Liên tiếp phát hiện sai phạm liên quan đến quảng cáo
Đến khi bị cơ quan chức năng "sờ gáy", nhiều công ty trắng trợn, sẵn sàng chối bay không nhận nội dung trên trang website đó mình đang quảng cáo. Tuy nhiên, nhìn vào những nội dung quảng cáo này, người tiêu dùng hoàn toàn có thể nhận diện quảng cáo thổi phồng, lừa đảo nhằm đánh lừa người tiêu dùng sản phẩm có công dụng thần kỳ, thậm chí như thuốc chữa bệnh.
Mới đây, trong danh sách xử phạt 16 cơ sở vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm với số tiền hơn 1,1 tỷ đồng, thì có tới 10 cơ sở có sai phạm liên quan đến vi phạm quảng cáo. Trong các sai phạm quảng cáo này phổ biến nhất là nội dung quảng cáo lập lờ, cố tính gây hiểu lầm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ (TPBVSK) có công dụng như thuốc chữa bệnh.
Trên website chính thức của Cục An toàn thực phẩm, thường xuyên xuất hiện những thông tin cảnh báo người tiêu dùng về các TPBVSK quảng cáo lừa dối người tiêu dùng. Mới đây nhất, hôm qua Cục An toàn thực phẩm đã công bố trong thời gian vừa qua trên website: www.gannhokynam.site có nội dung quảng cáo sản phẩm TPBVSK Gan Nhó Kỳ Nam LNNature vi phạm quy định quảng cáo.
Sản phẩm do Công ty TNHH Kinh doanh Dược phẩm Hậu Giang (Địa chỉ: số nhà 1 ngách 1/124 Yên Lộ, tổ 13, phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Công ty TNHH Dược phẩm Lĩnh Nam (Địa chỉ: số nhà 30, ngõ 223/12, tổ dân phố Chợ, phường Đại Mỗ, quận Nam Từ Liêm, TP. Hà Nội) là đơn vị phân phối sản phẩm.
Cũng theo Cục An toàn thực phẩm, qua công tác hậu kiểm việc quảng cáo TPBVSK trên internet và môi trường mạng, Cục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang website: dongychinhhang.net; chuyengiatuvan247.com đang quảng cáo sản phẩm TPBVSK Kim Thạch Đan vi phạm: quảng cáo gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; quảng cáo có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.
Sản phẩm TPBVSK quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Thương mại Vinpharco (địa chỉ: Số 92 tổ 60 phố Nguyễn Lân, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm. Quá trình hậu kiểm, Công ty TNHH Thương mại Vinpharco không thừa nhận website nêu trên của Công ty TNHH Thương mại Vinpharco, Công ty không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo các sản phẩm TPBVSK Kim Thạch Đan trên trang mạng nêu trên.
Nhiều thực phẩm chức năng quảng cáo thổi phồng tác dụng.
Thực phẩm chức năng, TPBVSK không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh
Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, phần lớn quảng cáo thực phẩm chức năng/ TPBVSK qua mạng xã hội không đúng sự thật. Để nhận diện vi phạm quảng cáo, nếu thấy bất cứ một trong những dấu hiệu sau, người tiêu dùng có quyền nghi ngờ về sai phạm quảng cáo.
- Dùng cán bộ y tế, danh nghĩa cán bộ y tế để quảng cáo.
- Lấy danh nghĩa bài thuốc Đông y, lang y nhưng thực chất đó là thực phẩm để quảng cáo chữa khỏi bệnh nọ bệnh kia là quảng cáo sai sự thật.
- Dùng thư, lời cảm ơn, phát biểu của bệnh nhân để quảng cáo thực phẩm chức năng.
- Quảng cáo thực phẩm chức năng nhưng lại khẳng định chữa dứt điểm bệnh nọ, bệnh kia, quảng cáo "đẩy lùi" bệnh tật...
TPBVSK, thực phẩm chức năng vốn là một sản phẩm tốt, hỗ trợ cho việc phục hồi, duy trì hoặc tăng cường chức năng nào đó của một hoặc nhiều bộ phận cơ thể. Ngoài ra sản phẩm có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng và giảm bớt nguy cơ bệnh tật… Vì thế, người tiêu dùng không tẩy chay thực phẩm chức năng nhưng không tin vào quảng cáo sai sự thật chữa bệnh nọ bệnh kia.
Thực phẩm chức năng/TPBVSK trước khi quảng cáo phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền thẩm định nội dung và chỉ được quảng cáo những nội dung đã được thẩm định.
Nhiều đơn vị luôn quảng cáo nói quá công dụng của thực phẩm chức năng, TPBVSK trong khi đây là sản phẩm chỉ có tác dụng nâng cao sức đề kháng, giảm nguy cơ mắc bệnh, giảm triệu chứng, không có tác dụng điều trị, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh. Vì thế, thực phẩm chức năng, TPBVSK nên tuyệt đối không được ghi là thuốc, có tác dụng điều trị bệnh, thay đổi chức năng bộ phận cơ thể người. “Quảng cáo quá mức khiến người tiêu dùng tin theo, lúc họ mắc bệnh thay vì đến bệnh viện, họ lại tin vào quảng cáo dùng sản phẩm đó để chữa bệnh. Hậu quả bệnh bệnh sẽ nặng hơn, gây khó khăn cho việc điều trị bệnh, thậm chí với một số bệnh như ung thư sẽ mất đi “cơ hội vàng”, khi bệnh đã bước sang giai đoạn muộn”- PGS.TS. Nguyễn Thanh Phong cảnh báo.