Nhận diện lừa đảo đặt phòng, tour du lịch qua mạng khi mùa hè cận kề

17-02-2025 15:51 | Xã hội
google news

SKĐS - Nhiều người tiêu dùng có thói quen đặt phòng, tour du lịch hoặc chốt đơn qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… mà không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc doanh nghiệp... thì dễ bị lừa đảo.

Bắt người phụ nữ trong đường dây lừa đảo tại CampuchiaBắt người phụ nữ trong đường dây lừa đảo tại Campuchia

SKĐS - Công an tỉnh Lai Châu vừa bắt thêm 1 người phụ nữ trong đường dây lừa đảo tại Campuchia.

Cảnh giác với đặt phòng qua facebook, mạng xã hội

Thời điểm sau Tết Nguyên đán 2025, khi người dân có nhu cầu cao về hoạt động du xuân, du lịch, các vụ việc lừa đảo đặt phòng khách sạn, homestay liên tiếp xảy ra. Trong đó, đáng chú ý là vụ một du khách bị lừa hơn 1 tỷ đồng khi đặt phòng qua fanpage giả mạo khu nghỉ dưỡng Minawa Kênh Gà (Ninh Bình).

Theo trình báo của bà T (ở Hải Phòng) mới đây, bà đặt phòng ở resort Minawa Kênh Gà ở Ninh Bình cho 2 người lớn và 2 trẻ nhỏ từ 31/1 tới 3/2. Sau khi nhắn tin và được tư vấn trên trang fanpage của khu nghỉ dưỡng, bà T chốt phòng và chuyển khoản tiền cọc cho khu nghỉ dưỡng 6,5 triệu đồng/2 phòng.

Nhận diện lừa đảo đặt phòng, tour du lịch qua mạng khi mùa hè cận kề- Ảnh 2.

Cảnh báo về chiêu trò lừa đảo đặt phòng du lịch.

Không lâu sau đó, nhân viên tư vấn xưng danh khu nghỉ dưỡng báo lại khách đã gửi chuyển khoản sai nội dung. Nội dung chuyển khoản phải là mã đặt phòng, nếu khách chuyển sai nội dung, hệ thống không đọc được và không giữ được phòng đặt.

Sau nhiều lần liên tiếp khách chuyển khoản đều bị báo sai nội dung. Những lần tiếp theo, nhân viên tư vấn giục khách chuyển cọc sớm trong thời gian khuyến mại và sao chép mã do "khu nghỉ dưỡng" cấp vào nội dung chuyển khoản để phòng kế toán xác nhận, hoàn trả tiền cọc ban đầu. Bà T nhập mã chuyển 39,5 triệu đồng; 125,6 triệu đồng; 379,6 triệu đồng và 485,6 triệu đồng. Tổng số tiền đã chuyển lên tới hơn 1 tỷ đồng. Cuối cùng, không thể liên lạc được với khu nghỉ dưỡng, bà T mới biết đã bị lừa và báo công an.

Ông Vũ Ngọc Sơn, Trưởng ban Nghiên cứu, Tư vấn, Phát triển công nghệ và Hợp tác Quốc tế (Hiệp hội An ninh mạng Quốc gia), Giám đốc Công nghệ Công ty Công nghệ An ninh mạng Quốc gia Việt Nam (NCS) cho biết: "Hình thức lừa đảo này không phải là mới. Một người bạn của tôi trong lĩnh vực công nghệ thông tin cuối năm 2024 cũng bị lừa tương tự khi đặt phòng qua mạng tại Ninh Bình".

"Sau khi chuyển khoản, đối tượng bảo bị lỗi và gửi đường link yêu cầu đăng nhập. Nghi ngờ, người bạn gọi lại kiểm tra, đối tượng còn thách thức: 'Cô bị lừa rồi, không lấy lại được tiền đâu'. Điều đó cho thấy, người có kinh nghiệm cũng bị lừa. Đối tượng lừa đảo trên mạng có kịch bản và phân vai cụ thể...", ông Vũ Ngọc Sơn chia sẻ.

Để tránh trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo như trên, chuyên gia Cục An toàn thông tin đã khuyến cáo người dân một số điểm cần lưu ý khi khi đặt phòng trên các nền tảng trực tuyến. Trước khi quyết định đặt phòng, người dùng cần kiểm tra kỹ địa chỉ website. Các trang web đáng tin cậy thường có chứng chỉ bảo mật và có địa chỉ rõ ràng; tránh những website có tên miền lạ hoặc không có chứng nhận bảo mật.

Người dân cũng cần tham khảo ý kiến của những người đã từng lưu trú tại khách sạn muốn đặt qua các trang như TripAdvisor, Google Reviews, hoặc các trang đặt phòng uy tín; không tin tưởng fanpage quảng cáo đặt phòng với mức giá quá rẻ so với thị trường; chủ động liên hệ trực tiếp với khách sạn hoặc homestay trước khi thanh toán qua những thông tin liên hệ trên trang chính thức như số hotline hoặc gửi email trực tiếp để xác minh thông tin về phòng và dịch vụ.

Kiểm tra tính an toàn của tên miền trước khi đặt phòng

Theo chuyên gia, hiện nay, nhiều người tiêu dùng có thói quen đặt hàng hoặc chốt đơn qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tiktok… mà không kiểm tra kỹ lưỡng nguồn gốc doanh nghiệp.

Vì thế, đối tượng lừa đảo thường lợi dụng, tạo lập website tên miền quốc tế hoặc lập ra các fanpage giả mạo để đánh lừa khách hàng. Các trang này thường không cần xác thực thông tin như địa chỉ, liên hệ chính thức, khiến người tiêu dùng khó xác minh tính hợp pháp. Khi xảy ra sự cố, khách hàng khó có thể khiếu nại hoặc nhận được sự hỗ trợ từ nền tảng mạng xã hội.

Để đảm bảo an toàn, theo khuyến nghị chuyên gia VNNIC, người tiêu dùng nên ưu tiên sử dụng dịch vụ qua các website tên miền ".vn". Khi kinh doanh tại thị trường Việt Nam, các doanh nghiệp thường đăng ký tên miền quốc gia ".vn" để tăng tính chính danh, tin cậy. Tính xác thực, bảo mật cao và hỗ trợ pháp lý tốt hơn là những lợi ích nổi bật của việc sử dụng website tên miền .vn.

Ngoài ra, trước khi sử dụng bất kỳ dịch vụ nào trực tuyến, người dùng nên kiểm tra kỹ nguồn gốc website qua hệ thống tracuutenmien.gov.vn và ưu tiên sử dụng các nền tảng chính thống để bảo vệ quyền lợi của bản thân.

Để phòng chống lừa đảo dịch vụ đặt phòng, ông Vũ Ngọc Sơn cho rằng, khách hàng phải kiểm chứng thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, nhất là kiểm tra chéo qua số điện thoại khác. Đồng thời, khách hàng có quyền nghi ngờ về giá cả khi thấy quá thấp so với giá mặt bằng chung.

"Khi chuyển khoản, khách hàng cũng phải luôn để ý khi thấy tên tài khoản nhận và khu du lịch không trùng khớp nhau. Hiện nay, đối tượng lừa đảo dùng số tài khoản ngân hàng của doanh nghiệp nhiều bởi vừa tạo niềm tin cho khách hàng, nhưng quan trọng hơn là số tài khoản này khi chuyển khoản không phải xác thực sinh trắc học. Các số tài khoản doanh nghiệp 'ma' này hiện nay mua bán dễ dàng trên mạng. Do đó, để tránh bị lừa đảo, người dùng phải thật sự tỉnh táo, kiểm tra kỹ thông tin trước khi chuyển tiền", ông Vũ Ngọc Sơn đánh giá.

"Việc tra cứu thông tin website, tên miền sẽ giúp người dùng xác định nguồn tin chính thức, góp phần phòng ngừa và ngăn chặn các hành vi lừa đảo liên quan đến việc sử dụng tên miền trên môi trường mạng", chuyên gia VNNIC lưu ý thêm.

Những hình thức lừa đảo trực tuyến người Việt dễ "dính bẫy" nhấtNhững hình thức lừa đảo trực tuyến người Việt dễ 'dính bẫy' nhất

SKĐS - Do xu hướng chuyển đổi số rầm rộ tại các ngân hàng trong thời gian qua, cũng như sự phổ biến của xu hướng mua sắm không dùng tiền mặt, thương mại điện tử... nên tội phạm nhắm đến người dùng Việt.

Xem thêm video đang được quan tâm:

Sáng 17/2: Trêu ghẹo cô gái bị phản ứng, gã đàn ông bệnh hoạn quay qua đập phá quán ăn gây náo loạn


Tô Hội
Ý kiến của bạn