Hà Nội

Nhận biết và ứng phó cơn đau quặn thận

05-07-2017 08:42 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Cơn đau quặn thận gặp ở nhiều bệnh nhưng nhiều nhất là ở người bị bệnh đường tiết niệu.

Cơn  đau quặn thận gặp ở nhiều bệnh nhưng nhiều nhất là ở người bị bệnh đường tiết niệu. Bệnh xảy ra rất dữ dội và dễ nhầm lẫn với một số bệnh khác, vì vậy, cần nhận biết để đề phòng những bất trắc xảy ra.

Nguyên nhân gây cơn đau quặn thận

Cơn đau quặn thận là cơn đau bụng vùng hố thắt lưng bao gồm nhiều nguyên nhân gây ra, trong đó gặp nhiều nhất là do sỏi tiết niệu, đặc biệt là sự di chuyển của sỏi thận xuống niệu quản, có thể mắc kẹt lại niệu quản làm tắc đường tiểu, ứ đọng nước tiểu, từ đó làm tăng áp lực trong đài - bể thận, gây tổn thương niệu quản dẫn đến đái máu. Sự hình thành sỏi thận thường do tích tụ các chất khoáng canxi, oxalate, cystine hoặc acid uric trong nước tiểu. Các dạng sỏi tiết niệu này hay gặp ở nam giới và có tỷ lệ cao gấp 3 lần so với nữ giới. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, tuy nhiên độ tuổi hay gặp nhất là lứa tuổi trưởng thành và người cao tuổi.

Cơn đau quặn thận còn có thể do huyết khối trong niệu quản hoặc khối u chèn ép niệu quản từ bên ngoài gây tắc cấp tính đường dẫn tiểu gây ứ nước tiểu, căng trướng đài bể thận đột ngột gây ra cơn đau quặn thận. Hoặc do viêm thận, bể thận (xuất huyết đài - bể thận gây chảy máu vùng đài - bể thận hình thành máu tụ trong bể thận dẫn đến tắc niệu quản), áp-xe thận, lao thận (gây viêm chít hẹp quanh niệu quản), u thận, viêm bàng quang cấp hoặc do ứ nước bể thận, ứ mủ bể thận. Ngoài ra cơn đau quặn thận còn có thể do u sau phúc mạc chèn ép vào niệu quản hoặc u niệu quản, u bàng quang gây hẹp lỗ niệu quản đổ vào bàng quang...

Nhận biết và ứng phó cơn đau quặn thậnSỏi thận gây đau quặn bụng.

Nhận biết cơn đau quặn thận

Đặc điểm nổi bật nhất là đột nhiên đau quặn bụng dưới một bên hoặc hai bên (nếu đường tiết niệu bị bệnh hai bên thận, niệu quản) vùng hố thắt lưng, dữ dội, đau như cắt, đau lan ra sau lưng và lan ra phía trước vùng hạ sườn phải hoặc hạ sườn trái, lan xuống vùng bẹn, vùng sinh dục ngoài, vì vậy, muốn tiểu nhưng không thể tiểu được. Kèm theo có thể đái dắt, buốt, đồng thời mặt tái, toát mồ hôi, buồn nôn hoặc nôn mửa, nếu cơn đau quá mức có thể gây choáng, ngất lịm. Cơn đau thường kéo dài hơn vài chục phút, đôi khi kéo dài cả tiếng đồng hồ, thậm chí lâu hơn trong vài giờ. Đau có thể kèm theo sốt hoặc ớn lạnh. Vị trí đau phụ thuộc vào vị trí sỏi và sự di chuyển của sỏi. Ngoài ra có thể gặp cơn đau quặn thận trong các trường hợp viêm bể thận cấp tính, sỏi bể thận gây ứ nước, ứ mủ cấp tính làm sự căng trướng đột ngột của bao thận hoặc khi sỏi mắc kẹt ở niệu quản vị trí 1/3 trên.

Trong và sau cơn đau quặn thận có thể đái ra máu đại thể (mắt thường nhìn thấy màu nước tiểu đỏ) hoặc đái máu vi thể (khi xét nghiệm nước tiểu soi dưới kính hiển vi, thấy hồng cầu).

Nên lưu ý là cơn đau quặn thận thường xuất hiện đột ngột sau khi chơi thể thao, chạy, nhảy hoặc lao động nặng hay đi ôtô hoặc xe máy, xe đạp một quãng đường xa, đường gồ ghề xóc nhiều.

Cơn đau quặn thận có thể nhầm lẫn với bệnh gì?

Cơn đau quặn thận dễ nhầm với bệnh viêm ruột thừa cấp tính (đau vùng hố chậu phải) hoặc nhầm với cơn đau quặn gan - mật khi đau bụng dưới bên phải. Có thể nhầm với cơn đau cấp của bệnh viêm loét dạ dày - tá tràng và đáng sợ hơn là bệnh thủng dạ dày hoặc viêm tụy cấp tính. Ngoài ra, có thể nhầm bệnh thủng ruột (do bệnh thương hàn bởi vi khuẩn Salmonella gây ra, hoặc do dùng thuốc corticoid, do thuốc chống viêm không steroid) hoặc tắc ruột hoặc u nang buồng trứng xoắn (nữ giới) hoặc chửa ngoài tử cung vỡ (phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ).

Cần chụp Xquang hệ tiết niệu, chụp cắt lớp vi tính (CT) hoặc tốt hơn là chụp cộng hưởng từ (MRI) hệ tiết niệu và siêu âm ổ bụng. Bên cạnh đó, nên xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm nước tiểu toàn phần và nên xét nghiệm phân tích thành phần của sỏi hệ tiết niệu.

Nguyên tắc điều trị

Khi có cơn đau quặn thận, cần khẩn trương đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu kịp thời. Sau khi cấp cứu và xác định bệnh sẽ được chỉ định điều trị theo nguyên nhân và triệu chứng giảm đau nếu thấy cần thiết. Đặc biệt đề phòng các bệnh khác có tính chất đau giống đau quặn thận nhưng là cấp cứu ngoại khoa (viêm ruột thừa, thủng dạ dày, tắc ruột, phụ nữ chửa ngoài dạ con, u nang buồng trứng xoắn...). Với bệnh sỏi tiết niệu có thể điều trị nội khoa (dùng thuốc) khi sỏi có kích thước bé hoặc can thiệp bằng ngoại khoa (tán sỏi, mổ lấy sỏi,...). Người bệnh và người nhà không nên chủ quan để tránh xảy ra hậu quả đáng tiếc, nhất là khi đến bệnh viện chậm trễ.

Lời khuyên của thầy thuốc

Để tránh không mắc bệnh về thận nhất là sỏi hệ tiết niệu, cần uống nhiều nước, không nên nhịn tiểu, tránh ngồi lâu. Khi mắc bệnh về đường tiết niệu, cần điều trị tích cực để bệnh chóng khỏi. Ngoài ra, cần vận động cơ thể đều đặn hằng ngày tùy theo điều kiện của từng người nhằm làm cho khí huyết lưu thông, giúp thận bài tiết nước tiểu đều đặn, tránh ứ đọng gây sỏi.


BS. Đặng Bùi Phương Linh
Ý kiến của bạn