Nhân cách thật trong tài năng thật

22-08-2016 7:54 AM | Xã hội

SKĐS - Hoan nghênh báo SK&ĐS đã có cuộc giao lưu trực tuyến kịp thời với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Xin gọi tên anh không kèm “chiếc lon” đại tá bởi anh bước lên bục vinh quang...

Hoan nghênh báo SK&ĐS đã có cuộc giao lưu trực tuyến kịp thời với xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. Xin gọi tên anh không kèm “chiếc lon” đại tá bởi anh bước lên bục vinh quang trên đấu trường thế giới bằng bàn tay, khối óc của một xạ thủ chứ không phải bằng “chiếc lon” đại tá.

Biết tin Hoàng Xuân Vinh từ chối danh hiệu “Anh hùng” cho cá nhân mình, tôi càng thấy chiếc HCV của anh là vàng 10 đúc nên từ một tài năng thật, nhân cách thật. Kim cương không cần sơn thêm, vàng thật không cần phải mạ. Chỉ những ai không phải thế mới cần những danh hiệu, chạy cho được danh hiệu, bất chấp đạo lý. Rất trân trọng những danh hiệu Anh hùng mà Nhà nước trao tặng nhưng buồn thay, có những “anh hùng dỏm” như một vị từng là Bí thư Tỉnh ủy cũng dám lừa dân, dối Đảng cướp công đồng đội, khai man lý lịch để chạy cho bằng được một danh hiệu “Anh hùng”. Gần đây, báo chí đăng chuyện ông Phó Chủ tịch Hậu Giang từng lãnh đạo tổng công ty được phong danh hiệu Anh hùng nhưng tiền của dân trong tổng công ty này bị ném xuống biển cả ngàn tỷ đồng.

Không thấy hỉ hả, vênh vang, xạ thủ tài năng của chúng ta nhỏ nhẹ khiêm tốn khi nhận thấy chiến công của mình ngoài những gian khổ rèn luyện của bản thân còn có đóng góp  rất lớn của các chuyên gia, của các HLV, của đồng đội... Tài năng thật luôn biết mình biết người và chiến thắng, vinh quang tìm đến là lẽ tất nhiên.

Tài năng thật không phô phang, hãnh diện với điều có được mà luôn cảm thấy mình luôn ở điểm xuất phát bởi mục đích của tài năng không hẳn là HCV. Thật xúc động khi Xuân Vinh tự nhủ mình là người lính và sẽ luôn phục vụ đất nước, nên tấm HCV anh có được là nhỏ nhoi trước khát khao cống hiến của anh. Chuyện anh từ chối danh hiệu cao quý bắt nguồn từ tài năng thật, nhân cách thật khi cách đích cuối cùng của tài năng không phải là chỉ một tấm HCV thế vận hội.

Cảm phục anh bỗng nghĩ đến còn không ít người thiếu tài năng nhưng thay vì muốn có “tài năng”, để thiên hạ nể phục bằng cách “chạy” những bằng cấp thật trình độ giả, những danh hiệu vinh quang “Nhân dân”, “Ưu tú”, “Giải thưởng Nhà nước”, những chiếc ghế thấp cao trong xã hội.

Những phát súng của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh vang lên trên đấu trường thế giới khiến chúng ta tự hào lần đầu có được HCV Olympic thế giới nhưng tự hào hơn khi người xạ thủ tài năng ấy nổ súng bắn thẳng vào thói háo danh, bệnh thành tích đang như một dịch bệnh đang hoành hành trên đất nước ta qua việc từ chối nhận danh hiệu. Hoàng Xuân Vinh chưa được phong tặng danh hiệu “Anh hùng” nhưng phẩm chất của một anh hùng đã lộ rõ trong suy nghĩ của đồng bào, khác hẳn với những “anh hùng bàn phím”, “anh hùng quán nước”, thậm chí cả những “anh hùng chạy”, giỏi chém gió, rao giảng đạo đức nhưng vô tích sự.

Khiêm nhường là phẩm chất tốt đẹp nhưng “nhường” phải đúng địa chỉ. Thật tiếc cho anh khi nhìn rõ vòng 10 để bóp cò súng nhưng lại không nhìn rõ thể thao nước nhà. Sau khi khiêm tốn từ chối danh hiệu, anh lại “nhường” khi đề nghị trao danh hiệu “Anh hùng” đó cho ngành thể thao.

Không nói đâu xa, ngay đoàn thể thao của chúng ta sang Rio thi đấu với 23 vận động viên, thiếu cả bác sĩ, HLV để nhường suất cho các quan chức đi theo “quản lý”, có thể nào lại là Thể thao Anh hùng?

Tự hào, tôn vinh Hoàng Xuân Vinh nhưng có nên nghiêm khắc kiểm điểm ngành thể thao trong mọi bộ môn. Đừng để thành tích của anh đang bị lợi dụng nhằm che đậy những bất cập trong ngành. Thể thao Việt Nam muốn vượt khỏi ao làng cũng rất cần những tài năng thật, nhân cách đàng hoàng trong đội ngũ quản lý, lãnh đạo thể thao.


Lê Quý Hiền
Bình luận
Xem thêm bình luận
Ý kiến của bạn
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ: HOẠT ĐỘNG CHỈ ĐẠO, ĐIỀU HÀNH THÔNG TIN Y TẾ 63 TỈNH, THÀNH