Hà Nội

Nhận dạng các thể viêm kết mạc thường gặp

06-03-2023 14:14 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Viêm kết mạc là viêm màng bao phủ tròng trắng của mắt và lớp sau mi mắt. Viêm kết mạc mắt do nhiều nguyên nhân như: nhiễm vi khuẩn, virus, dị ứng và những phản ứng độc hại bỏng hóa chất ở mắt như ký sinh trùng, nấm...

1. Viêm kết mạc mắt là gì?

Kết mạc là một màng mỏng trong suốt có chứa các mạch máu và bao phủ lên củng mạc của nhãn cầu và mặt trong của sụn mi, tạo thành hai túi cùng đồ trên và dưới.

Khi bị viêm kết mạc cấp tính, các mạch máu tại đây sung huyết làm cho kết mạc phù và đỏ, vì vậy thường gọi bệnh viêm kết mạc cấp là đau mắt đỏ. Bệnh có thể xuất hiện vào bất cứ thời điểm trong năm nhưng thường bùng phát thành dịch vào thời điểm giao mùa.

Viêm kết mạc cấp tính còn có thể liên quan đến các bệnh lý nghiêm trọng như:

  • Giảm thị lực hoặc độ nhạy ánh sáng do thâm nhiễm dưới biểu mô dai dẳng;
  • Chảy nước mắt mãn tính do thoát lệ đạo;
  • Giảm hoặc mất thị lực do kết mạc co rút và kết mạc bị dính một phần hay toàn phần như sẹo kết mạc.

2. Nhận biết các loại viêm kết mạc thường gặp

- Viêm kết mạc do vi khuẩn: như enterobacteriaceae, phế cầu, tụ cầu vàng, não mô cầu... Vi khuẩn có thể từ bụi bặm, dụng cụ, tay bẩn ô nhiễm vào mắt hoặc viêm nhiễm ở cơ quan khác lan đến vùng kết mạc với triệu chứng điển hình:

  • Mắt cảm giác cộm như có sạn, bỏng rát. Khó mở mắt vào buổi sáng khi ngủ dậy do ghèn, xuất hiện ở một mắt và sau đó lan sang mắt thứ 2;
  • Mi mắt bệnh nhân sưng nề và đóng vẩy khô do tiết tố bám;
  • Kết mạc cương tụ đỏ rõ nhất ở cùng đồ và nhạt dần khi ra đến vùng rìa. Trong trường hợp nặng có thể xuất hiện màng giả trên kết mạc.

- Viêm kết mạc do virus Adenovirus: Bệnh thường lây lan trực tiếp qua tiếp xúc từ mắt người bệnh hoặc qua đường hô hấp và có thể truyền bệnh do dùng chung khăn mặt hoặc các vật dụng cá nhân khác.

photo-1677748563572

Sử dụng chung khăn mặt có thể làm lây bệnh viêm kết mạc.

Có 2 thể:

- Thể sốt viêm kết mạc họng hạch: Thường do virus type 3 và 7; Người bệnh sốt nhẹ, đau họng và có thể nổi hạch trước tai, người mệt mỏi; Mi mắt sưng và cảm giác nặng mi; Cảm giác cộm như rắc cát vào mắt, sau đó mắt sưng nề nhanh chóng; Tiết tố nước trong và dính; Kết mạc đỏ rực, phù mọng, nhiều khi xuất huyết và thấy xuất hiện nhiều hột to xếp thành dãy ở cùng đồ; Giác mạc ít bị viêm.

- Thể viêm kết - giác mạc dịch: Nguyên nhân do virus type 8 và 19 và ít kèm theo triệu chứng toàn thân. Biểu hiện giác mạc nặng hơn với 3 giai đoạn:

  1. Giai đoạn 1: Trong 7 ngày sau khi bệnh khởi phát: trên giác mạc xuất hiện những chấm viêm biểu mô tỏa lan, thường khỏi sau khoảng 2 tuần;
  2. Giai đoạn 2: Sau khi bệnh khởi phát 1 tuần, biểu hiện bởi viêm giác mạc đốm tạm thời;
  3. Giai đoạn 3: Xuất hiện các ổ thẩm lậu giác mạc dạng đốm dưới biểu mô. Nếu không được điều trị, các ổ viêm này sẽ tồn tại lâu dài và sau gây giảm thị lực.

- Viêm kết mạc do virus herpes: Thường xuất hiện ở những người lần đầu nhiễm virus herpes. Biểu hiện là trên da mi và da vùng quanh mi mắt xuất hiện những nốt mụn phỏng, kèm theo phù đỏ vùng da quanh đó, tiết tố kết mạc loãng như nước, kết mạc cùng bên cương tụ, có phản ứng hột.

photo-1677748567781

Hình ảnh viêm kết mạc do virus herpes.

- Viêm kết mạc do dị ứng:

+ Viêm kết mạc dị ứng cấp: do phản ứng viêm cấp tính ngay sau khi tiếp xúc với các dị nguyên. Lúc đó Mi mắt và kết mạc đôi khi sưng phù làm người bệnh cảm thấy lo sợ. Tuy nhiên, tình trạng này thường kéo dài trong vài giờ và có thể tự giới hạn.

+ Viêm kết mạc dị ứng theo mùa hoặc quanh năm: Tình trạng dị ứng xảy ra nặng hơn theo mùa hoặc có thể xuất hiện quanh năm và kèm theo viêm mũi dị ứng.

+ Viêm kết mạc dị ứng mùa xuân: là một thể bệnh đặc biệt, thường xuất hiện ở trẻ trai từ 5 - 7 tuổi, có tiền sử bị chàm, có tiền căn dị ứng trong gia đình. Bệnh này có thể gây tổn thương giác mạc và gây ảnh hưởng thị lực.

+ Dị ứng kết - giác mạc: Thường xuất hiện ở người trưởng thành, người có tiền sử mắc bệnh chàm hay hen suyễn. Thể này biểu hiện quanh năm, ngoài kết mạc, gây ra tổn thương mi mắt và giác mạc kèm theo làm giảm thị lực.

- Viêm kết mạc dị ứng nhú gai khổng lồ: Đây là thể bệnh do sự tiếp xúc cơ học trực tiếp của kết mạc mi với những dị vật như kính áp tròng, mắt giả, chỉ khâu... gây tổn thương dạng nhú to ở mi mắt ở người bệnh.

- Viêm kết mạc do nhiễm độc: Các chất axit, kiềm, chất độc hóa học, thuốc atropine… đều là những tác nhân gây kích thích mạnh gây viêm kết mạc. Nhiều trường hợp, thậm chí làm giảm thị lực, tổn thương cả giác mạc.

photo-1677748574192

Nấm Aspergillus gây tình trạng viêm kết mạc.

- Ký sinh trùng gây viêm kết mạc: do ký sinh trùng như chấy rận.

- Viêm kết mạc và giác mạc do Chlamydia: ở người trưởng thành, bệnh lây theo đường sinh dục, ít gặp lây theo đường tiếp xúc mắt sang mắt. Bệnh chủ yếu gặp ở người trẻ và ít nhất 50% trong số họ có kèm theo nhiễm khuẩn đường sinh dục kín mà không có triệu chứng.

Nhiều loại viêm kết mạc có xu hướng tự khỏi như: viêm kết mạc do virus… Tuy nhiên có một số loại viêm kết mạc có diễn biến bệnh đáng quan tâm như: Viêm kết mạc do cầu khuẩn lậu; Viêm kết mạc do Adenovirus; Viêm kết mạc mùa xuân… gây nên những hậu quả đáng tiếc cho thị lực.

Chính vì vậy nên ngay khi có cảm giác mắt đau, cộm, ngứa mắt, có ghèn… bệnh nhân cần đến khám tại các trung tâm y tế, bệnh viện chuyên khoa mắt để được khám chẩn đoán nguyên nhân và điều trị kịp thời.

Viêm kết mạc: Triệu chứng và thuốc điều trịViêm kết mạc: Triệu chứng và thuốc điều trị

SKĐS - Viêm kết mạc còn được gọi là đau mắt đỏ, nguyên nhân có thể là do nhiễm vi khuẩn, virus, hoặc phản ứng với chất kích thích, chất gây dị ứng xâm nhập vào mắt. Cách chữa trị phụ thuộc vào nguyên nhân gây ra...

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Hai ‘bảo mẫu’ hành hạ bé trai 17 tháng tuổi tử vong ‘xin tha thứ’ | SKĐS

BS. Nguyễn Văn Hoàng
Ý kiến của bạn