Ở cơ thể khoẻ mạnh, tình trạng này còn bù trừ được, nhưng hạ kali máu nặng thì có thể đe doạ tính mạng. Vì vậy, việc phát hiện sớm và xử trí đúng là vô cùng quan trọng.
Vì sao lại bị hạ kali máu?
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến hạ kali máu: Rõ ràng nhất là hạ kali máu do chế độ ăn ít kali. Tuy nhiên, thường gặp nhất là hạ kali do mất quá nhiều, thường đi kèm với mất nước nặng làm mất kali ra khỏi cơ thể. Trong trường hợp điển hình, đây là hậu quả của nôn và tiêu chảy nhưng cũng có thể xảy ra ở vận động viên, người lao động quá sức bị đổ mồ hôi quá mức. Mất kali còn có thể do thụt tháo. Một số thuốc cũng có thể thúc đẩy thải trừ kali ra khỏi cơ thể, bao gồm thuốc lợi tiểu thiazide như hydrochlorothiazide; thuốc lợi tiểu quai như furosemide cũng như các loại thuốc nhuận tràng. Cùng với tiêu chảy, điều trị lợi tiểu và lạm dụng thuốc nhuận tràng là các nguyên nhân thường gặp nhất gây hạ kali máu ở người lớn tuổi. Các thuốc khác có liên hệ với hạ kali máu như thuốc chống nấm amphotericin B, thuốc đồng vận beta-adrenergic, thuốc steroid, theophylline...
Ngoài ra, hạ magie máu cũng có thể gây hạ kali máu vì magie cần cho xử lý kali. Nguyên nhân này có thể được phát hiện khi hạ kali tiếp diễn dù đã bổ sung kali. Các bệnh lý dẫn đến aldosterone cao bất thường gây tăng huyết áp và mất kali qua nước tiểu bao gồm hẹp động mạch thận, hội chứng Cushing hay các u (thường không ác tính) của tuyến thượng thận.
Hạ kali máu rất hay gặp trên thực tế với những triệu chứng dễ gây nhầm lẫn với các bệnh cơ xương khớp, thần kinh...
Khi bị hạ kali máu, nên bổ sung nhiều thực phẩm giàu kali.
Mức nào nguy hiểm?
Hạ kali máu được định nghĩa là tình trạng kali máu dưới 3,5mmol/l. Đây là một rối loạn điện giải thường gặp trên lâm sàng; tình trạng này xuất hiện ở khoảng 20% số bệnh nhân đang nằm viện và khoảng 10-40% ở những bệnh nhân đang điều trị bằng lợi tiểu thiazide. Thông thường, mức kali máu khoảng 3-3,5mmol/l sẽ được bù trừ tương đối tốt ở các cơ thể khoẻ mạnh; tuy nhiên, ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch thì hạ kali máu có thể gây các hậu quả nặng nề. Vì vậy, việc điều trị và chẩn đoán nguyên nhân là rất quan trọng.
Hạ kali máu đôi khi được phát hiện tình cờ sau một xét nghiệm máu. Khi hạ kali máu mức độ vừa - nặng (kali máu 3 - 2,5mmol/l) có thể gặp một số triệu chứng lâm sàng không đặc hiệu như: cảm giác mệt mỏi, đau cơ, yếu cơ. Khi kali máu dưới 2,0mmol/l, các tình trạng nặng có thể xuất hiện như tiêu cơ vân, liệt tứ chi hoặc các triệu chứng rối loạn cơ vòng như bí tiểu, liệt ruột và cuối cùng là ngừng thở.
Các triệu chứng về tim mạch là những triệu chứng quan trọng nhất do có thể ảnh hưởng đến tính mạng. Ở những trường hợp có bệnh lý tim mạch, hạ kali máu mức độ vừa (3 - 3,5mmol/l) cũng đã có thể gây các rối loạn nhịp rất nhanh chóng.
Sự tăng chênh lệch nồng độ kali tế bào dẫn đến hiện tượng gia tăng điện thế nghỉ sẽ gây hậu quả tăng tính kích thích và tính tự động của cơ tim (sự xuất hiện của sóng U). Các rối loạn nhịp có thể đi từ sự xuất hiện sóng U cho đến các loạn nhịp lớn hơn như rung nhĩ, ngoại tâm thu, xoắn đỉnh và rung thất. Một số tác giả ủng hộ việc duy trì kali máu lớn hơn 4,5mmol/l ở những bệnh nhân suy tim hoặc có bệnh động mạch vành.
Điều trị hạ kali máu
Điều trị hạ kali máu bao gồm điều trị nguyên nhân và bổ sung kali. Ngoại trừ tình trạng hạ kali máu thoáng qua, các trường hợp còn lại thì việc điều trị bao gồm điều chỉnh lượng kali mất qua thận và qua đường tiêu hoá.
Việc quyết định điều chỉnh nhanh chóng tình trạng hạ kali máu phụ thuộc vào diễn biến lâm sàng, các bệnh kèm theo và mức độ nặng của hạ kali. Ở những bệnh nhân với mức hạ kali máu vừa và không có tiền sử bệnh lý tim mạch, chế độ ăn giàu kali thường đáp ứng tốt. Nếu tình trạng hạ kali máu kéo dài thì việc bổ sung thuốc là cần thiết. Các nghiên cứu cho thấy: để tăng 0,3mmol kali máu, cần phải sử dụng 100mmol kali dưới dạng muối kali clorua. Ở những bệnh nhân hạ kali máu nặng hoặc có triệu chứng, việc truyền kali đường tĩnh mạch là cần thiết. Việc bù kali không nên quá 20mmol/h và phải luôn theo dõi sát tình trạng rối loạn nhịp. Nếu truyền tĩnh mạch ngoại vi thì lượng kali bổ sung tối đa cũng chỉ 40mmol trong 1 lít dịch truyền. Việc xét nghiệm kali thường xuyên là vô cùng quan trọng để tránh hiện tượng kali máu tăng quá cao dẫn đến biến chứng rối loạn nhịp gây tử vong. Trong những trường hợp hạ kali máu nặng, việc bổ sung magie nên được xem xét.
Phòng ngừa vẫn là quan trọng nhất
Tóm lại, hạ kali máu là một rối loạn điện giải thường gặp trong thực hành lâm sàng và thường được phát hiện tình cờ khi xét nghiệm máu. Mặc dù tình trạng này thường đáp ứng ở những bệnh nhân toàn trạng còn tốt, tuy nhiên, ở những bệnh nhân có bệnh lý tim mạch đi kèm thì hạ kali máu có thể gây các hậu quả nghiêm trọng đe doạ tính mạng bệnh nhân.
Việc hiểu biết về cơ chế điều hoà kali trong cơ thể sẽ giúp chúng ta tiếp cận chẩn đoán nguyên nhân và điều trị hạ kali máu kịp thời.