Nhận biết vẹo cột sống ở trẻ

21-09-2016 15:39 | Đời sống
google news

SKĐS - Vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, biểu hiện cột sống bị biến dạng. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì.

Vẹo cột sống là một bệnh lý nặng, biểu hiện cột sống bị biến dạng. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi, tiến triển nhanh ở tuổi dậy thì. Sự biến dạng cột sống có thể định hình ổn định hoặc dần dần nặng lên, ảnh hưởng đến sự vận động, gây đau ngực, khó thở và một số biến chứng có thể xảy ra như suy hô hấp, bệnh tim, bệnh cơ xương khớp. Vì vậy, phòng ngừa và nhận biết vẹo cột sống ở trẻ cần chú ý đến tư thế, hình thái cột sống để được điều trị kịp thời.

Nhận biết trẻ bị vẹo cột sống, cách nào?

Cột sống là nơi chứa tủy sống và các dây thần kinh quan trọng, được tạo bởi các đốt sống chồng lên nhau, sắp xếp theo thứ tự tạo thành một cấu trúc nâng đỡ cơ thể, điều khiển hoạt động của cơ thể. Khi bị vẹo, cột sống không còn thẳng mà có thể bị vẹo về bên phải, bên trái hoặc cong 2 đoạn như hình chữ S làm trục của hệ xương thay đổi. Có thể nhìn thấy những bất thường như: các gai đốt sống không thẳng hàng; hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp; xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ 2 mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; 2 tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân không đều nhau, bên rộng bên hẹp; mào chậu bên thấp bên cao; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoắn vặn, xương sườn lồi lên. Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng sệ xuống, vẹo cột sống lưng sang phải và cột sống thắt lưng sang trái là thường gặp nhất.

Nguyên nhân và tác hại của cong vẹo cột sống

Khi chưa biết rõ nguyên nhân của cong vẹo cột sống, người ta thường cho rằng  một số trẻ em sinh ra đã bị cong hoặc vẹo cột sống bẩm sinh; một số trẻ em bị cong vẹo cột sống do ngồi, đi đứng quá sớm hoặc do mắc các bệnh về cơ, thần kinh, do chấn thương, do sức khỏe yếu, trẻ suy dinh dưỡng và còi xương... Ở lứa tuổi học sinh, cong vẹo cột sống có thể phát sinh do ngồi học không đứng tư thế, trẻ nằm, quỳ gối, ngồi nghiêng khi học bài ở nhà; hoặc bàn ghế ở trường với một kích thước chung tương đối khi cao, khi thấp, khoảng cách ngồi chật, thiếu chỗ, chưa phù hợp với chiều cao của trẻ. Do ánh sáng phòng học chưa đúng tiêu chuẩn hoặc mang cặp sách quá nặng làm lệch trọng tâm cơ thể. Do trẻ ít hoạt động thể lực hoặc cường độ lao động không thích hợp với lứa tuổi của trẻ làm ảnh hưởng đến cột sống. Nhiều trường hợp không xác định được nguyên nhân.

Cong vẹo cột sống làm trục của hệ xương thay đổi. Mức độ nhẹ thường ít gây ra hậu quả nghiêm trọng hoặc khiến bạn không chú ý. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh có thể là nguyên nhân khiến trẻ chậm phát triển chiều cao, về lâu dài có thể ảnh hưởng đến ngực, khung chậu và chèn ép tim, phổi và gan. Hệ thống cơ xương phải hạn chế vận động, tư thế mất cân đối ảnh hưởng đến tâm sinh lý của trẻ.

Điều trị vẹo cột sống

Ở lứa tuổi vị thành niên, sự tăng trưởng nhanh chóng cũng gây áp lực cho cột sống của trẻ. Giai đoạn đầu của tuổi dậy thì, con trai cao thêm khoảng 1-2cm mỗi tháng. Nếu xuất hiện cong vẹo cột sống thì bệnh có nguy cơ tăng nhanh trong một thời gian ngắn. Chụp Xquang cổ tay, xác định tuổi xương, dự đoán quá trình sinh trưởng của trẻ cũng như việc khám cột sống định kỳ là việc làm thiết thực có thể phòng tránh nguy cơ cong vẹo cột sống và điều trị kịp thời.

Khi bị vẹo cột sống, việc điều trị phụ thuộc vào mức độ biến dạng của cột sống và sự tiến triển của bệnh. Tùy từng hình thái cong vẹo cột sống mà thầy thuốc có thể điều trị bằng liệu pháp vận động hoặc bài tập thể dục khoa học nhằm nắn lại cột sống, tăng sự dẻo dai của các tổ chức liên kết, dây chằng các khớp, giúp cơ lưng phát triển cân đối. Tập bơi cũng có thể được chỉ định khi cần thiết. Bên cạnh đó, hàng ngày trẻ cần được rèn luyện và thực hiện đúng tư thế, sinh hoạt phù hợp với sức khỏe, tránh tổn thương cột sống. Chụp Xquang để theo dõi quá trình điều trị.

Trong trường hợp vẹo cột sống nặng, trẻ có thể mang áo chỉnh hình cột sống trong một thời gian nhất định nhằm hạn chế quá trình tiến triển của bệnh. Nếu không có hiệu quả, có thể phải can thiệp bằng phẫu thuật.

Lời khuyên của thầy thuốc

Nếu phải phẫu thuật vẹo cột sống, tuổi mổ vẹo cột sống tốt nhất là từ 14-17 tuổi, đây là giai đoạn cột sống đã phát triển tương đối ổn định và quan trọng hơn là lứa tuổi này cột sống còn mềm dẻo.

Nếu bạn có nghi ngờ về cột sống của con mình, hãy kiểm tra lưng của trẻ. Chú ý đến sự mất thăng bằng của hai vai và thân. Yêu cầu trẻ vừa cúi đầu từ từ, vừa giữ thẳng chân. Khi quan sát lưng của trẻ, nhìn cả phía sau cả phía trước, nếu xuất hiện phần xương nhô ra bạn nên đưa trẻ đến bệnh viện để được khám, tư vấn điều trị.


ThS. Phạm Tố Ngân
Ý kiến của bạn