Hà Nội

Nhận biết và xử trí ngộ độc nấm như thế nào?

15-05-2008 11:13 | Thời sự
google news

3 mẹ con chị D.T.Đ (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) trong tình trạng ngộ độc rất nặng do ăn phải nấm độc. Bữa đó, hai vợ chồng chị D.T.Đ đang phát nương thì thấy mấy cây nấm trắng, mập mập mọc thành từng cụm.

3 mẹ con chị D.T.Đ (xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn, Phú Thọ) đã nhập viện trong tình trạng ngộ độc rất nặng do ăn phải nấm độc. Bữa đó, hai vợ chồng chị D.T.Đ đang phát nương thì thấy mấy cây nấm trắng, mập mập mọc thành từng cụm. Trông ngon mắt chị hái 6-7 cây mang về nấu với rau cải thành canh cho cả nhà ăn trưa. Đến buổi tối cả 3 mẹ con đều bị nôn thốc nôn tháo và đi ngoài liên tục, phải đưa đi cấp cứu ở Hà Nội. Nhờ có sự cấp cứu tích cực, chị Đ. và đứa con 10 tuổi qua được cơn nguy kịch, nhưng đứa con lớn của chị là cháu T., đã tử vong. Liên tiếp những ngày sau đó, Trung tâm chống độc tiếp nhận thêm các bệnh nhân cũng bị ngộ độc do ăn nấm từ Hà Giang, Yên Bái...

 
Nấm Coprinus atrameutarius thuộc nhóm nấm độc có triệu chứng xuất hiện sớm trước 6 giờ sau khi ăn.
Chúng ta đều biết, nấm có hai loại là nấm lành và nấm độc. Nấm lành là nguồn thực phẩm bổ dưỡng và con người đã biết nó một cách chắc chắn như: nấm rơm, nấm mỡ, nấm hương, nấm linh chi... Nấm độc lại gây hại, thậm chí gây chết người vì trong nấm có những độc tố nguy hiểm, mà người ta thường nhầm lẫn mỗi khi đi hái nấm mang về ăn, vì hình dạng của nấm rất khó phân biệt loại nào là lành, loại nào là độc. Nước ta cũng như nhiều nước châu Á, tuy việc sử dụng nấm không nhiều như các nước châu Âu hay châu Mỹ nhưng vì có khí hậu ẩm nên là những vùng đất có rất nhiều loại nấm mọc và phát triển, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong nhiều loại nấm có thể ăn được hàm lượng dinh dưỡng đặc biệt cao, bao gồm: chất đạm, chất béo, chất xơ và đặc biệt là hàm lượng cao các chất khoáng. Vì thế, nấm được coi là một thực phẩm có giá trị dinh dưỡng cao.

Trên thế giới hiện nay có khoảng trên 10.000 loại nấm đã được xác định danh tính, nhưng trong số đó có hàng trăm loại nấm độc. Cho dù các nhà khoa học đã có không ít công trình nghiên cứu về nấm nói chung và nấm độc nói riêng, nhưng có rất nhiều loại nấm hiện vẫn không biết vì sao nó gây độc cho người. Nhiều người cho rằng các loại nấm có màu sắc sặc sỡ hoặc có mùi thơm đặc biệt thường là nấm độc, nhưng thực tế không phải hoàn toàn như vậy vì ngay trong những loại nấm có hình thức rất giản dị, không có mùi, thậm chí có những loại trông hoàn toàn “trong trắng” nhưng lại chứa các loại chất cực độc đối với cơ thể. Ở nước ta, các vụ ngộ độc do ăn nấm thường xảy ra ở vùng núi phía Bắc (Hòa Bình, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái...). Cứ vào thời điểm mùa xuân, khi có mưa phùn, thời tiết ẩm ướt nấm mọc nhiều cũng là lúc có bệnh nhân bị ngộ độc nấm.

Nhận biết ngộ độc nấm?

Nhóm nấm độc có triệu chứng ngộ độc xuất hiện sớm trước 6 giờ sau khi ăn, thậm chí sau 30 phút đến 1 giờ có biểu hiện: Tăng tiết nước bọt, nôn, buồn nôn, tiêu chảy, đồng tử co (loại nấm có độc tố muscarin). Triệu chứng ngộ độc xuất hiện chỉ sau ăn 30 phút với nôn, đỏ mắt, đau đầu, lẫn lộn, mệt, co giật (giống ngộ độc disulfiram), triệu chứng có thể kéo dài vài ngày, độc tố nấm là coprine. Độc tố nấm là psilocybin thường gây ra ảo giác, giãn đồng tử, kích thích dạ dày, ruột, đau bụng, sốt, co giật. Các loại nấm này ít khi gây tử vong, nếu được điều trị.

Nhóm nấm độc có triệu chứng ngộ độc xuất hiện muộn (sau 6 giờ ăn) loại này rất độc và tỷ lệ tử vong cao. Loại nấm có độc tố là amatocxin, monomethylhydrazine các triệu chứng xuất hiện muộn sau ăn từ 6-12 giờ, bao gồm: nôn, buồn nôn, đau thắt bụng từng cơn, tiêu chảy, yếu cơ, co giật, viêm gan, tan huyết... tỷ lệ tử vong cao 20-50%. Loại nấm có độc tố là allenic norleucine (Amanita smithiana) và độc tố là orellanine (nấm cortinarius rellanus...) triệu chứng xuất hiện muộn sau một ngày tới sáu ngày sau khi ăn nấm, bao gồm: đái ít, vô niệu, suy ống thận cấp.

Xử trí thế nào?

 
Nấm Hebenoma Crustulinifrme - Triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện muộn sau khi ăn 6 giờ.

Cấp cứu ban đầu: Cho uống ngay than hoạt (hay antipois - B.Mai) 1g/kg và sorbitol 1g/kg, có thể nhắc lại sau 4 giờ. Với trẻ em, tại nhà có thể gây nôn với siro ipeca sau khi ăn vài phút, rồi đưa trẻ đến bệnh viện càng sớm càng tốt.

Tại cơ sở y tế:

Hồi sức chung: Truyền dịch duy trì huyết áp bằng natri clorua 0,9%, glucose 5%. Cho uống than hoạt (nếu chưa được uống). Nếu có co giật cho pifridoxine 20-30mg/kg TM. Nếu có methemoglobine cho xanh methylen 1mg/kg TM chậm liều cho cả người lớn và trẻ em. Nếu có dấu hiệu muscarin, cho atropin 0,01-0,03mg/kg TM. Có ảo giác cho seduxen 10mgTM. Thuốc vận mạch (dopamin, noradrenalin) dùng khi có sốc.

Điều trị nhóm nấm độc muộn: Theo dõi bệnh nhân từ 12-24 giờ sau ăn nấm loại amatoxin và monomethylhydrazin.

Đối với bệnh nhân nghi suy thận do nấm cortinarius, theo dõi 1-2 tuần, như sau:

* Cho than hoạt đa liều: 1g/kg uống sau mỗi 4 giờ cho cả người lớn và trẻ em.

* Sorbitol 1g/kg uống sau liều than hoạt đầu tiên (tốt nhất là uống Antipois - B.Mail).

* Rửa ruột, đại tràng nếu có thể ở giai đoạn chưa suy gan, suy thận.

* Truyền dịch glucose 5%, 10% để tăng bài niệu > 2,5lít/ngày.

* Lọc máu hấp thu và lọc máu liên tục (có suy thận).

* Thay huyết tương và lọc gan khi có suy gan.

* Các thuốc điều trị hỗ trợ gan.

* Hồi sức hô hấp, tuần hoàn và thăng bằng kiềm toan...

Phòng tránh: Không ăn nấm rừng và nấm mọc tự nhiên. Khi chưa xác định được là nấm lành hay độc nên cho súc vật ăn trước.

 
BS. Nguyễn Minh Nguyệt

Ý kiến của bạn