói rằng, một số hành khách không lên máy bay dù họ mua vé.

Boeing 777 - 200, mẫu máy bay an toàn nhất lịch sử hàng không

Máy bay Boeing 777-200 do Boeing sản xuất, được đưa vào sử dụng từ năm 1994. Hiện có 672 chiếc đang được sử dụng. Chiếc máy bay của hãng Hàng không Malaysia có sức chứa 305 hành khách, sải cánh dài 60,93 m, cao 18,76m, dài 63,73m. Tốc độ bay tối đa xấp xỉ 950km/h. Hiện chiếc Boeing 777-200 sử dụng 2 động cơ Rolls Royce Trent 892.

Trọng lượng không tải của Boeing 777-200 đạt 139.225 kg và trọng lượng cất cánh tối đa đạt 247.210 kg. Máy bay có 2 thùng chứa nhiên liệu ở 2 cánh và 1 thùng ở trung tâm chứa được 179.000 lít dầu, tầm hoạt động 12.779 km. Boeing 777-200 sử dụng các trang thiết bị điện tử tiên tiến ADIRS để phân tích dữ liệu không khí và xác định quán tính máy bay. Hệ thống bay tự động AFDS với độ tin cậy cao hỗ trợ đắc lực cho phi công trên mỗi chuyến bay đường dài. Boeing 777-200 được đánh giá là một trong những mẫu máy bay an toàn nhất trong lịch sử hàng không.

Phiên bản mới nhất của Boeing 777 có giá 261,5 triệu USD. Malaysia Airlines sở hữu 15 chiếc Boeing 777. Ngoài khả năng bay tầm xa và chở nhiều hành khách, Boeing với thân bầu dài giúp nó có thể chở 155 tấn hàng hóa, nhiêu liệu và cả hành khách.

Trong lịch sử 19 năm ra đời và hoạt động, chỉ có một vụ tai nạn máy bay chết người liên quan đến Boeing 777, theo hãng tin AP (Mỹ). Đó là vụ máy bay Boeing 777 của hãng Hàng không Hàn Quốc Asiana Airlines gặp sự cố khi hạ cánh hồi tháng 7/2013 ở thành phố San Francisco, Mỹ, khiến ba người chết. Ngoài ra, cũng có một sự cố khác nhưng không nghiêm trọng và không có thương vong, theo AP.

 

 


Ý kiến của bạn