Hà Nội

Nhận biết và phòng ngừa hẹp van hai lá

05-05-2020 16:00 | Bệnh thường gặp
google news

SKĐS - Hẹp van hai lá, cùng với hở van hai lá và sa van hai lá là 3 bệnh về van tim hai lá thường gặp. Ở các nước đang phát triển, hẹp van hai lá nặng ở người trưởng thành, đặc biệt là phụ nữ, thường là hậu quả của bệnh lý thấp do nhiễm liên cầu khuẩn lúc nhỏ.

Hẹp van hai lá sẽ diễn tiến nặng dần theo thời gian, khi van tim bị các phức hợp miễn dịch tấn công và làm biến dạng dần. Điều đáng tiếc là hẹp van hai lá nhẹ thường ít biểu hiện triệu chứng, và nhiều bệnh nhân còn chịu đựng được. Cho nên khi bệnh nhân đến viện khám thường là giai đoạn trễ, van tim hẹp rất nặng và đã suy tim.

Hẹp van hai lá là gì?

Quả tim được ví như một cái bơm tống máu đi nuôi cơ thể. Cấu tạo của tim gồm có hai tâm nhĩ và hai tâm thất. Nhĩ phải được ngăn cách với thất phải bởi van ba lá, nhĩ trái ngăn cách với thất trái bởi van hai lá. Trong một chu chuyển tim, máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất qua van hai lá và van ba lá. Sau đó máu sẽ được tâm thất co bóp tống ra động mạch chủ và động mạch phổi. Bệnh lý van tim sẽ làm quá trình tống máu thay đổi, lâu dần sẽ gây suy tim. Bài này sẽ đề cập đến bệnh hẹp van hai lá.

Bình thường trong thì tâm trương, thất trái giãn ra, van hai lá sẽ mở để máu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Trong hẹp van hai lá, van không mở hết làm giảm lượng máu xuống tâm thất và ứ lại tại nhĩ trái từ đó máu ứ lại phổi gây ra triệu chứng khó thở trên lâm sàng. Máu ứ tại phổi làm tăng áp phổi, gây suy tim phải. Do vậy hẹp van hai lá gây khó thở giống như suy tim trái nhưng thực chất là suy tim phải.

Hẹp van hai lá gây biến chứng cấp tính nguy hiểm nhất là phù phổi cấp. Thường xảy ra khi gắng sức, mang thai, nhiễm trùng, truyền dịch nhiều... Biểu hiện khó thở dữ dội, vật vã, kích thích, trào bọt hồng,... Cần xử trí cấp cứu nếu không sẽ nguy hiểm đến tính mạng.

Hình ảnh hẹp van hai lá.

Hình ảnh hẹp van hai lá.

Nguyên nhân và triệu chứng

Có nhiều nguyên nhân bệnh hẹp van hai lá: Do di chứng của thấp tim (bệnh van tim hậu thấp). Đây là nguyên nhân phổ biến nhất; Van hai lá hình dù; Vòng thắt trên van hai lá; Lupus ban đỏ hệ thống; U carcinoid.

Triệu chứng bệnh hẹp van hai lá: Khó thở: khó thở khi gắng sức, tăng lên khi nằm, có cơn khó thở kịch phát về đêm. Cơn hen tim và phù phổi cấp: Có thể xuất hiện sau gắng sức, bệnh nhân khó thở dữ dội, có thể nghe thấy tiếng rít ở phổi, rale ẩm hai trường phổi, có thể ho ra bọt hồng. Cần xử trí cấp cứu ngay. Ho ra máu: Do tăng áp lực nhĩ trái làm giãn tĩnh mạch nhỏ của phế quản. Khàn tiếng: Do nhĩ trái giãn to chèn vào dây thanh quản quặt ngược trái. Khó nuốt: Nhĩ trái to đè vào thực quản. Biến cố tắc mạch: Tai biến mạch não, tắc mạch chi... do nhĩ trái giãn, dễ hình thành huyết khối trong buồng tim. Nếu kèm theo rung nhĩ thì nguy cơ tắc mạch cao hơn. Khám tim có thể nghe thấy tiếng rung tâm trương ở mỏm, tiếng T1 đanh. Tim có thể loạn nhịp hoàn toàn do rung nhĩ. Biểu hiện suy tim phải: gan to, phù chân, tĩnh mạch cổ nổi

Đối tượng nguy cơ bệnh hẹp van hai lá: Tiền sử thấp khớp cấp; Mắc các bệnh lý hệ thống.

Các biện pháp điều trị bệnh

Điều trị hẹp van hai lá có thể điều trị nội khoa, can thiệp nong van bằng bóng qua da hoặc phẫu thuật thay van.

Điều trị nội khoa: Tránh gắng sức; Có thể dùng thuốc chẹn beta giao cảm nếu tần số tim nhanh để giảm nhịp tim; Dùng thuốc chống đông kháng vitamin K khi có rung nhĩ, tiền sử tắc mạch, nhĩ trái giãn trên 55mm hoặc có huyết khối trong nhĩ trái. Duy trì INR từ 2,0-3,0; Nong van bằng bóng qua da: là biện pháp được sử dụng hàng đầu nếu bệnh nhân có chỉ định can thiệp.

Phẫu thuật: Thay van hai lá cơ học hoặc sinh học khi không thể nong van hoặc có chống chỉ định của nong van. Van cơ học bền hơn van sinh học nhưng sau khi thay van cơ học thì phải dùng thuốc chống đông kháng vitamin K suốt đời.

Hạn chế diễn tiến của hẹp van hai lá

Những thói quen sinh hoạt dưới đây sẽ giúp bạn hạn chế diễn tiến hẹp van hai lá bao gồm: Tái khám đúng lịch hẹn để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn. Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa, không được tự ý uống thuốc không được chỉ định hoặc tự ý bỏ thuốc trong toa được kê. Chăm sóc răng cẩn thận: Dùng bàn chải và chỉ tơ nha khoa và gặp nha sĩ thường xuyên. Hạn chế muối. Duy trì cân nặng hợp lý. Cắt giảm caffeine, rượu và các chất có cồn.Tập thể dục.


BS. Nguyễn Quang Anh
Ý kiến của bạn