Hà Nội

Nhân chứng, bằng chứng là yếu tố quan trọng bảo vệ nhân viên y tế trước pháp luật

12-09-2016 07:04 | Tin nóng y tế
google news

SKĐS - Bạo hành y tế, hành hung nhân viên y tế trong bệnh viện vẫn luôn là vấn đề nóng và chưa khi nào giảm nhiệt. Có ý kiến cho rằng pháp luật Việt Nam không bảo vệ người thầy thuốc vì chưa có hành lang pháp lý cụ thể để bảo vệ họ, người khác lại cho rằng người thầy thuốc thường đứng trước nguy cơ bị bạo hành nhưng luôn một mình phải chống đỡ…Liên quan đến vấn đề này, PV Báo Sức khỏe và Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS. Nguyễn Huy Quang – Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ Y tế.

PV: Nhiều quan điểm cho rằng hiện nay ngày y tế chưa có đầy đủ hành lang pháp lý bảo vệ nhân viên y tế khi làm việc, xin ông cho biết ý kiến của mình về vấn đề này?

TS. Nguyễn Huy Quang: Tôi xin khẳng định việc bảo vệ  thầy thuốc và nhân viên y tế đang phục vụ người bệnh tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều đã có cơ chế, hành lang pháp lý rất đầy đủ. Các điều luật bảo vệ này được quy định cụ thể tại Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự, Luật xử lý vi phạm hành chính, Luật Khám bệnh, chữa bệnh. Chỉ có điều việc thực thi, áp dụng và xử lý có triệt để hay không thôi.

PV: Thực tế cho thấy việc áp dụng Luật tại các cơ sở y tế vẫn còn rất mơ hồ, là người làm công tác liên quan đến lĩnh vực pháp luật của ngành y tế, theo ông các cơ sở y tế cần phải làm gì để Luật thực thi hiệu quả và hạn chế nạn hành hung nhân viên y tế?

TS. Nguyễn Huy Quang: Theo tôi, vấn đề đầu tiên để bảo vệ mình, các thầy thuốc và nhân viên y tế phải làm đúng chức trách, đúng pháp luật về cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh cho người bệnh, thể hiện tốt đạo đức nghề nghiệp, coi nỗi đau của người bệnh như nỗi đau của chính bản thân mình. Tôi nghĩ rằng mọi sự xô xát hay hành hung trong bệnh viện đều có nguyên nhân từ hai phía, không phải tự nhiên mà người nhà người bệnh vào bệnh viện đánh bác sĩ. Vì thế, không thể đổ lỗi hoàn toàn cho phía người nhà người bệnh được (trừ những trường hợp không kiểm soát được năng lực hành vi của mình như  người say rượu, ngáo đá...).

Theo đó, việc cung cấp thông tin đầy đủ cho người nhà người bệnh  hiểu tình trạng bệnh của người thân họ và người bệnh đã được xử lý như thế nào sẽ giúp giảm đi sự bức xúc, sự tức giận qua đó cũng giảm những hành vi tiêu cực từ phía người nhà người bệnh. Ví dụ, khi gặp trường hợp bệnh nhân vào cấp cứu nhưng tình trạng chưa đến mức nguy cấp, mà ngay lúc đó các bác sĩ đang phải cấp cứu cho nhiều ca bệnh khác nặng hơn. Người nhà không biết điều đó chỉ thấy bệnh nhân được đưa vào mà các nhân viên y tế bỏ bê không quan tâm nên rất bức xúc. Nếu phía bệnh viện có người giải thích tình trạng bệnh nhân thế này, nguy cơ ra sao, nhưng do thời điểm này đang đông bệnh nhân nên chưa thể khám bệnh, chữa bệnh ngay được, tuy nhiên bệnh viện sẽ cố gắng hết sức trong khả năng của mình… Tôi nghĩ người nhà họ sẽ hiểu và không bức xúc và có những hành vi khiếm nhã...



TS. Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế

Còn trong trường hợp các nhân viên y tế đã tận tình cứu chữa người bệnh, làm đúng các quy định chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh nhưng vẫn bị đe dọa, bị hành hung thì sẽ áp dụng và xử lý nghiêm minh theo luật. Để làm được điều này, lãnh đạo các bệnh viện cần phải chủ động hơn trong vấn đề đảm bảo an ninh an toàn bệnh viện. Các bệnh viện đều phải lên phương án bảo vệ bác sĩ cũng như người bệnh của mình. Các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nên đặt  camera theo dõi để biết rõ diễn biến sự việc và cũng là bằng chứng để giải quyết nếu có việc xảy ra, đặc biệt là ở các điểm nóng như khoa Khám bệnh, Khoa cấp cứu, khoa Hồi sức tích cực…

Tiếp đến, đội ngũ bảo vệ bệnh viện phải có sự phối hợp chặt chẽ với nhân viên y tế và đặc biệt là cơ quan công an sở tại. Bộ Y tế và Bộ Công An đã có quy chế phối hợp rất đầy đủ. Khi có vấn đề như gây rối an ninh bệnh viện, hoặc hành hung bác sĩ thì nhân viên y tế phải báo ngay cho bộ phận bảo vệ bệnh viện để có mặt kịp thời, sau đó liên hệ với lực lượng công an sở tại đến giải tỏa, lập biên bản, có ý kiến nhân chứng, có vật chứng… đây là căn cứ quan trọng để xứ lý theo Luật định.

PV: Đây có thể xem là giải pháp trước mắt đối với vấn nạn bạo hành y tế, còn về lâu dài theo ông, Bộ Y tế có cần thiết phải có văn bản pháp luật riêng để bảo vệ bác sĩ?

TS. Nguyễn Huy Quang: Để giải quyết xung đột, gây rối trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh như hiện nay về giải pháp lâu dài, theo tôi là phải chống được quá tải bệnh viện. Bởi việc quá tải kéo theo rất nhiều hệ lụy. Tiếp theo là cải tạo nâng cấp các cơ sở vật chất phục vụ khám chữa bệnh khang trang hiện đại hơn, thuận lợi hơn cho người bệnh. Và quan trọng vẫn là nâng cao kỹ năng thực hành y khoa, nâng cao chất lượng bệnh viện gắn với thái độ phục vụ người bệnh và năng lực ứng xử của thầy thuốc cũng như nhân viên y tế.

Hiện nay, Quy tắc đổi mới phong cách, thái độ của nhân viên y tế hướng tới sự hài lòng người bệnh, môi trường xanh sạch đẹp và thân thiện đã được Bộ Y tế triển khai quyết liệt và được đưa vào một trong những nội dung quan trọng để đánh giá chấm điểm chất lượng bệnh viện hàng năm. Vì vậy, một bệnh viện tốt cũng sẽ được đánh giá ở thái độ ứng xử của nhân viên y tế làm hài lòng người bệnh. Còn việc chúng ta có nên kiến nghị cần thiết có văn bản pháp lý riêng  trong lĩnh vực bạo hành y tế thì như tôi đã nói pháp luật Việt Nam đã có quy định rõ về các hành vi vi phạm, vấn đề là các bệnh viện, thầy thuốc và nhân viên y tế vận dụng và thực hiện như thế nào thôi.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

Theo khoản 1 điều 104 Bộ Luật hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30% thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Theo Điều 121 Bộ luật Hình sự 1999, sửa đổi bổ sung ngày 19/6/2009 về tội làm nhục người khác bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

Điều 35, Khoản 3, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng nêu rõ: trong trường hợp khi thực hiện cấp cứu, người nhà bệnh nhân có lời lẽ đe dọa nhân viên y tế, nếu cảm thấy có dấu hiệu bị đe dọa đến tính mạng, nhân viên y tế được phép tạm lánh khỏi nơi làm việc, sau đó phải báo cáo với người đứng đầu cơ sở KCB hoặc chính quyền nơi gần nhất.

Điều 6, Khoản 11, Luật Khám bệnh, chữa bệnh cũng quy định: “Nghiêm cấm việc gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề” và Điều 3, Khoản 6 có quy định: “Tôn trọng, hợp tác, bảo vệ người hành nghề khi làm nhiệm vụ”…


Hồng Nguyên (thực hiện)
Ý kiến của bạn