Do bệnh có các biểu hiện giống như bệnh thông thường khác nên người bệnh chủ quan nhập viện muộn khiến cho việc điều trị khó khăn. Vì vậy việc phát hiện sớm, điều trị kịp thời tránh gây ra các biến chứng nguy hiểm là điều vô cùng cần thiết.
Dấu hiệu nhận biết
Đau bụng là triệu chứng hay gặp. Đau bụng làm bệnh nhân phải đi đại tiện ngay. Bệnh nhân có triệu chứng mót rặn khi đại tiện. Giai đoạn đầu bị bệnh thường bị nhầm là bị bệnh lỵ và tự điều trị nhưng không có kết quả hoặc có giảm bớt triệu chứng nhưng sau bệnh ngày càng tăng dần. Tùy theo mức độ tổn thương mà bệnh có biểu hiện khác nhau ở trường hợp điển hình, bệnh nhân tiêu chảy nhiều lần trong ngày, phân có nhiều nhầy máu, nếu bệnh nặng có khi chỉ toàn nhầy máu mà không có phân. Nếu các thể nhẹ, người bệnh không có thay đổi về thể trạng, triệu chứng đại tiện nhầy máu chỉ kéo dài dưới 4 ngày, không có thay đổi thể trạng, không có thiếu máu hoặc giảm protein máu. Bệnh thường chỉ khu trú ở trực tràng hoặc đại tràng sigma, hiếm khi có tổn thương cao hơn ở phía trên. Các biểu hiện ngoài ruột là rất hiếm. Tuy nhiên, tình trạng này cũng có thể diễn tiến thành nặng.
Nếu trường hợp nặng hơn, người bệnh thường khởi đầu bằng đau quặn bụng, rồi đại tiện phân máu, có thể xảy ra vào ban đêm nhưng số lần đại tiện thường dưới 6 lần/ngày. Thường kèm theo sốt, giảm protein máu, làm bệnh nhân mệt mỏi.
Bệnh trở nên trầm trọng khi người bệnh đại tiện có máu hơn 6 lần/ngày và thường xảy ra về ban đêm. Thường có cảm giác đau rát, buốt hậu môn và mót rặn. Cơ thể suy sụp với nhịp tim nhanh, huyết áp hạ, sốt cao, bụng trướng. Nếu không được điều trị kịp thời thì tiến triển rất nặng dẫn đến tử vong do xuất huyết trầm trọng hoặc giãn đại tràng nhiễm độc.
Bệnh nhân có thể sốt, thiếu máu, biểu hiện bằng hoa mắt chóng mặt, nhất là khi ngồi xuống và đứng lên; có thể có phù chân do giảm protein máu khi mắc bệnh lâu ngày. Ở thể nặng có biểu hiện mất nước: khát nước, môi khô, người hốc hác, thậm chí có triệu chứng sốc như: mạch nhanh, huyết áp tụt, đau bụng dữ dội do viêm đại tràng nhiễm độc. Ngoài ra, có thể có các triệu chứng như sưng đau các khớp, đau vùng thắt lưng và cùng chậu do viêm khớp cùng chậu.
Những biến chứng
Ung thư hóa: nguy cơ ung thư hóa ở bệnh nhân viêm loét đại trực tràng chảy máu tăng lên theo thời gian bị bệnh. Theo nghiên cứu tỉ lệ mắc ung thư đại trực tràng trong 10 năm đầu của bệnh là 2%, sau 20 năm bị bệnh là 8% và sau 30 năm là 18% .
Phình giãn đại tràng: thường gặp ở thể viêm loét đại tràng nặng, viêm toàn bộ đại tràng. Đại tràng giãn to chủ yếu giãn đại tràng ngang, d > 6cm. Đây là 1 cấp cứu nội khoa vì có nguy cơ thủng đại tràng.
Suy dinh dưỡng: do quá trình viêm mạn tính lâu ngày, do mất albumin qua đường tiêu hóa...
Chảy máu: chảy máu ồ ạt không đáp ứng với điều trị nội khoa. Trong trường hợp này phải đặt ra chỉ định phẫu thuật ngoại khoa can thiệp, cắt toàn bộ đại tràng.
Về chẩn đoán và điều trị
Chẩn đoán dựa vào các triệu chứng lâm sàng và các biểu hiện đặc trưng khi nội soi đại trực tràng kết hợp với sinh thiết. Khi soi đại trực tràng, cần cẩn thận không nên bơm hơi nhiều vì có thể gây thủng ruột.
Để củng cố cho chẩn đoán xác định, bác sĩ sẽ cho bệnh nhân làm thêm một số xét nghiệm như: xét nghiệm phân, xét nghiệm máu, sinh hóa, giảm vitamin B12, axít folic, Fe huyết thanh. Chụp X-quang khung đại tràng, nội soi khung đại tràng và sinh thiết niêm mạc đại tràng được xem là phương pháp chẩn đoán chính xác.
Tùy theo mức độ nặng và phạm vi tổn thương của bệnh mà các bác sĩ lựa chọn phương pháp điều trị khác nhau. Bệnh nhân sẽ được ưu tiên điều trị nội khoa và điều trị ngoại khoa được chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại hoặc với các trường hợp thủng đại tràng, phình giãn đại tràng nhiễm độc hoặc ung thư hóa hoặc dị sản mức độ nặng.
Kiểm tra sức khỏe định kỳ
Viêm loét đại trực tràng chảy máu chỉ có thể phát hiện được khi làm nội soi, sinh thiết. Khi phát hiện có rối loạn đại tiện, thay đổi tính chất phân như phân có máu, không khuôn, đau bụng nhiều thì cần đến các cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị kịp thời. Tránh để ra tình trạng muộn như: đi đại tiện 2 - 3 ngày liền, mất máu thì việc điều trị sẽ khó khăn, tốn kém hơn. Mọi người cần được theo dõi thường xuyên 6 tháng 1 lần bằng soi đại tràng, sinh thiết đại tràng và đại tràng sigma để kịp thời phát hiện giai đoạn đầu của tiến triển ung thư.
Cùng với việc điều trị theo chỉ định của bác sĩ, theo các chuyên gia tiêu hóa những bệnh nhân vị viêm loét đại trực tràng cần có chế độ dinh dưỡng tốt cho hệ tiêu hóa. Bệnh nhân nên ăn những thức ăn mềm, ít chất xơ như cơm nhão, cháo, thịt nạc, cá, sữa đậu nành, lưu ý tránh ăn rau sống, bắp… Không chỉ thế, căng thẳng quá mức cũng làm tình trạng bệnh viêm loét đại tràng thêm trầm trọng. Nên thư giãn, tránh suy nghĩ quá mức, không dùng các chất kích thích, uống đủ nước và khám sức khỏe định kỳ. Đây cũng là những biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh đối với người khỏe mạnh.