Hà Nội

Nhận diện giai đoạn 2 “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19

24-03-2020 10:09 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Giai đoạn 2 này, “cuộc chiến” phòng chống dịch COVID-19 trở nên khó khăn hơn, đòi hỏi sự vào cuộc của tất cả hệ thống chính trị xã hội và toàn thể người dân...

TS.BS. Nguyễn Văn Định - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An trao đổi cùng phóng viên Báo Sức khỏe&Đời sống.

TS. Nguyễn Văn Định thông tin về công tác phòng chống COVID-19 trong giai đoạn 2 ở Nghệ An.

TS. Nguyễn Văn Định thông tin về công tác phòng chống COVID-19 trong giai đoạn 2 ở Nghệ An.

PV: Hiện nay, cuộc chiến phòng chống dịch COVID-19 ở Việt Nam đã bước sang giai đoạn mới, xin ông cho biết khác biệt giữa 2 giai đoạn?

TS.BS. Nguyễn Văn Định: Chúng ta có thể tạm chia cuộc chiến phòng, chống COVID-19 tại Việt Nam từ Tết Nguyên đán đến nay làm 2 giai đoạn: Ở giai đoạn 1, Việt Nam có 16 ca bệnh và chúng ta đã điều trị khỏi cả 16 ca. Giai đoạn 2 bắt đầu từ ngày 6/3/2020 khi Việt Nam có ca bệnh thứ 17 và sau đó là các ca bệnh trong cộng đồng xuất hiện. Thời gian này, trên thế giới, sự chuyển trục dịch lây nhiễm đã từ châu Á sang châu Âu và các nước thuộc châu lục khác.

Ở một diễn biến khác, ở các nước ASEAN, số lượng ca bệnh mắc mới COVID-19 cũng tăng cao. Dịch bệnh từ các nước: Malaysia, Singapore, Indonesia, Campuchia, Thái Lan cũng rình rập xâm nhập nước ta... Ở giai đoạn 2 này, nguồn lây nhiễm đã trở nên đa dạng. Các mặt trận phòng chống dịch ở Việt Nam cũng phải mở rộng, triển khai ra nhiều hướng.

Bước sang giai đoạn 2 này, Nghệ An đang có những chuyển biến nào trong công tác phòng chống dịch COVID-19?

Bước sang giai đoạn 2, trên cơ sở nền tảng các giải pháp đã triển khai ở giai đoạn 1, Nghệ An đã nâng công tác phòng, chống COVID-19 thêm 1 cấp độ. Cụ thể, trong công tác giám sát, phát hiện, tỉnh đã huy động tối đa sự giám sát của cả hệ thống chính trị, xã hội và toàn thể người dân để phát hiện nguy cơ dịch. Tất cả các trường hợp người dân đi nước ngoài về đều được sàng lọc, rà soát, cách ly tại cơ sở tập trung hoặc cách ly tại nhà, không bỏ sót. Tùy theo từng trường hợp cụ thể mà tỉnh thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, trong đó 100% trường hợp cách ly tập trung được lấy mẫu xét nghiệm nhằm phát hiện sớm những người mắc bệnh, tạo sự yên tâm và phòng tránh lây nhiễm cho cộng đồng.

Về công tác bảo đảm cho hoạt động dự phòng và điều trị, Nghệ An đã thực hiện rà soát tất cả các phương án, lên kế hoạch chi tiết cho tất cả các tình huống gắn với điều kiện khu vực cách ly, điều trị và cơ sở vật chất, nhân lực, khả năng đáp ứng... Mỗi tình huống dịch đều có các giải pháp đồng bộ đáp ứng đi kèm. Ngay cả tình huống xấu nhất là dịch vượt quá khả năng phòng chống cũng đã được tính đến, kèm theo các kế hoạch ứng phó.

Tỉnh Nghệ An đặc biệt lưu tâm đến hoạt động điều trị như tiến hành mua sắm mới máy xét nghiệm SARS-COV-2 để kịp thời phát hiện ngay các trường hợp lây nhiễm nhằm có giải pháp kịp thời. Trong hoạt động điều trị, Nghệ An vẫn tuân thủ nghiêm nguyên tắc 4 tại chỗ. Tất cả các tuyến đều hình thành nên các khu điều trị với cơ số giường bệnh, giường cách ly; lên phương án dự phòng khi số bệnh nhân mắc vượt quá cơ số giường bệnh bố trí. Tỉnh cũng đã lên phương án thành lập bệnh viện dã chiến khi cần thiết.

Trong giai đoạn này, yêu cầu phòng chống dịch đặt ra đối với các huyện, thành, thị trong tỉnh và với mỗi người dân là như thế nào?

Mỗi địa phương phải hình thành nên một “chiến lược phòng thủ khu vực”, “chống dịch như chống giặc”. Ở đó, Ban Chỉ đạo là nơi tập trung đầu mối lãnh đạo, điều phối nguồn lực, phân cấp thực hiện các phần việc một cách đồng bộ, có sự phối kết hợp tạo nên hiệu quả cao; mọi người dân cùng vào cuộc phòng chống, ngăn chặn dịch, trong đó có việc huy động nguồn lực ở mức độ mạnh mẽ hơn, cung cấp thêm kinh phí mua trang thiết bị, vật dụng, vật tư, chi hỗ trợ nguồn nhân lực chống dịch, truyền thông chống dịch, xét nghiệm, sinh phẩm, điều trị...

Bước sang giai đoạn 2, Nghệ An đã nâng công tác truyền thông lên 1 bước. Hiện nay, tỉnh tập trung tuyên truyền cho người dân thực hành phòng tránh lây nhiễm là đeo khẩu trang nơi công cộng, mọi nơi mọi lúc; tự giác khai báo y tế; mọi người không quá hoang mang, hoảng sợ dẫn đến tình trạng kì thị, phân biệt đối xử với người nhiễm, người đang cách ly; không xa lánh, đổ lỗi cho người bị nhiễm...

Mọi người cũng cần phải nhìn nhận người bị bệnh, người cách ly là người thực sự cần quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ. Quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ họ chính là phòng ngừa cho cộng đồng, cho bản thân.

Xin cảm ơn ông!


Khánh Tâm (thực hiện)
Ý kiến của bạn