Cơn đau tim là một dạng tai biến thường gặp ở người tuổi trung niên và người cao tuổi có một hay nhiều nguy cơ của bệnh tim mạch như cao huyết áp, tiểu đường, béo phì, tăng cholesterol máu, hút thuốc lá nhiều...
Cơn đau tim là tình trạng có một hoặc nhiều mạch máu đến nuôi tim bị tắc nghẽn đột ngột. Sự tắc nghẽn mạch máu này khiến việc nuôi dưỡng tế bào cơ tim bị sút giảm trầm trọng có thể dẫn đến chết tế bào cơ tim. Những tế bào cơ bị chết này không tham gia được việc dẫn truyền điện tim và co bóp của cơ tim. Tổn thương tế bào cơ tim với số lượng lớn hay tại một số vị trí đặc biệt có thể làm tim ngừng đập. Trong những trường hợp này, việc sơ cứu ban đầu là rất cần thiết để cứu sống người bệnh. Những tình huống này thường xảy ra tại nhà hay tại cơ quan. Sự hiểu biết về những triệu chứng của cơn đau tim cũng như dấu hiệu tim ngừng đập là rất quan trọng có thể giúp đỡ được cho người thân và bạn bè.
Nhiều thống kê cho thấy người bị cơn đau tim nặng thường chết trong 4 giờ đầu tiên sau khi xuất hiện cơn đau tim.
Các dấu hiệu sớm của cơn đau tim là:
- Cảm giác đau ở ngực phía sau xương ức như bị bóp nghẹn, đè nén hay cảm giác như co thắt, dao đâm, đau dữ dội trong lồng ngực. Đau ngực thường từ phía sau xương ức lan lên cổ, cằm, vai và tay bên trái đôi khi lan xuống cả 2 cánh tay. Kéo dài trên 20 phút.
Cộng thêm với đau ngực là các triệu chứng:
- Người vã mồ hôi.
- Mặt tái xanh.
- Tinh thần hốt hoảng.
- Cảm giác buồn nôn và nôn.
- Hơi thở nhanh và ngắn.
Khi người bên cạnh mình có những dấu hiệu này, chúng ta cần xử trí nhanh như sau:
1. Nhận biết rõ các triệu chứng và bình tĩnh kiểm soát tình huống.
2. Đặt bệnh nhân ngồi hoặc nằm xuống ở tư thế thoải mái.
3. Nới rộng quần áo và không cho phép bệnh nhân cử động.
Làm được những điều này bạn đã giúp tim bệnh nhân được nghỉ ngơi và hạn chế được tổn thương tại cơ tim phần nào.
4. Gọi ngay số điện thoại trung tâm cấp cứu. Nếu bệnh nhân đã từng bị đau tim thì người này thường mang theo thuốc ngậm dưới lưỡi - một loại thuốc giúp làm giãn mạch máu nuôi tim, tăng cường cung cấp máu cho tim. Bạn nên hỏi bệnh nhân có mang thuốc này theo hay không và lấy hộ thuốc cho bệnh nhân, không nên để bệnh nhân tự đi tìm thuốc. Giúp ổn định tâm lý bệnh nhân trong lúc chờ xe cứu thương đến.
5. Chuẩn bị sẵn sàng hô hấp nhân tạo xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
Tóm lại, khi đứng trước tình huống nghi ngờ cơn đau tim ở một người nào đó, bạn cần thực hiện 4 bước sau đây:
- Đặt bệnh nhân nằm hoặc ngồi ở tư thế thoải mái.
- Nới lỏng quần áo và hỏi bệnh nhân có mang theo thuốc ngậm hay không.
- Tiếp xúc với bộ phận cấp cứu.
- Chuẩn bị hô hấp nhân tạo.