Hà Nội

Nhận biết và xử trí nhanh tình trạng hạ đường huyết

19-03-2023 08:24 | Bệnh thường gặp

SKĐS - Hạ đường huyết hoặc tụt đường huyết là tình trạng lượng đường glucose trong máu quá thấp. Tình trạng này rất hay gặp ở những người đang trong quá trình điều trị đái tháo đường. Nếu không được xử lý và cấp cứu kịp thời, người bệnh có thể bị mất ý thức, ngất xỉu hoặc co giật…

1. Hạ đường huyết là gì?

Như chúng ta đã biết, cơ thể hấp thụ đường qua các loại thực phẩm có nhiều carbohydrate: gạo, khoai tây, bánh mì, ngũ cốc, sữa, trái cây và đồ ngọt… Đường sẽ tích trữ trong gan và mô dưới dạng glycogen và sẽ được phân ly thành glucose để tạo năng lượng nuôi dưỡng cơ thể. Hạ đường huyết hoặc tụt đường huyết là tình trạng lượng đường glucose trong máu quá thấp

Vậy những bệnh nhân bị đái tháo đường có bị hạ đường huyết không?

Thông thường hạ đường huyết không phổ biến ở người không mắc đái tháo đường mà thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường đang được điều trị bằng tiêm insulin hay uống các thuốc đặc trị bệnh.

Tình trạng này cũng có thể xảy ra do tác dụng phụ của thuốc điều trị các bệnh khác hoặc do thiếu hormone; Có khối u trong cơ thể…

2. Những dấu hiệu hạ đường huyết

Các triệu chứng gây ra hạ đường huyết thường:

  • Run rẩy hoặc bồn chồn;
  • Chóng mặt, lâng lâng;
  • Cảm thấy đau đầu;
  • Thường xuyên đổ mồ hôi và cảm thấy đói;
  • Cảm giác nhìn mờ;
  • Tim đập nhanh;
  • Da tái xanh;
  • Ngứa ran hoặc tê môi, lưỡi và má…

Những dấu hiệu trên có thể xảy ra khi người bệnh bị đói do nhịn, ăn trễ, bỏ bữa ăn hoặc có khi xảy ra vào ban đêm rất nguy hiểm, nhất là đối với những bệnh nhân bị đái tháo đường.

Trong nhiều trường hợp đường huyết giảm nghiêm trọng sẽ làm người bệnh lú lẫn, mất ý thức, ngất xỉu hoặc co giật, hôn mê.

3. Cần gặp bác sĩ khi nào?

Cần đi khám bác sĩ ngay lập tức nếu trong tình trạng:

  • Bị hạ đường huyết thường xuyên và nhận thấy các dấu hiệu hạ đường huyết dù không bị đái tháo đường;
  • Bị đái tháo đường và bị chóng mặt hoặc ngất;
  • Đã được điều trị nhưng triệu chứng tụt đường huyết vẫn xảy ra.

Chú ý cần báo cho người thân trong gia đình biết về bệnh đái tháo đường và tình trạng hay bị tụt đường huyết để có thể được theo dõi và cấp cứu kịp thời tránh biến chứng nguy hiểm gây mất ý thức hoặc co giật.

4. Nguyên nhân gây hạ đường huyết

Đối với người bình thường không bị đái tháo đường bị hạ đường huyết có thể do các nguyên nhân:

- Thuốc uống: Nếu vô tình uống nhầm thuốc điều trị đái tháo đường có thể bị hạ đường huyết. Một số thuốc khác: quinine dùng trong điều trị sốt rét cũng có khả năng gây hạ đường huyết.

- Do cơ thể mắc một số bệnh: viêm gan nặng hoặc xơ gan, suy thận... có thể gây tụt đường huyết.

- Do sản xuất thừa insulin: khối u ở tuyến tụy có thể khiến cơ thể sản xuất quá nhiều insulin và từ đó gây tụt đường huyết.

- Do uống rượu bia quá nhiều: Uống rượu bia mà không ăn đủ chất có thể cản trở gan giải phóng glucose dự trữ trong máu khiến đường huyết bị giảm.

photo-1678886685587

Cần theo dõi đường huyết thường xuyên đối với bệnh nhân đái tháo đường.

Đối với bệnh đái tháo đường, nguyên nhân gây hạ đường huyết: Do lượng hormone insulin và glucagon điều tiết trong máu bị mất cân bằng và tác nhân gây ra sự mất cân bằng có thể là:

  • Bệnh nhân sử dụng quá nhiều insulin hoặc thuốc đái tháo đường khác.
  • Người bệnh không ăn đủ, thiếu chất, ăn trễ hoặc bỏ bữa.
  • Do người bệnh tập thể dục mà chưa ăn đủ lượng thức ăn cần thiết.
  • Người bệnh không ăn đủ lượng đường bột cần thiết hàng ngày.
  • Ăn kiêng quá khắt khe và không hợp lý.
  • Uống nhiều rượu bia.

5. Ai có nguy cơ mắc bệnh?

Ai cũng có thể bị tụt đường huyết nếu có một trong những yếu tố:

  • Đang dùng thuốc trị đái tháo đường (đặc biệt là insulin và nhóm sulfonylureas);
  • Nghiện rượu bia;
  • Đang điều trị viêm gan hoặc bệnh về thận;
  • Có khối u làm tăng tiết insulin;
  • Mắc các bệnh rối loạn nội tiết như suy tuyến yên, suy tuyến thượng thận…

6. Xử trí khi bị hạ đường huyết

photo-1678886687789

Cần bổ sung nước ngọt ngay để hạn chế những biến chứng của hạ đường huyết.

Khi bị hạ đường huyết, để lượng đường trong máu trở lại mức bình thường cần nhanh chóng bổ sung đường cho cơ thể bằng cách: Uống ngay lập tức viên đường glucose; Uống ngay nước trái cây; Hoặc đơn giản là ăn kẹo, mật ong hoặc nước ngọt.

Sau khoảng 15 đến 20 phút, nếu lượng đường vẫn chưa bình thường và cảm thấy không thấy đỡ hơn, nên bổ sung đường thêm một lần nữa.

Cần lưu ý rằng đường huyết có nguy cơ tụt lại sau khi đã được xử trí ăn hoặc uống thực phẩm có chứa đường, cacbohydrate. Vì vậy cần kiểm tra đường huyết lại và theo dõi sau đó. Trong trường hợp bị ngất hoặc co giật do tụt đường huyết, không nên bổ sung glucose đường miệng vì dễ gây sặc, mà ngay lập tức cần đến bệnh viện để được tiêm glucagon hoặc glucose vào tĩnh mạch tránh những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

8 điều mọi người cần biết về chỉ số đường huyết8 điều mọi người cần biết về chỉ số đường huyết

SKĐS - Kể từ những năm 1980, chỉ số đường huyết đã được sử dụng để phân loại thực phẩm theo tác động của chúng đối với lượng glucose trong máu hoặc lượng đường trong máu.

Mời xem video nhiều người quan tâm:

Mách Bạn 4 Cách Đơn Giản Phòng Ngừa Cảm Lạnh, Cảm Cúm Trong Mùa Đông - SKĐS

BS. Nguyễn Văn Cường
Ý kiến của bạn