Những viên băng phiến đặt trong các tủ đựng quần áo, các sản phẩm khử mùi đặt trong phòng tắm, các bồn vệ sinh, góc nhà, kệ... là những nơi mà trẻ em nhìn thấy, lấy được, cầm chơi, dễ hít phải và nuốt phải. Đây là một nguyên nhân gây tai nạn ngộ độc cho trẻ em nhỏ có thể gặp phải trong gia đình. Các bậc phụ huynh cần lưu ý trong sử dụng để có hiệu quả mà an toàn cho trẻ.
Độc tính của băng phiến
Có nhiều loại sản phẩm băng phiến với thành phần khác nhau, được bán rất rộng rãi trên thị trường và sử dụng trong gia đình để xua đuổi côn trùng, khử mùi hoặc làm thơm phòng. Băng phiến là một hydrocacbon ở thể rắn, tinh thể màu trắng, dễ bay hơi. Trước đây được làm từ long não, naphthalene, paradichlorobenzen, hiện nay phổ biến chỉ còn 2 thành phần sau. Naphthalene là một hợp chất có mùi thơm, sản phẩm chủ yếu của quá trình chưng cất nhựa than đá, được dùng rất nhiều trong công nghiệp và môi trường, để diệt gián, bọ trong tủ quần áo; dùng trong công nghiệp sản xuất thuốc nhuộm, nhựa thông, thuốc súng và dầu bôi trơn. Paradichlorobenzen, một hợp chất halogen có mùi thơm, dùng để làm thuốc diệt côn trùng và cũng là một thành phần phổ biến trong các loại hóa chất khử mùi và chất khử trùng.
Băng phiến được hấp thu nhanh chóng qua da, đường tiêu hóa và qua đường thở. Đây là chất tan trong lipid, được chuyển hóa qua gan và sau đó bài tiết qua thận. Cả 2 loại hóa chất trên biểu hiện độc tính cấp hoặc lâu dài thông qua việc tiếp xúc khi nuốt phải, hít thở và qua da. Chúng đều gây kích thích ruột và ảnh hưởng đến não. Naphthalene phá hủy các tế bào máu và gây tổn thương thận. Trên thực nghiệm cho thấy, naphthalene còn gây đục thủy tinh thể và tổn thương biểu mô phổi. Paradichlorobenzen gây tổn thương gan và kích thích da nếu được cầm trên tay lâu. Naphthalene gây độc nhiều hơn paradichlorobenzen. Chỉ cần ngộ độc 1 viên băng phiến chứa naphthalene đủ phá hủy tế bào máu. Liều cao hơn, từ 4 viên băng phiến trở lên sẽ gây cơn co giật.
Trẻ sơ sinh có nguy cơ ngộ độc nặng
Trẻ sơ sinh và trẻ bị thiếu men G6PD (Glucose 6 phosphate dehydrogénase) là hai đối tượng dễ bị ngộ độc nặng do băng phiến chứa naphthalene nhất. Trẻ lớn cũng có nguy cơ ngộ độc vì tò mò, nghịch ngợm và khuynh hướng lưu giữ không an toàn của người lớn trong sử dụng băng phiến và các sản phẩm khử mùi.
Những triệu chứng ngộ độc do nuốt phải băng phiến
Các triệu chứng của ngộ độc cấp nghiêm trọng và ngộ độc từ từ trong thời gian dài đều giống nhau. Do phải trải qua quá trình chuyển hóa các chất độc nên biểu hiện ngộ độc thường xuất hiện trong vòng 1 - 2 ngày sau tiếp xúc. Ngộ độc naphthalene gây nhức đầu, kích thích, lơ mơ, buồn nôn, nôn ói và biếng ăn. Tình trạng tán huyết cũng có thể xuất hiện cùng với triệu chứng sốt, thiếu máu, tăng kali máu và suy thận cấp. Biểu hiện vàng da và xanh xao. Tình trạng methemoglobin máu xảy ra với triệu chứng lâm sàng không rõ ràng, bao gồm thở nhanh, nhịp tim nhanh, khó thở, tím tái. Những biểu hiện thần kinh trung ương do ngộ độc bao gồm rối loạn tri giác, co giật và hôn mê. Nuốt phải băng phiến chứa paradichlorobenzen gây rối loạn tiêu hóa, bao gồm buồn nôn và nôn ói, tiêu chảy và đau bụng. Ngộ độc qua mắt gây kích thích, làm đỏ mắt. Nếu trẻ cầm chơi băng phiến lâu sẽ gây tấy đỏ trên da.
Xét nghiệm
Không có xét nghiệm nhanh giúp nhận diện thành phần trong băng phiến gây ngộ độc. Mặc dù chất chuyển hóa của nó có thể phát hiện trong máu và nước tiểu. Hơn nữa, thử nghiệm này không dùng được trong xử trí cấp cứu vì nồng độ của độc chất cũng không tương quan với độ nặng.
Đối với băng phiến có thành phần naphthalene làm các xét nghiệm phát hiện tình trạng thiếu máu tán huyết và methemoglobine máu. Công thức máu, bilirubin máu, nồng độ lactate dehydrogenase, tổng phân tích nước tiểu, thử nghiệm Coombs, methemoglobine máu giúp đánh giá để có hướng xử trí thích hợp.
Xử trí cấp cứu
Xử trí tại nhà đối với ngộ độc do nuốt băng phiến là nhanh chóng rửa sạch hóa chất trên môi miệng trẻ. Bị vào mắt, rửa mắt bàng nhiều nước. Nếu vào da, rửa da bằng xà phòng và nhiều nước hoặc dưới vòi nước. Sau đó nhanh chóng đưa trẻ đến bệnh viện.
Tại bệnh viện, loại thải độc chất bằng rửa dạ dày không có tác dụng đối với băng phiến vì chúng được hấp thu rất nhanh. Trong trường hợp nuốt phải băng phiến chứa naphthalene nên dùng than hoạt liều cao, vì đặc tính ngăn chặn sự xâm nhập của độc tố vào cơ thể của than hoạt. Không cho uống sữa hoặc thức ăn chứa nhiều chất béo. Xử trí tùy vào mức độ nặng của ngộ độc. Trẻ bị thiếu máu trầm trọng cần truyền hồng cầu lắng. Nếu có triệu chứng methemoglobine máu (mức độ trên 30%) cần được áp dụng biện pháp giải độc bằng thuốc bleu de methylene.
Theo dõi
Viêc theo dõi phụ thuộc vào bệnh cảnh lâm sàng và loại băng phiến nuốt vào. Trẻ bị co giật phải được theo dõi di chứng co giật trong vài ngày, sau đó cho xuất viện và tiếp tục theo dõi tại nhà. Trẻ nuốt phải băng phiến chứa naphthalene nếu không biểu hiện methemoglobine máu và thiếu máu tán huyết nên kiểm tra lại các xét nghiệm sau 48giờ. Nếu phải cho về sớm, cần hướng dẫn thân nhân tiếp tục theo dõi các dấu hiệu và triệu chứng ngộ độc như: nước tiểu sẫm màu, xanh xao, tím tái, kém chơi để đưa đến bệnh viện kịp thời.
Phòng ngừa
Để tránh cho trẻ bị ngộ độc do băng phiến, các bậc phụ huynh cần lưu ý tránh để băng phiến trong tầm tay, tầm nhìn của trẻ. Dạy trẻ không chơi, không nuốt, ngửi băng phiến. Dùng băng phiến cho quần áo trẻ sơ sinh phải cẩn thận, chỉ mặc cho trẻ khi đã hết mùi băng phiến.
BS. CK2. Nguyễn Thị Kim Thoa