Nhận biết viêm khớp dạng thấp vị thành niên

07-02-2021 10:45 | Đời sống
google news

SKĐS - Viêm khớp dạng thấp vị thành niên (JRA) là loại bệnh viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ dưới 16 tuổi. Bệnh này có nhiều dạng khác nhau, mỗi dạng sẽ gây ra những ảnh hưởng và biến chứng nhất định đối với sức khỏe của trẻ.

Viêm khớp dạng thấp vị thành niên còn có tên gọi khác là viêm khớp tự phát chưa thành niên, là một loại bệnh viêm khớp phổ biến nhất ở trẻ dưới 16 tuổi. Bệnh thường gây ra các triệu chứng như sưng, cứng và đau khớp kéo dài.

Triệu chứng của bệnh JRA

Trẻ mắc bệnh JRA có thể có các triệu chứng đau, cứng, đỏ, nóng hoặc sưng ở một vài khớp. Các triệu chứng này thường trở nên tồi tệ hơn vào buổi sáng, trước khi trẻ bắt đầu hoạt động thể chất. Nếu con bạn đi khập khiễng mà không rõ nguyên nhân hoặc vụng về bất thường, thì khả năng cao là do bệnh JRA gây ra. Đôi khi, một số cơ quan nội tạng cũng có thể bị ảnh hưởng. Trong một số trường hợp, JAR có thể gây sưng hạch bạch huyết, phát ban nhẹ không rõ nguyên nhân hoặc sốt. Một số trẻ thỉnh thoảng bị các cơn bệnh cấp, trong khi những đứa trẻ khác có các triệu chứng mạn tính không bao giờ biến mất. Một số trường hợp mạn tính nặng gây nguy hiểm đến tính mạng vì nó có thể làm rối loạn sự phát triển của xương và ngăn sự tăng trưởng của cơ thể trẻ. Bệnh JAR có thể gây ra một số biến chứng nguy hiểm, ví dụ như viêm mắt hoặc các vấn đề về tăng trưởng. Tuy nhiên, trong hầu hết các trường hợp, đều có thể kiểm soát các triệu chứng bằng thuốc và vật lý trị liệu. Mục tiêu chính của việc điều trị bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên là giảm sưng, giảm đau và giúp trẻ duy trì được các cử động ở khớp, đồng thời đối phó với mọi biến chứng có thể xảy ra.

Viêm khớp dạng thấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Viêm khớp dạng thấp nếu không được điều trị kịp thời sẽ gây biến chứng ảnh hưởng tới sức khỏe.

Các loại thể bệnh JAR

Thể viêm đa khớp

Thể viêm đa khớp có nhiều khả năng tồn tại sau thời thơ ấu và chiếm khoảng 30% các trường hợp mắc JRA. Dạng JRA này thường ảnh hưởng đến 5 khớp trở lên, bao gồm cả các khớp nhỏ (tay và chân), hoặc các khớp lớn hơn (đầu gối và vai). Nó có xu hướng gây tổn thương đến các khớp ở cùng một bên cơ thể. Ngoài ra, những trẻ em mắc phải thể bệnh này cũng thường bị thiếu máu.

Thể viêm ít khớp

Đây là dạng JRA phổ biến nhất, chiếm khoảng một nửa số trường hợp mắc bệnh, thường ảnh hưởng đến 4 hoặc ít khớp hơn, và chủ yếu là những khớp lớn như đầu gối. Theo nghiên cứu, có 20-30% trẻ em bị JRA thể viêm ít khớp phát triển thành chứng viêm ở mắt, dẫn đến mất thị lực. Do đó, các bậc cha mẹ nên cho con đi thăm khám mắt thường xuyên.

Thể hệ thống

Hay còn được gọi là bệnh Still, là dạng JRA ít phổ biến nhất nhưng nghiêm trọng nhất. Thể bệnh này có thể gây sưng, đau khớp, sốt cao, phát ban nhẹ trên ngực, đùi hoặc các bộ phận khác của cơ thể. Ngoài ra, nó cũng có thể gây viêm gan, lá lách và các hạch bạch huyết. Một đứa trẻ bị JRA thể hệ thống có khả năng lâm vào tình trạng thiếu máu. Bé có nguy cơ viêm khớp nặng ở nhiều khớp kéo dài đến tuổi trưởng thành. Thậm chí, JRA thể hệ thống có thể đe dọa đến tính mạng nếu nó gây viêm màng ngoài tim (mô xung quanh tim). Nhìn chung, dạng JRA này thường chiếm khoảng 20% các trường hợp mắc bệnh.

Lưu ý

Nếu con bạn có các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh viêm khớp dạng thấp vị thành niên, bạn nên đưa trẻ đến khám bác sĩ chuyên khoa thấp khớp nhi khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm. Việc chẩn đoán sẽ bắt đầu bằng những câu hỏi về các triệu chứng của trẻ, làm một số xét nghiệm máu và có thể yêu cầu chụp X-quang. Mặc dù các xét nghiệm trong phòng thí nghiệm sẽ không chẩn đoán được JRA nhưng chúng có thể giúp loại trừ các nguyên nhân dẫn đến những triệu chứng của trẻ và giúp bác sĩ phân loại thể JRA mà trẻ có thể mắc phải. Con bạn có thể được chẩn đoán mắc JRA nếu có các triệu chứng kéo dài hơn 6 tuần và không có nguyên nhân nào khác được xác định. Việc điều trị cho viêm khớp dạng thấp vị thành niên cần được bắt đầu ngay từ sớm và tập trung chủ yếu vào việc kiểm soát các triệu chứng đau, đồng thời cải thiện các chức năng và tổn thương do bệnh gây ra.


BS. Nguyễn Ngọc
Ý kiến của bạn