Tiêu chuẩn quốc gia về sữa bột
Mới đây, cơ quan chức năng TP.Hà Nội đã triệt phá đường dây sản xuất, buôn bán, tiêu thụ sữa bột giả với quy mô lớn nhất từ trước tới nay trên địa bàn TP.Hà Nội và các tỉnh lân cận. Quá trình điều tra, cơ quan công an đã khởi tố, bắt tạm giam 8 bị can về tội "Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

Đường dây sữa giả bị triệt phá.
Kết quả điều tra bước đầu của Cơ quan công an xác định: Từ tháng 8/2021 đến nay, các đối tượng đã thành lập Công ty CP Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty CP Dược dinh dưỡng Hacofood Group để sản xuất kinh doanh sữa bột. Đến nay đã sản xuất 573 nhãn hiệu sữa bột các loại. Các loại sữa dành cho người bị tiểu đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. Trong khoảng 4 năm, các đối tượng đã tiêu thụ sữa các loại ra thị trường, mang lại doanh thu gần 500 tỷ đồng.
Các thành phần công bố như chiết xuất tổ yến, đông trùng hạ thảo, bột macca, bột óc chó... nhưng trên thực tế, hoàn toàn không có những chất này. Các đối tượng đã bỏ một số nguyên liệu đầu vào và thay thế, bổ sung thêm một số chất phụ gia. Cơ quan công an xác định, sữa bột có chỉ tiêu chất lượng một số chất đạt dưới 70% so với mức công bố, đủ điều kiện để xác định là hàng giả.
Theo chuyên gia của Ủy ban Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng quốc gia, sữa bột là thực phẩm giàu dinh dưỡng và mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên vì mục tiêu lợi nhuận mà nhiều đơn vị vẫn xem thường sức khỏe người tiêu dùng, bất chấp quy định pháp luật sản xuất sữa kém chất lượng. Do đó, nếu dùng phải những loại sữa này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro. Vậy để sử dụng sữa bột chất lượng thì phải đạt tiêu chuẩn quốc gia TCVN 7979:2018.
Tiêu chuẩn này do Bộ Khoa học và Công nghệ công bố, áp dụng cho các loại sữa bột và cream bột để sử dụng trực tiếp hoặc chế biến tiếp theo. Chỉ sử dụng các phụ gia thực phẩm trong các giới hạn theo quy định. Các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân theo các mức tối đa về chất nhiễm bẩn được quy định trong TCVN 4832:2015.
Khi sữa được dùng trong chế biến các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này phải tuân thủ các mức tối đa về chất nhiễm bẩn và độc tố được quy định trong TCVN 4832:2015.
Các sản phẩm thuộc đối tượng của tiêu chuẩn này nên được chuẩn bị về xử lý theo các điều tương ứng của TCVN 5603 (CAC/RCP 1-1969); Quy phạm thực hành về nguyên tắc chung đối với vệ sinh thực phẩm TCVN 11682 (CAC/RCP 57-2004); Quy phạm thực hành vệ sinh đối với sữa và sản phẩm sữa và các tiêu chuẩn liên quan khác như quy phạm thực hành vệ sinh và các quy phạm thực hành; Các sản phẩm này cần tuân thủ tiêu chí vi sinh vật được thiết lập theo TCVN 9632:2016 (CAC/GL 21-1997) về nguyên tắc thiết lập và áp dụng các tiêu chí vi sinh đối với thực phẩm.
Tiêu chuẩn này cũng hướng dẫn việc bảo quản phải ghi trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo, ngoại trừ tên của sản phẩm, việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói được ghi trên bao bì. Việc nhận biết lô hàng, tên và địa chỉ nhà sản xuất hoặc đóng gói có thể thay bằng ký hiệu nhận dạng, với điều kiện là ký hiệu đó có thể nhận biết rõ ràng cùng với các tài liệu kèm theo.
Nhận diện sữa không đúng chuẩn qua tem mác
Theo TS.BS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng ứng dụng Việt Nam, về mặt hàm lượng dinh dưỡng thì những loại sữa kém chất lượng, sữa giả có thể không đảm bảo cung cấp đủ năng lượng hoặc các vitamin và khoáng chất như bảng thành phần trên vỏ hộp.
Cũng theo cơ quan chức năng, những loại sữa mà hai công ty này sản xuất dù công bố chiết xuất từ tổ yến, đông trùng hạ thảo… nhưng thực tế không có trong sản phẩm.
Điều này khiến người tiêu dùng lầm tưởng về hàm lượng dinh dưỡng có trong sữa, bỏ qua việc bổ sung từ các nguồn thực phẩm khác. Do đó, khi sử dụng loại sữa này, người già, trẻ nhỏ có nguy cơ cao bị thiếu hụt dinh dưỡng hoặc suy dinh dưỡng.
Để phân biệt sữa đảm bảo chất lượng và sữa kém chất lượng, sữa giả, người tiêu dùng nên lưu ý, thường những loại sữa giả chỉ quảng cáo và bán trên mạng xã hội, hầu như không quảng cáo trên các phương tiện truyền thông chính thống và các nền tảng đáng tin cậy.
Khi mua sữa, nên đọc kỹ các thông tin trên bao bì, vỏ hộp như tên sản phẩm, tên và địa chỉ, các số điện thoại liên hệ của nhà sản xuất, đơn vị nhập khẩu và phân phối, hạn sử dụng, bảng thành phần dinh dưỡng. Nếu là sữa nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt. Nếu thấy bao bì sản phẩm in lem nhem, không sắc nét hoặc có dấu hiệu bị tẩy xóa hoặc hộp bị móp méo… thì tuyệt đối không nên mua loại sữa này.
PGS.TS Nguyễn Trọng Hưng, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khuyến cáo, phụ huynh hãy tham khảo bác sĩ trước khi sử dụng cho phù hợp. Các mẹ hãy chọn các công ty chuyên sản xuất kinh doanh sữa và các sản phẩm từ sữa có thời gian kinh doanh nhiều năm, các công ty có thương hiệu ưu tín trong nước cũng như thế giới.
Phụ huynh cần theo dõi kỹ phản ứng của trẻ khi sử dụng sữa. Nếu trẻ có biểu hiện tiêu chảy, nôn trớ, không tăng cân hoặc sụt cân, ho kéo dài, khó thở... cần lập tức ngừng sữa đang dùng và đưa trẻ đi khám. Đặc biệt với trẻ có bệnh lý nền, nên tham khảo ý kiến bác sĩ dinh dưỡng để chọn đúng loại sữa phù hợp.
Cha mẹ chọn sản phẩm đã được cấp phép bởi cơ quan quản lý có thẩm quyền, có các bằng chứng khoa học về tác dụng. Chọn sữa theo lứa tuổi, tình trạng sức khỏe và nhu cầu dinh dưỡng của người sử dụng. Luôn kiểm tra hạn sử dụng, quy cách đóng gói, bảo quản. Mọi người hãy đọc thành phần dinh dưỡng, đặc biệt là hàm lượng đạm, chất béo và lượng đường bổ sung, vi chất dinh dưỡng…