Đâu là nguyên nhân?
Helicobacter pylori (H.P) là vi khuẩn hình xoắn được tìm thấy trong lớp nhầy của niêm mạc dạ dày. H.P có ở khắp nơi trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển như Việt Nam. Các yếu tố như stress, chế độ ăn uống, hút thuốc lá có thể xem là các yếu tố thúc đẩy làm trầm trọng thêm tình trạng viêm loét.
Nhiễm H.P là khi vi khuẩn H.P xâm nhập dạ dày hay một phần đầu của ruột non. Trên thế giới có khoảng 2/3 dân số bị nhiễm H.P. Ở nước ta, tỷ lệ này khoảng 75%. Tuy nhiên, đa số những trường hợp nhiễm H.P này đều không có triệu chứng hay biến chứng. Chỉ có khoảng 14% người nhiễm H.P là có biểu hiện bệnh: viêm dạ dày cấp hoặc mạn, loét dạ dày hay tá tràng.
Nhiễm H.P là nguyên nhân của 80% trường hợp loét dạ dày và hơn 90% trường hợp loét tá tràng. Đồng thời, người nhiễm H.P có nguy cơ ung thư dạ dày tăng gấp 2-6 lần so với người không nhiễm.
H.P là xoắn khuẩn có thể gây bệnh loét dạ dày tá tràng bằng cách phá hủy lớp màng nhầy bao phủ bảo vệ niêm mạc dạ dày và tá tràng. Ngay khi H.P phá hủy lớp màng nhầy, acid dạ dày có thể tiếp cận niêm mạc dạ dày hoặc tá tràng và gây ra loét. Người nhiễm H.P dễ phát triển loét DD-TT. Phần lớn chúng ta nhiễm H.P từ lúc còn trẻ và duy trì trong nhiều năm.
Bệnh thường tiến triển âm thầm. Một số người cho rằng không cần quan tâm tới vi khuẩn H.P khi nó chưa gây bệnh. Tuy nhiên, nhiều bằng chứng nghiên cứu thuyết phục về hậu quả và biến chứng của nhiễm H.P trong thời gian dài như loét DD-TT, chảy máu tiêu hóa, ung thư dạ dày... đã cho thấy tính hiệu quả khi được điều trị tiệt trừ H.P mang lại cho bệnh nhân, cả về sức khỏe lẫn kinh tế.
Vi khuẩn Helicobacter pylori - nguyên nhân chính gây loét dạ dày - tá tràng.
Các dấu hiệu nhận biết
Khi bị loét dạ dày, bệnh nhân có thể bị đau rát vùng thượng vị, nhất là khi bụng đói. Cơn đau tạm giảm đi sau khi ăn hoặc uống thuốc kháng acid, cơn đau có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ; đau lặp đi lặp lại trong nhiều ngày, nhiều tuần hoặc nhiều tháng sau đó. Có thể kể đến những triệu chứng không điển hình là buồn nôn, nôn, không thèm ăn. Nếu có biến chứng xuất huyết tiêu hóa do loét, bệnh nhân có thể có dấu hiệu xanh xao, thiếu máu, đi cầu phân đen, ói ra máu...
Các biến chứng thường gặp như: Xuất huyết tiêu hóa: Tình trạng chảy máu của đường tiêu hóa kém; Thủng dạ dày khi ổ loét phát triển sâu hơn và phá vỡ hoàn toàn vách dạ dày hoặc tá tràng; Viêm phúc mạc khi tình trạng viêm hoặc nhiễm trùng phát triển vào phúc mạc - lớp niêm mạc của ổ bụng; Ung thư dạ dày.
Chẩn đoán thế nào?
Tiền sử bệnh có thể giúp bác sĩ chẩn đoán nguyên nhân gây loét DD-TT. Nếu bệnh nhân có các triệu chứng của loét DD-TT, bác sĩ sẽ hỏi xem bệnh nhân có sử dụng các thuốc corticoid hoặc kháng viêm non-steroid không, hoặc tiền sử gia đình.
Khám thực thể: Người bệnh thường biểu lộ điểm đau vùng thượng vị. Khám thực thể có thể giúp bác sĩ chẩn đoán được bệnh loét DD-TT và một số bệnh lý khác.
Các phương pháp tầm soát HP hiện nay bao gồm thử máu tìm kháng thể chống H. P: Chỉ có ý nghĩa nói lên đã có tình trạng tiếp xúc với H. P trong quá khứ, không có ý nghĩa phát hiện bệnh.
Test hơi thở: Sử dụng đồng vị phóng xạ C13 hay C14 để phát hiện sự tồn tại của H.P trong dạ dày. Phương pháp này không xâm lấn và có độ chính xác cao khoảng 98%. Thường được sử dụng để kiểm tra kết quả điều trị.
Nội soi dạ dày là một phương pháp xâm lấn. Có thể phát hiện H.P tại chỗ bằng test urease. Đồng thời, có thể quan sát bằng đại thể và sinh thiết những tổn thương ở DD-TT như viêm, loét, chảy máu, ung thư... Nội soi chỉ ra các dấu hiệu của viêm, trợt, ổ loét và những dấu hiệu về ung thư trong niêm mạc dạ dày. Nội soi giúp theo dõi tổn thương dạ dày. Làm sinh thiết để nhận biết sự hiện diện của H.P.