Tuy đã được cảnh báo, những trường hợp ngộ độc do nấm vẫn xảy ra. Như trường hợp đau lòng ở Hòa Bình vừa qua, 2 trong số 5 người trong một gia đình đã tử vong do ăn phải nấm độc (báo SK&ĐS số 49 ra ngày 27/3/2015 đã có bài phản ánh). Để tránh những trường hợp đáng tiếc, bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn đọc cách nhận biết và xử trí khi chẳng may bị ăn phải nấm độc.
Vì sao hay ngộ độc nấm?
Theo thống kê trong hơn 300.000 loại thực vật mọc tự nhiên trên trái đất có khoảng 700 loại có thể gây độc chết người và súc vật khi ăn.Việc phân biệt các loại rau quả độc và đặc biệt là nấm độc thường rất khó và phức tạp. Hơn nữa, lượng chất độc trong các bộ phận của cây cũng khác nhau tùy theo mùa. Khi ăn ít thì có thể tác dụng độc không đáng kể, nhưng ăn nhiều và nhất là ăn lúc đói dễ bị ngộ độc nặng. Ngoài ra, chất độc vào cơ thể còn tùy thuộc mức độ thích ứng của mỗi người: trẻ em, người yếu, người già rất dễ bị ngộ độc. Trong các loại thực phẩm gây ngộ độc thì ngộ độc nấm là nguy hiểm và có tỷ lệ tử vong nhiều nhất vì so với các loại rau độc do chứa các độc tố muscarin, phallatoxin, amatoxin… có tác dụng tiêu hủy hồng cầu, bạch cầu, tế bào thần kinh. Chỉ cần vài cây nấm độc trong món ăn có nấm cũng có thể gây độc, thậm chí làm chết nhiều người.
Điều trị cho bệnh nhân ngộ độc nấm tại trung tâm chống độc bệnh viện Bạch Mai.Ảnh: Trần Minh
Biểu hiện ngộ độc nấm
Triệu chứng thường gặp đầu tiên là loạn nhịp thở, chóng mặt buồn nôn, rối loạn hoạt động của bộ máy tiêu hóa, gan thận, co giật, rối loạn thần kinh, tim mạch, hôn mê và tê liệt thần kinh trung ương… Phải nhanh chóng đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Tuy nhiên, tuỳ thuộc vào loại nấm mà người bệnh sẽ có các biểu hiện sau đây:
Biểu hiện ngộ độc sớm: Thường biểu hiện sau ăn 30 phút đến 2 giờ, tối đa là 6 giờ.
Nấm đỏ (nấm mặt trời, tên khoa học: Amanita muscaria), nấm mụn trắng (nấm tán da báo, tên khoa học: Amanita pantheria): buồn ngủ, chóng mặt, khó chịu, ảo giác, sảng, giật cơ, co giật.
Nấm mực (tên khoa học: Coprinus atramentarius): nếu khi ăn, bệnh nhân có uống rượu, bia sẽ biểu hiện đỏ mặt, cổ, ngực, cảm giác bốc hoả, vã mồ hôi, trống ngực, nhịp tim nhanh, đau ngực, thở nhanh, khó thở, buồn nôn, nôn, đau đầu, hạ huyết áp.
Nấm phiến đốm chuông (tên khoa học: Paneolus campanulatus): điều hoà các động tác vận động kém, tăng vận động, ảo giác, hoang tưởng. Có thể giãn đồng tử (con ngươi mắt giãn), kích thích vật vã, co giật.
Biểu hiện ngộ độc muộn: Có thể sau khi ăn 6 - 40 giờ (trung bình 12 giờ) mới xuất hiện triệu chứng. Hầu hết các trường hợp do nấm lục (nấm độc xanh đen) 6 - 40 giờ sau ăn, bệnh nhân mới biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy dữ dội và nhiều trong khi đó hầu hết chất độc đã vào máu. Có trường hợp sau 1 - 2 ngày điều trị, các biểu hiện nôn, đau bụng, tiêu chảy đỡ, người bệnh (thậm chí có thể cả cán bộ y tế) nghĩ là bệnh đã khỏi. Nhưng trên thực tế, tình trạng ngộ độc vẫn tiếp diễn âm thầm ở các cơ quan khác. Sau 3 - 4 ngày: vàng mắt, vàng da, mệt mỏi, ăn kém, tiểu ít dần, phù, chảy máu nhiều nơi, hôn mê và tử vong.
Nấm đỏ là loại nấm độc tuyệt đối không được ăn.
Xử trí khi bị ngộ độc
Trong khi chờ vận chuyển cấp cứu, bằng mọi biện pháp phải loại nhanh chất độc ra khỏi cơ thể bằng cách gây nôn hoặc dùng thuốc giải độc có tác dụng làm giảm hoặc trung hòa chất độc (than hoạt tính). Cụ thể:
Gây nôn: móc họng cho nôn hoặc dùng lông gà rửa sạch ngoáy vào họng cho buồn nôn, nôn cho đến khi ra nước trong mới thôi. Nếu không nôn được thì phải rửa dạ dày hoặc tẩy thụt loại chất độc ra khỏi ruột bằng dung dịch thuốc tím 0,1% hoặc dùng dung dịch 5% natricacbonat, uống 30g sunfat natri hoặc sunfat manhe với 1-2 cốc nước.
Uống than hoạt tính: Uống 30g than hoạt tính (2 thìa canh) với 1-2 cốc nước (có thể cho ít đường trắng cho dễ uống). Than hoạt sẽ hấp phụ chất độc, chuyển vào phân để tống ra ngoài. Nếu không có than hoạt thì mua viên carbogast hoặc carbophos 400mg/viên để uống. Nếu nạn nhân mê man bất tỉnh, cần đưa đi cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất. Nếu người bệnh hôn mê, co giật thì phải cho nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở thì hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu tại chỗ.
Chú ý: Trường hợp nặng, sau khi sơ cứu tại y tế cơ sở, cần nhanh chóng chuyển về tuyến trên có phương tiện hồi sức tích cực tốt để theo dõi và điều trị (thường tuyến tỉnh trở lên). Nếu có dấu hiệu đe dọa tính mạng, phải chuyển về trung tâm chống độc. Thận trọng loại biểu hiện ngộ độc muộn, mặc dù sau khi sơ cứu đã hết triệu chứng nôn, đau và tiêu chảy nhưng cũng không nên về nhà ngay trong 1-2 ngày đầu mà cần nằm tại viện để theo dõi thêm vì có thể sau 3-4 ngày, các biểu hiện suy gan thận mới bộc lộ…, nếu chủ quan sẽ nguy hiểm tính mạng.
Khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm - Bộ Y tế về dự phòng ngộ độc nấm:
Người dân tuyệt đối không được ăn nấm lạ, không ăn thử nấm, không hái nấm non chưa xòe mũ vì chưa bộc lộ hết đặc điểm của nấm độc
Nấm tươi mới hái nên nấu ăn ngay, nếu để ôi, nát có thể thành nấm độc
Nấm có sâu bọ ăn hoặc cho gà, chó ăn không chết nhưng vẫn có thể gây độc với người.
BS. Nguyễn Văn Thịnh