Trong giai đoạn đầu của bệnh, việc giảm thể tích nhát bóp có thể được bù bằng cơ chế tăng nhịp tim để đảm bảo lưu lượng. Tuy nhiên lưu lượng tim không tăng khi gắng sức và gây ra triệu chứng khó thở. Có thể trong một thời gian dài các tâm thất bị giãn ra nhưng bệnh nhân không cảm thấy khó chịu gì. Đến giai đoạn sau cả lưu lượng tim và thể tích nhát bóp đều giảm. Thể tích tâm thu và tâm trương của tâm thất tăng lên, giảm độ bão hòa ôxy máu tĩnh mạch và kết quả là làm tăng chênh lệch về ôxy giữa máu động mạch và máu tĩnh mạch. Tăng áp lực động mạch phổi và sức cản động mạch phổi từ từ do suy tim trái, giảm cung cấp máu thận, tăng tiết catecholamin và kích thích hệ thống renin-angiotensin-aldosterone do cung lượng tim thấp, do đó làm tăng sức cản ngoại biên lại càng làm cho cung lượng tim bị giảm đi nhiều hơn.
Các bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn thường có triệu chứng như khó thở, ho khan, đau ngực, phù chân, tiểu ít... các bệnh nhân thường có triệu chứng suy tim nặng giai đoạn 3-4. Tuy nhiên khoảng 10% các trường hợp phát hiện ra bệnh là do tình cờ chụp Xquang tim phổi thấy bóng tim to hơn bình thường. Khám bệnh nhân thấy có các triệu chứng ứ trệ tuần hoàn ngoại biên như gan to, tĩnh mạch cổ nổi, phù chân hay toàn thân. Các triệu chứng suy tim trái như có ran ẩm ở phổi, huyết áp hạ...
Điều trị bệnh cơ tim giãn cũng tương tự như các bệnh nhân bị suy tim do nguyên nhân khác, mục đích là ổn định tình trạng suy tim. Việc điều trị bao gồm chế độ ăn hạn chế muối và nước, dùng thuốc trợ tim, thuốc lợi tiểu, thuốc giãn mạch, các thuốc chống đông máu để phòng ngừa biến chứng tắc mạch. Các nghiên cứu cho thấy một số dụng cụ có hiệu quả trong điều trị bệnh cơ tim giãn như máy tạo nhịp phá rung tự động có thể cấy được vào trong cơ thể, tạo nhịp ba buồng tim...
Ghép tim: Chỉ định trong các trường hợp suy tim nặng không đáp ứng với điều trị nội khoa (đã bao gồm cả chẹn beta). Tuy nhiên phẫu thuật này tốn kém và mới chỉ được thực hiện tại một số trung tâm y học lớn.
Làm sao để sống chung cùng bệnh?
Cũng như nhiều bệnh lý tim mạch khác, bệnh nhân bị bệnh cơ tim giãn cần phải có một chế độ làm việc, dinh dưỡng và luyện tập thể dục thể thao hợp lý. Điều quan trọng là luôn kiểm soát được trọng lượng cơ thể, kiểm tra huyết áp, mỡ máu, đường máu và tinh thần thoải mái, tránh stress.
BS. Nguyễn Lê Phương