Điều này chưa hẳn đúng mà ngay cả người bình thường nếu không chú ý trong vận động cũng rất dễ rơi vào tình trạng này.
Thủ phạm gây tràn dịch khớp gối hay gặp
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng tràn dịch khớp gối, trong đó gặp ở những người béo phì là yếu tố thuận lợi gây bệnh. Bệnh thường gặp nhiều hơn ở lứa tuổi trên 55, rất có thể sự thoái hóa theo quá trình tự nhiên của khớp là yếu tố tác động đến bệnh lý này. Bên cạnh đó, người ta cũng nhận thấy những người tham gia nhiều vào các hoạt động thể thao có nguy cơ chấn thương nhiều hơn, đặc biệt là những môn thể thao liên quan đến các chuyển động đột ngột của khớp như bóng đá, bóng rổ... Đặc biệt, thừa cân - béo phì làm trọng lượng cơ thể quá lớn sẽ làm quá tải khớp gối, đặc biệt làm tăng nguy cơ vi chấn thương cho các thành phần của khớp, trong đó có sụn khớp, vì vậy làm tăng nguy cơ thoái hóa khớp, là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây tràn dịch khớp gối.
Tình trạng chấn thương cũng hay gặp trong tràn dịch khớp gối, chấn thương các cấu trúc giải phẫu có thể gây đau và gây tràn dịch khớp gối.
Ngoài ra nguyên nhân gây tràn dịch khớp gối có thể gặp là: thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp, nhiễm khuẩn khớp, gout, pseudogout...
Tràn dịch khớp gối.
Nhận dạng tràn dịch khớp gối
Tràn dịch khớp gối là tình trạng lượng dịch trong khớp gối nhiều lên, có thể phát hiện dễ dàng trên lâm sàng. Các dấu hiệu của tràn dịch khớp gối điển hình bao gồm:
Sưng nề: Một bên gối có thể sẽ to hơn bên kia.
Hạn chế vận động khớp: Khớp gối của bạn sẽ bị hạn chế vận động do lượng dịch trong khớp cản trở vận động khớp.
Đau: Tùy theo nguyên nhân gây tràn dịch khớp mà có thể sẽ có triệu chứng đau khớp, đôi khi do đau mà bệnh nhân không thể đi lại được.
Nếu không được điều trị, dịch trong khớp gối sẽ làm hạn chế vận động khớp, việc chọc hút dịch khớp nhiều lần làm tăng nguy cơ nhiễm khuẩn và nếu có nhiễm khuẩn thì sẽ phá huỷ khớp và có thể ảnh hưởng đến toàn thân bệnh nhân.
Điều trị cách gì?
Để điều trị hiệu quả bệnh tràn dịch khớp gối cần xác định rõ nguyên nhân do tác nhân vật lý hay tác nhân bệnh lý. Người bệnh cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa cơ xương khớp làm các xét nghiệm, như: Xét nghiệm máu để giúp xác định tình trạng viêm nhiễm khuẩn, viêm khớp dạng thấp, bệnh gout... Chụp Xquang để biết được các tổn thương như trật khớp, gãy xương, thoái hóa khớp, u xương... hoặc chụp cộng hưởng từ để biết được các tổn thương xương và phần mềm của khớp.
Trong trường hợp bệnh đang ở giai đoạn đầu tiên, biện pháp nội khoa được ưu tiên hàng đầu, đó là sử dụng các thuốc giảm đau, trong một số trường hợp, triệu chứng đau hơn mức chịu đựng của bệnh nhân. Bác sĩ có chỉ định dùng kháng sinh khi có nguy cơ hoặc đang bị nhiễm khuẩn. Các thuốc kháng viêm corticosteroids có thể sử dụng đường miệng hoặc tiêm trực tiếp vào khớp gối. Tuy nhiên, corticoids có một số tác dụng phụ, vì vậy phải được kê đơn và theo dõi điều trị bởi bác sĩ chuyên khoa.
Nếu tình trạng bệnh nặng nề, cần phải điều trị phẫu thuật và các can thiệp xâm lấn như:
Chọc hút dịch khớp: Chọc hút dịch khớp nhằm giảm áp lực, đồng thời có thể kết hợp điều trị tiêm corticoid.
Nội soi khớp: Nội soi khớp có giá trị chẩn đoán nguyên nhân của tràn dịch khớp và có thể kết hợp điều trị như sửa chữa các thương tổn sụn, dây chằng hay tổn thương thoái hóa khớp. Trong trường hợp tổn thương thoái hóa khớp gối nặng thì cần phải thay khớp. Tuyệt đối không được tự ý mua thuốc điều trị.
Lời khuyên của thầy thuốc
Để phòng bệnh, hàng ngày mọi người nên vận động cơ thể để các khớp xương được cử động làm cho máu lưu thông tốt hơn đến nuôi dưỡng các cơ quan trong cơ thể, trong đó có các khớp xương. Nên xoa bóp cơ đùi, bắp chân bằng tay hay bằng các dụng cụ hỗ trợ để làm tăng cường sự rắn chắc của gân, cơ bắp, từ đó giúp khớp gối hoạt động tốt hơn. Trường hợp béo phì, thừa cân nên tăng cường vận động cơ thể; chọn chế độ ăn, uống hợp lý nhằm làm giảm trọng lực lên hai đầu gối.
Để phòng ngừa và phát hiện sớm tình trạng tràn dịch khớp gối, người bệnh cần thực hiện một số công việc sau: kiểm soát tốt các bệnh lý mạn tính như thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp hay gout. Dùng thuốc theo đơn để điều trị các bệnh lý nguyên nhân, đeo nẹp gối khi cần thiết theo yêu cầu điều trị.
Bệnh nhân cần tuyệt đối sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ. Nghỉ ngơi tránh việc đi lại tỳ chân vì có thể làm tăng tình trạng tràn dịch và đau. Bệnh nhân có thể chườm đá và kê cao chân điều này có tác dụng tốt đối với những trường hợp tràn dịch do chấn thương. Kê chân cao giúp cho việc tuần hoàn chân được tốt, tránh được tình trạng sưng nề.