Hà Nội

Nhận biết và xử trí viêm lợi cấp

14-03-2018 20:40 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Viêm lợi là một trong những bệnh lý phổ biến ở vùng miệng. Bệnh cũng thường dễ chẩn đoán và điều trị ở mức độ nhẹ, tuy nhiên lại ít được quan tâm chú ý.

Chỉ tới khi bệnh chuyển sang giai đoạn nặng có chảy máu, có biến chứng hay tiến triển thành viêm quanh răng gây đau nhức, lúc đó bệnh nhân mới đi khám.

Cần vệ sinh răng đúng cách để phòng bệnh răng miệng.

Cần vệ sinh răng đúng cách để phòng bệnh răng miệng.

Viêm lợi khi mọc răng : Xảy ra khi răng mọc, có tính chất tạm thời. Các yếu tố thuận lợi làm trầm trọng bệnh như: tích tụ thức ăn, mảng bám vi khuẩn. Triệu chứng giảm khi răng mọc được ra, thường gặp lúc 6-7 tuổi khi mọc răng số 6 và răng số 7. Trong một số trường hợp bệnh tiến triển cấp tính và có thể gây viêm quanh thân răng hoặc áp-xe quanh thân răng.

Cách xử trí: Đối với  viêm nhẹ chỉ cần tăng cường vệ sinh răng miệng. Nếu viêm nặng,  tùy theo mức độ mà các bác sĩ có chỉ định thích hợp như: rửa tổn thương bằng dung dịch ôxy già; rửa tổn thương bằng dung dịch ôxy già phối hợp dùng liệu pháp kháng sinh toàn thân.

Viêm lợi miệng Herpes nguyên phát (còn gọi viêm lợi miệng phồng rộp nguyên phát) là một bệnh nhiễm trùng cấp tính do virut Herpes singler týp 1 gây nên (HIS-1). Bệnh hay gặp ở trẻ em độ tuổi từ 2-5 nhưng cũng có thể gặp ở tuổi lớn hơn. Trẻ nhỏ dưới 12 tháng ít mắc do nhận được miễn dịch thụ động từ mẹ. Virut lây nhiễm qua đường hô hấp dưới dạng bọt khí (mang virut) với thời gian ủ bệnh khoảng 1 tuần. Trẻ bị nhiễm sẽ có hội chứng nhiễm virut: sốt khoảng 38-39oC, đau đầu, khó chịu, đau miệng, khó nuốt, có hạch ở cổ... Đôi khi các triệu chứng khởi phát thoáng qua không được để ý.

Xử trí: Các điều trị chủ yếu làm giảm triệu chứng của bệnh và chống bội nhiễm. Chính vì vậy, bệnh nhân cần được đến cơ sở y tế để điều trị theo dõi, ở giai đoạn cấp tính bác sĩ có thể chỉ định bôi thuốc giảm đau tại chỗ, bôi trước khi ăn và trước khi đi ngủ; thuốc giảm đau, hạ sốt toàn thân. Có thể cho kháng sinh phòng bội nhiễm toàn thân. Bệnh nhân cần được nghỉ ngơi, chế độ ăn mềm giàu dinh dưỡng, bù nước đầy đủ.

Loét ap-tơ niêm mạc miệng: Là một tổn thương loét, đau, trên nền niêm mạc di động, xảy ra ở cả trẻ em tuổi học đường và người lớn. Lứa tuổi hay gặp từ 10-19 tuổi. Có thể do các yếu tố tại chỗ hoặc toàn thân: gene, yếu tố miễn dịch, sự lây nhiễm vi sinh vật, stress, thiếu hụt các vi tố như: sắt, vitamin B12, axit folic... hoặc các yếu tố đặc hiệu (nhiễm vi khuẩn hoặc virut)... gây ra các tổn thương loét.

Khi mắc, biểu hiện thường nhận thấy là tổn thương loét hình tròn hoặc ô van, lõm xuống, trên phủ giả mạc trắng, bao quanh là bờ viền đỏ. Chỗ tổn thương rất đau, đặc biệt với thức ăn chua, mặn... Có thể xuất hiện từng tổn thương loét nhỏ, đơn lẻ hoặc tổn thương loét lớn hoặc xuất hiện rất nhiều tổn thương loét. Có thể kèm theo tổn thương loét ở vị trí khác trong cơ thể (kèm theo loét ở bộ phận sinh dục). Tổn thương loét kéo dài 4-14 ngày, sau đó liền không để lại sẹo, chỉ để lại sẹo trong trường hợp tổn thương loét rộng bất thường. Tổn thương thường rất hay bị tái đi tái lại ở cùng một vị trí.

Cách xử trí: Hiện nay chưa có phác đồ điều trị đặc hiệu, các điều trị hiện thời tập trung vào việc thúc đẩy liền sẹo, giảm thời gian bị loét, giảm đau cho bệnh nhân, phòng hoặc giảm tần suất bị mắc lại bệnh. Các thuốc điều trị gồm: bôi thuốc giảm đau, chống viêm; tăng cường dinh dưỡng, chế độ ăn mềm,...

Viêm niêm mạc miệng cấp do nấm Candida (tưa lưỡi): Nấm Candida bình thường cư trú trong khoang miệng không gây bệnh, nhưng có thể sinh sôi nhanh chóng và gây bệnh khi sức đề kháng của mô mềm ở trong miệng giảm. Bệnh có thể gặp ở trẻ nhỏ sau khi dùng một liệu pháp kháng sinh tại chỗ hoặc gặp ở trẻ sơ sinh, do trong quá trình được sinh ra nhiễm nấm từ cơ quan sinh dục của mẹ.

Biểu hiện nhận biết là các thương tổn trong miệng là những mảng trắng dày, nổi lên trên bề mặt niêm mạc má, lợi, vòm miệng... còn gọi là tưa miệng. Tưa miệng có thể được lấy đi dễ dàng để lại bề mặt tổn thương rớm máu.

Xử  trí: Không được điều trị theo mách bảo, sẽ nguy hiểm đến tính mạng. Tùy theo mức độ nặng nhẹ, lứa tuổi mà các bác sĩ sẽ chỉ định thích hợp.

Viêm lợi loét hoại tử cấp tính (ANUG): là một nhiễm khuẩn cấp tính, thường do stress, do giảm sức đề kháng, hay những tình trạng khác, làm thay đổi mối tương quan vật chủ - vi khuẩn giữa con người và vi khuẩn Borrelia vincenti. Bệnh hiếm gặp ở trẻ em trước tuổi đến trường, đôi khi xảy ra ở tuổi 6-12 và thường gặp hơn ở tuổi thanh thiếu niên.

Khi mắc, biểu hiện đặc trưng của bệnh là bệnh nhân đau liên tục, dữ dội và hôi miệng. Hôi miệng là do sự tích tụ của vi khuẩn và mô hoại tử. Tổn thương thường xảy ra ở nhú lợi, sau đó lan rộng ra các bờ lợi ở mặt lưỡi và mặt môi, nhú lợi bình thường nhọn, có màu hồng, nay không còn nhọn nữa. Các tổn thương loét được bao phủ bởi một màng hoại tử có màng giả mạc màu xám vàng, rất đau khi chạm phải.

Tiến triển cấp tính thường hay xảy ra trên một nền viêm lợi sẵn có và chảy máu khi thăm khám. Tình trạng vệ sinh răng miệng thường rất kém. Có thể có sốt và hạch, nhưng ít gặp hơn viêm lợi Herper.

Các yếu tố nguy cơ thường thấy ở bệnh nhân vệ sinh răng miệng kém, viêm lợi từ trước; nghiện thuốc lá; trẻ em bị suy dinh dưỡng; stress dẫn đến nồng độ corticoid huyết thanh tăng được coi là một cơ chế của ANUG.

Cách xử trí: Bệnh có nguy cơ tái phát nếu không điều trị triệt để, bệnh nhân cần tăng cường vệ sinh răng miệng hàng ngày bằng bàn chải mềm. Dùng nước súc miệng đặc hiệu để làm giảm hình thành mảng bám, dùng ôxy già để ôxy hóa và làm sạch mô hoại tử. Ngoài ra, bác sĩ sẽ chỉ định bệnh nhân dùng kháng sinh kết hợp.

Để phòng viêm lợi, cần chăm sóc răng bằng cách chải răng thường xuyên (ít nhất 2 lần/ngày), dùng thêm chỉ nha khoa để lấy bỏ thức ăn thừa giắt bám ở kẽ răng, súc miệng thường xuyên bằng nước muối và các dung dịch súc miệng khác để tiêu diệt vi khuẩn trong khoang miệng. Lưu ý sử dụng những loại bàn chải mềm mại để không gây tổn thương cho lợi trong quá trình đánh răng. Ăn uống đầy đủ dưỡng chất, khám răng miệng định kỳ. Khi có các biểu hiện bất thường cần đến cơ sở y tế có chuyên khoa răng hàm mặt để được tư vấn điều trị.

TS. Trần Thị Mỹ Hạnh
Ý kiến của bạn