(thulan212 @gmail.com)
Virut viêm gan A lây qua đường ăn uống, từ phân người bệnh đến người lành. Tại Việt Nam, bệnh lưu hành rải rác, tập trung ở một số tỉnh khu vực Tây Nguyên, đặc biệt là nơi có điều kiện vệ sinh kém.
Bệnh viêm gan A chủ yếu lây qua đường tiêu hóa (đường phân - miệng), hiếm khi lây qua đường máu vì có rất ít virut viêm gan A trong máu, cụ thể lây qua các đường chính sau: Ăn thức ăn, thực phẩm bị nhiễm mầm bệnh. Uống nước bị nhiễm bệnh, bơi lội trong ao hồ, bể bơi bị nhiễm bệnh. Ăn chung thức ăn, sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt cá nhân (vật dụng ăn uống, khăn mặt, khăn tắm, bàn chải đánh răng, xô, chậu...) với người có bệnh.
Thời gian ủ bệnh từ 2 - 6 tuần. Trong tuần đầu bị nhiễm bệnh, trong phân của người bệnh có thể tìm thấy virut này: Người bị nhiễm virut viêm gan A có biểu hiện giống như bị cảm cúm, có trường hợp sốt cao, chán ăn, toàn thân mệt mỏi, nước tiểu đỏ như nước vối. Có thể gặp vàng da vàng mắt nếu viêm gan ở giai đoạn toàn phát (rõ nhất là niêm mạc mắt, lòng bàn tay). Sau 4 - 6 tuần, chức năng gan sẽ dần được hồi phục, một số ít bệnh trở nên nặng thêm. Tuy nhiên, đa số các trường hợp đều không có biểu hiện lâm sàng rõ rệt. Đây chính là nguyên nhân bùng phát bệnh, nếu không có cách phòng chống thích đáng có thể gây thành dịch. Phòng tránh tốt nhất là thực hiện ăn chín uống sôi, vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân. Đặc biệt, ở vùng lũ lụt, cần xử lý nguồn nước bằng cloramin B hoặc đánh phèn cho nước trong và đun sôi mới uống, không nên ăn rau sống bị ngập nước lụt.
BS. Nguyễn Quang